Trao giải cuộc thi vẽ tranh về phòng chống tác hại của thuốc lá

(Dân trí) - Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá là một trong những sự kiện quan trọng, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường.

Sáng 15.6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Với chủ đề “Cuộc sống không khói thuốc qua tranh vẽ”, sau 2 tháng phát động, BTC đã nhận được 800 tác phẩm dự thi của các họa sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp mọi miền tổ quốc.

Trao giải cuộc thi vẽ tranh về phòng chống tác hại của thuốc lá - 1

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, sau 2 tháng phát động cuộc thi đã nhận được 800 tác phẩm dự thi

Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết, hầu hết tranh dự thi đều bám sát các nội dung về tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động đến sức khỏe, kinh tế và môi trường.

Qua đó, nêu lên được ý nghĩa và mong muốn của mọi người về việc được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá. Nhiều tác phẩm đã thể hiện một cách sâu sắc và xúc động về mong ước của trẻ em được sống trong môi trường không khói thuốc và kêu gọi những người thân bỏ thuốc vì cuộc sống khỏe mạnh, tươi đẹp, vì hạnh phúc gia đình.

“Thành công lớn nhất của cuộc thi không chỉ được đánh giá qua số lượng và chất lượng tranh dự thi mà còn thể hiện ở giá trị lâu dài của các tác phẩm trong việc truyền thông trực tiếp tới cộng đồng về tác hại của thuốc lá.

Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn, mọi người dân cần nhận thức rõ về tác hại của hút thuốc và hút thuốc lá thụ động. Qua đó, nâng cao được ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng như trường học, nơi làm việc, trên phương tiện giao thông công cộng vì một sức khỏe của cộng đồng”, ông Khuê nói.

Trao giải cuộc thi vẽ tranh về phòng chống tác hại của thuốc lá - 2
BTC cuộc thi vẽ tranh cổ động phòng chống tác hại của thuốc lá trao giải cho các tác phẩm đoạt giải

Kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo đã chọn ra 7 giải khuyến khích, 3 giải Ba, 3 giải Nhì và 1 giải tập thể dành cho tập thể có nhiều tranh dự thi có chất lượng.

Trao giải cuộc thi vẽ tranh về phòng chống tác hại của thuốc lá - 3
Các tác phẩm suất sắc trong cuộc thi

Trong đó, 3 giải nhì thuộc về các tác giả: Phạm Thị Thúy Nga với tác phẩm “Hút thuốc tàn phá cơ thể của bạn”; Nguyễn Thị Huế với tác phẩm “Bắt đầu bằng một thói quen tốt”; Nguyễn Ngần với tác phẩm “Vì tương lai con em của chúng ta hãy nói không với thuốc lá”.

Chia sẻ với PV, chị Phạm Thị Thúy Nga, người đoạt giải Nhì với tác phẩm “Hút thuốc tàn phá cơ thể bạn” cho biết, cảm thấy rất vui và bất ngờ khi nhận giải thưởng. Theo chị Nga, cuộc thi có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của mọi người về phòng chống tác hại của thuốc lá. “Qua tác phẩm của mình, tôi mong muốn cộng đồng cùng chung tay vì một thế giới không thuốc lá. Ở nhà, người thân của tôi đều hút thuốc lá, tôi tham gia cuộc thi cũng mong muốn sẽ tác động làm thay đổi nhận thức để mọi người từ bỏ thuốc lá, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình cũng như những người xung quanh”, chị Nga nói.

Cuộc thi sáng tác tranh cổ động về phòng, chống tác hại của thuốc lá là một trong những sự kiện quan trọng, nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế và môi trường.

Bốn năm qua, nhờ đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông đã tác động tích cực đến thái độ và hành vi của cả người hút thuốc lá cũng như người không hút thuốc. Kết quả, số người hút thuốc nhận được lời khuyên bỏ thuốc của người thân tăng từ 44% năm 2017, lên 50% vào năm 2018.

Đặc biệt, có 70% số người hút thuốc đã cố gắng bỏ thuốc, hơn 60% người không hút thuốc đã có cố gắng nhắc và khuyên người hút thuốc bỏ thuốc. Quan trọng hơn, tỷ lệ hút thuốc chung của nam giới khu vực thành thị đã giảm được 5% so với năm 2010.