Triển lãm “Cất cánh” tôn vinh người phụ nữ, xóa định kiến giới
(Dân trí) - Tiếp nối thông điệp: “Hãy lên tiếng nếu bạn tin rằng ai cũng xứng đáng được phát triển tới mức tối đa tiềm năng của mình mà không phải chịu bất cứ rào cản xã hội nào!”, triển lãm “Cất cánh” là cuộc hội ngộ của 26 nhân vật với 26 câu chuyện vươn lên trong cuộc sống.
Từ ngày 3/3-5/3, tại khu vực tượng đài Vua Lê, phố Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra triển lãm nghệ thuật “Cất cánh” hưởng ứng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đây là sự kiện do Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường ISEE tổ chức.
Triển lãm nhằm nhấn mạnh sự quyết đoán, tự tin và khát vọng của cả nam - nữ giới, thông qua những chân dung nhân vật và tất cả câu chuyện của họ mang tới không chỉ tập trung vào nữ giới, sự hiện diện của cả hai giới cùng nhau trong triển lãm đã thể hiện chân thực ý nghĩa của bình đẳng giới, mang lại cảm hứng sống mạnh mẽ, tự do cho mỗi con người, bởi giới này không thể giải phóng được nếu giới kia bị trói buộc.
Đến với “Cất cánh”, người xem được cảm nhận, thông qua 26 bức ảnh chân dung cũng là 26 hồi ức đã và đang xảy ra giữa hiện tại và tương lại của các nhân vật. Để thực sự có thể “cất cánh”, họ đã không ngần ngại vượt qua biết bao nhiêu những rào cản khó khăn, vất vả.
Trong buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Lê Hoa (Phó Giám đốc Quốc gia - Oxfam tại Việt Nam) quan niệm: “Bình đẳng đáng được chấp nhận nhiều hơn. Có lẽ chúng ta đã đạt được rất nhiều những nỗ lực, thành tựu trong những năm gần đây khi mà Chính phủ cũng đã phát động phong trào vì sự bình đẳng phụ nữ.
Rất nhiều những điều luật, các quy định, pháp lý ủng hộ quyền bình đẳng của phụ nữ. Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng, khâu thực hiện còn rất nhiều điều cần phải làm tốt hơn nữa, để những chính sách pháp lý mang lại lợi ích thực tiễn về mặt bình đẳng giới ở Việt Nam”.
Bà Phạm Kiều Oanh - người sáng lập và đảm nhiệm cương vị Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục cụ Cộng đồng (CSIP), một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam là một trong 26 nhân vật nổi bật chia sẻ: “8 năm trước, tôi đang làm trong Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF. Lúc đó tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi tham gia khởi nghiệp một tổ chức xã hội mới. Có lẽ khi người ta càng lớn, gánh nặng càng nhiều hơn, làm cho quyết đinh khó khăn hơn và tôi quyết định nghỉ việc tại UNICEF để bắt tay xây dựng CSIP".
Ông Mã Văn Hồng - 45 tuổi (hiện đang là chủ nhiệm HTX Nông ngư Hòa Đê, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) tâm sự về những khó khăn vất vả khi mới khởi đầu thành lập HTX: “Trước đây, đối với bà con ở vùng sâu vùng xa, rất khó khăn tiếp cận với văn hóa ẩm thực, tôi đã đứng ra thành lập CLB năm 2009, mời các kỹ sư về tập huấn, chỉ dạy giúp bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm.
Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, có một số bà con chưa hiểu nên không đồng thuận với mình, mà chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. Giai đoạn đó tôi cũng định bỏ cuộc, nhưng được chính quyền địa phương và những anh em khác nhiệt tình động viên, khuyến khích cố gắng. Mỗi lần nghĩ tới việc sẽ thu hoạch được nhiều hơn và sản phẩm bán giá ổn định hơn là tôi thấy vui”.
Một số bức ảnh khác tại Triển lãm
Lê Tuyết