Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Hạn hán liên tiếp trong 2 năm qua và ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hơn 20.000 người dân chủ yếu là các cộng đồng thiểu số ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) lâm vào tình trạng thiếu đói.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 1

1 góc bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.

Bản nghèo “điêu đứng” vì hạn hán

Bản Chà Lắn, xã Hữu Lập cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 18km. Đây là nơi cư ngụ của một cộng đồng người Khơ Mú. Bản có 120 hộ dân thì chỉ có một số nhà được gọi là “thoát nghèo”, trên 90% số hộ thuộc diện nghèo.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 2

Một đám rẫy mà phần lớn lúa bị chết do hạn hạn của người dân bản Chà Lắn.

Từ bản nhìn lên những ngọn núi đất chỉ còn cây bụi, xen lẫn là những đám lúa nương. Cuối tháng tám, lúa đã lên xanh, nhưng không khó để nhận thấy những khoảng đất trống trên các đám rẫy. Đó là những phần đất lộ ra bởi lúa đã chết do hạn hán kéo dài trong nhiều tháng liền.

Nhà Bí thư chi bộ Lương May Pheng ở sát đường cái, mặc dù đã thoát nghèo nhưng ông May Pheng cho hay, cả nhà đã ăn hết lúa rẫy từ trong năm 2019. Cả vụ rẫy trỉa 50kg thóc giống nhưng cho thu hoạch chỉ  2 bao tải lúa.

“Cả bản ai cũng mất mùa, nhiều nhà chỉ được 1, 2 bì (bao tải - PV) lúa. Có  nhiều nhà còn không được bì nào, cả làng phải mua gạo.” - ông Lương May Pheng chia sẻ thêm.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 3

Kho lúa chỉ còn thóc giống dành cho vụ sau của gia đình ông Lương May Pheng.

Để có tiền mua gạo, bà con đổ xô vào rừng hái lá chuối đem bán cho các đầu nậu. Rừng gần hết lá chuối, người ta tìm đến những rừng xa hơn, mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục kg lá chuối, mỗi kg bán được hơn 2000 đồng.

Hiện tại, lá chuối rừng đang ít dần và nguồn thu nhập khả quan nhất hiện tại của dân bản đang bị ảnh hưởng.

Cũng như các địa bàn khác, thanh niên bản Chà Lắn tìm đến các khu công nghiệp làm công nhân hoặc làm thời vụ ở địa phương.

“Nếu không có hai anh em đang đi làm ăn xa thì nhà gần chục miệng ăn, mình không biết phải làm gì luôn" - ông May Pheng nói thêm.

Cuộc sống khó khăn của trẻ em miền núi.

Cách đó không xa là ngôi nhà sàn đơn sơ của gia đình ông Moong Văn Khuê. Nhà có gần chục người già trẻ, trai gái... đang cùng ngồi xem ti vi. Ông Khuê cho hay, phần lớn họ đều trở về nhà từ sau đợt cách ly xã hội, đang chuẩn bị đi làm trở lại thì một đợt dịch khác lại bùng phát.

Gia đình đang chuẩn bị bữa trưa, thức ăn chỉ có một vài thứ rau rừng, canh và cơm trắng. Ông Khuê cho hay, gia đình có 11 miệng ăn hai cậu con trai đang đi làm ăn xa, nhưng vì dịch Covid-19 tái bùng phát nên việc làm bấp bênh, thu nhập không có.

Gia đình bà Lo Thị Dân (52 tuổi) là một trong những hộ nghèo nhất bản. Chồng bà đã mất 15 năm nay, lại phải nuôi thêm đứa cháu ngoại. Người phụ nữ này chỉ biết vào rừng hái măng vừa làm thức ăn, vừa bán cho tư thương. Bữa cơm trưa của hai bà cháu chỉ có một chút xôi và và thứ rau rừng.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 4
Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 5

Bữa cơm đạm bạc của gia đình bà Lo Thị Dân.

Ông Lô Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Hữu Lập - cho hay: “Chà Lắn là bản khó khăn nhất toàn xã. Để hỗ trợ cho bà con, mới đây, chính quyền xã đã xin nguồn cấp cho bản hơn một tấn gạo. Tuy nhiên, dân số bản có trên 600 nhân khẩu nên chỉ được một thời gian ngắn thì nguồn thực phẩm đã hết”.

Về biện pháp xóa đói bền vững cho các bản trong xã, ông Thụ cho rằng: "Tìm việc làm cho người dân có địa chỉ rõ ràng trong nước và xuất khẩu lao động là biện pháp tốt nhất. Nhưng phần lớn người dân vẫn chưa mạnh dạn, dù chính quyền đã tích cực tuyên truyền cũng như liên hệ tạo việc làm từ các doanh nghiệp cũng như đơn vị xuất khẩu lao động".

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 6
Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 7

Để cải thiện bữa ăn, người dân phải bắt con bướm làm thức ăn.

Trên hai vạn dân... thiếu đói

Trên thực tế, có nhiều địa bàn ở huyện miền núi Kỳ Sơn từ nhiều năm nay, người dân luôn trong tình trạng đói kém. Tìm hiểu của PV tại xã biên giới Nậm Cắn, nơi có cửa khẩu quốc tế chính của tỉnh Nghệ An, tình trạng đói kém cũng rất đáng quan tâm.

Thông tin từ UBND xã Nậm Cắn, hiện tại địa phương này có hơn 400 hộ bị ảnh hưởng do hạn hán, 29 hộ với 131 nhân khẩu cần hỗ trợ gạo cứu đói.

Ông Lầu Bá Chày - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn thông tin: “Trong hai năm 2019 và đến tháng 7/2020, tình trạng hạn hán khiến nhiều diện tịch hoa màu bị thiệt hại nặng. Người dân ở các bản như: Huồi Pốc, Khánh Thành, Ca… bị ảnh hưởng nặng nhất do lượng mưa ít ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa và hoa màu”.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 8
Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 9

Trẻ em câu cá, hái rau rừng... để cải thiện bữa ăn.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn cho biết, các xã như: Bắc Lý, Bảo Thắng, Bảo Nam.. cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng do tình hình hạn hán diễn biến phức tạp trong hai năm liền khiến hàng nghìn ha lúa rẫy bị ảnh hưởng. Điều này đã đặt nhiều hộ dân vào tình trạng phải chạy ăn từng bữa.

Dịch Covid-19 cũng được cho là nguyên nhân khiến nhiều gia đình trên địa bàn huyện Kỳ Sơn rơi vào cảnh đói kém. Bởi phần lớn những người khỏe mạnh ở các làng bản trên địa bàn đều có xu hướng đi kiếm việc làm ở địa phương khác.

Dịch bệnh làm ảnh hưởng đến công việc khiến họ phải trở về làm rẫy. Thế nhưng hạn hán khiến lúa rẫy chết làm cuộc sống càng thêm phần khó khăn hơn.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 10

Hai em bé đang ngóng trông người mẹ đi rẫy về.

Trên 2 vạn người dân ở huyện biên giới Nghệ An cần gạo cứu đói - 11

Một em bé phải đi lấy nước sạch để về dùng.

Được biết, Kỳ Sơn là huyện trồng nhiều lúa rẫy nhất ở Nghệ An với trên 6000 ha, trong đợt hạn hán năm 2020 khiến trên 4500 ha bị thiệt hại.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn - cho biết: "Hàng năm, chính quyền tỉnh Nghệ An đều hỗ trợ gạo cứu đói cho bà con gặp khó khăn về lương thực trên địa bàn. Hiện tại, chính quyền huyện đang đề nghị cấp khoảng 300 tấn gạo cho 20.200 người dân đang gặp cảnh đói kém trên địa bàn".