Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 4/6, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là một hệ thống kiến thức quý báu được hình thành và lưu truyền từ bao đời nay trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương ở Kon Tum.

Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - 1

"Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh” được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Ảnh: Chí Anh).

Theo ông Mạnh, hệ tri thức này bao gồm toàn bộ hiểu biết về cách nhận diện cây sâm và vùng đất có thể trồng sâm, kỹ thuật nhân giống, chăm sóc, thu hoạch sâm, sử dụng sâm trong chữa bệnh và phục hồi sức khỏe.

Đi kèm với đó là các phong tục, tập quán, nghi lễ tâm linh gắn với rừng và cây sâm, những yếu tố làm nên bản sắc riêng biệt, thiêng liêng của vùng đất Ngọc Linh.

“Việc được công nhận hệ tri thức này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là vinh dự đối với đồng bào các dân tộc tại Kon Tum mà còn là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược bảo tồn và phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Danh hiệu này hy vọng sẽ góp phần nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh, không chỉ là dược liệu quý mà còn là tài nguyên văn hóa”, ông Mạnh nói.

Hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có hơn 3.000ha sâm Ngọc Linh. Dược liệu này đã giúp đồng bào Xơ Đăng ở tỉnh Kon Tum thoát nghèo, khi có giá 120-260 triệu đồng/kg, mỗi cây giống có giá 300.000 đồng.