Tranh cãi vụ phóng sinh cá hải tượng long: Chuyên gia nói gì?

Hồng Anh Tô Sa

(Dân trí) - Theo ông Hùng, cá hải tượng long là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES II).

Những ngày qua, cư dân mạng không ngừng bàn tán về vụ việc thả cá hải tượng long ra ngoài tự nhiên. Vụ việc trên được một thanh niên sống ở TPHCM quay lại và đăng tải lên mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem.

Những hình ảnh này xuất hiện trong đoạn clip có tên "Phóng sanh cá hải tượng 90kg". Vì được chia sẻ rầm rộ đúng vào dịp rằm tháng 7 nên clip nhận được hàng nghìn ý kiến bình luận.

Clip phóng sinh cá hải tượng long, cân nặng "khủng" gây xôn xao dư luận. (Nguồn: bach_bang)

Một số tỏ ra bất ngờ với độ "chịu chơi", phóng sinh cá "khủng" của gia chủ. Song, cũng có không ít người bày tỏ lo ngại cho rằng, hành động này tiềm ẩn nhiều nguy hại với môi trường sinh thái bởi hải tượng long là loài cá ngoại lai, được mệnh danh là "quái vật" sông Amazon, có bản tính rất hung dữ.

Trao đổi với PV Dân trí, anh B. B (sinh sống ở quận Tân Phú, TPHCM) - chủ nhân của đoạn clip nói trên cho hay: "Tôi quay clip này vào ngày 30/6 chứ không phải trong tháng 7 âm lịch.

Hôm đó, trên đường đi giải quyết việc riêng, tôi có đi qua chợ Hưng Long (quận Bình Chánh). Tại đây, tôi thấy một nhóm người tụ tập rất đông và nói đang chuẩn bị đi thả cá hải tượng long ra sông nên đã đi theo và quay lại clip".

Theo anh B., đoàn người di chuyển bằng xe tải, còn anh B. đi xe máy theo sau. Sau khi đi được khoảng 6km, đoàn người dừng lại ở ngã ba Tân Kim (huyện Cần Giuộc) và thả cá xuống khúc sông gần đó.

Tranh cãi vụ phóng sinh cá hải tượng long: Chuyên gia nói gì? - 1

Theo anh B. có tới 6-7 con cá loại này được thả ra sông. (Ảnh: Cắt từ clip)

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đơn vị đã tham mưu cho Tổng cục gửi văn bản tới các cơ quan chức năng TPHCM làm rõ việc phóng sinh cá hải tượng long gây xôn xao dư luận nói trên.

Theo ông Hùng, các đơn vị sẽ xác minh vụ việc xảy ra ở khu vực nào và có những ai tham gia. Từ đó, họ sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của cá hải tượng long đối với môi trường tự nhiên để có cơ sở xếp loài này vào nhóm xâm hại hay có nguy cơ xâm hại.

Tranh cãi vụ phóng sinh cá hải tượng long: Chuyên gia nói gì? - 2

Nhiều người tập trung lại mới di chuyển được một con cá. (Ảnh: Cắt từ clip)

"Chúng tôi cũng sẽ có những chỉ đạo, biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật", ông Hùng nói.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết, cá hải tượng long (tên khoa học là Arapaima gigas) là sinh vật ngoại lai nhập khẩu từ Nam Mỹ, kích thước và cân nặng lớn. Đây là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loài cá, tôm… 

Cá hải tượng long là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES II).

Việc mua bán loài này giữa các quốc gia cần có giấy phép xuất khẩu do cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.

"Về quy định, với những loài cá nhập khẩu thuộc công ước CITES, chúng ta phải làm rõ hành vi mua bán, xác minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng", ông Hùng nhấn mạnh.

Mỗi dịp rằm tháng 7, người Việt thường có thói quen phóng sinh các loại chim, cá, cua, ốc… Có thể khi phóng sinh, người dân chỉ nghĩ đơn giản đó là một hành động "tích đức" mà không hề biết rằng, loại cá lạ hay sinh vật mình phóng sinh có thể thuộc nhóm xâm hại tới môi trường và các sinh vật khác.

Tranh cãi vụ phóng sinh cá hải tượng long: Chuyên gia nói gì? - 3

Cảnh thả cá xuống sông. (Ảnh: Cắt ra từ clip)

Liên quan đến vấn đề này, ông Hùng cho biết, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản khuyến cáo các địa phương hướng dẫn người dân phóng sinh những loài bản địa có nguy cơ tuyệt chủng và không nên thả những loài lạ, có nguy cơ xâm hại thuộc danh mục do Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành.

Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành danh mục các loài được thả, các loài nên thả, khu vực thả và cách thả, làm sao các loài dễ sống và hiệu quả trong môi trường tự nhiên.

Trước đó, giữa Tổng Cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bản ghi nhớ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và huy động nguồn lực trong hoạt động phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, ngăn chặn giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường.

Bản ghi nhớ hướng dẫn người dân phóng sinh những loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, đặc hữu vào vùng nước tự nhiên góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và mang lại lợi ích cho đời sống xã hội.

Phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi, thiếu hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài sinh vật trong tự nhiên.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, đại diện của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) từng chia sẻ, nhiều người đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ - những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó.

Điều này không những làm mất bản chất tốt đẹp của tục lệ phóng sinh mà còn vô tình tiếp tay gây ra những ảnh hưởng xấu cho môi trường, là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm