Tranh cãi về bánh chưng khổng lồ 7 tấn: Chạy đua kỷ lục gây lãng phí?

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Chiếc bánh chưng nặng 7 tấn được làm từ 4 tấn gạo nếp; 2,5 tấn đỗ xanh, muối, dầu ăn; 1,5 vạn chiếc lá dong; 5 tạ lá chuối... phải dùng xe tải để chở củi luộc bánh.

Chiếc bánh chưng khổng lồ nặng 7 tấn được gói nhân dịp lễ hội truyền thống đền Quốc Mẫu Âu Cơ, chùa Hoàng Xá, xã Hùng Cường (thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).

Hình ảnh chiếc bánh chưng nặng 7 tấn trong lễ hội lập tức được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, làm chiếc bánh chưng như vậy là lãng phí, tạo sự chú ý không cần thiết bằng những thứ siêu to, khổng lồ, có kích thước kỷ lục.

Tranh cãi về bánh chưng khổng lồ 7 tấn: Chạy đua kỷ lục gây lãng phí? - 1

Chiếc bánh chưng 7 tấn tại lễ hội (Ảnh: H.T).

Dư luận cũng đã nhiều lần lên tiếng về những chiếc bánh, cái nem, nồi phở... khổng lồ được làm ra chỉ với mục đích "tạo kỷ lục". Dường như có sự chạy đua về việc làm những món ăn khổng lồ ở các địa phương trong những dịp lễ Tết hay ngày kỷ niệm.

Nhiều người cho rằng, việc làm những chiếc bánh, món ăn với kích thước quá lớn sẽ không đảm bảo được độ ngon, hương vị gốc và có thể gây lãng phí.

Một số ý kiến thể hiện sự tò mò không biết chiếc bánh chưng 7 tấn được chế biến ra sao, hương vị khi thưởng thức thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lã Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Hùng Cường, Trưởng BTC lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ cho biết: "Tôi đã đọc được một số bình luận trên mạng cho rằng, việc làm chiếc bánh quá lớn là lãng phí, không cần thiết. Thực tế, thì một việc gì đó khác thường sẽ luôn nhận về những ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, có người không. Việc làm chiếc bánh này cũng như vậy".

Theo ông Lưu, chiếc bánh được làm từ ý nguyện và nguồn đóng góp của bà con nhân dân, bánh có hương vị thơm ngon, được chia phát hết sau khi dâng cúng nên hoàn toàn không gây lãng phí.

Qua dịp này, người dân địa phương mong muốn thể hiện tinh thần đoàn kết, nhớ về cội nguồn, đồng thời quảng bá hình ảnh đền Quốc Mẫu Âu Cơ tới đông đảo du khách thập phương.

Vị Chủ tịch xã thông tin: Hàng năm, lễ hội đền Quốc Mẫu Âu Cơ được tổ chức từ ngày mồng 8 đến mồng 10 tháng 3 Âm lịch nhằm tạ ơn Mẫu Tổ Âu Cơ, tri ân các bậc hiền thánh. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương về dâng hương, tế lễ hướng về cội nguồn dân tộc.

Tranh cãi về bánh chưng khổng lồ 7 tấn: Chạy đua kỷ lục gây lãng phí? - 2

Người dân xã Hùng Cường chuẩn bị nguyên liệu làm bánh chưng (Ảnh: Chùa Hoàng Xá).

Chiếc bánh chưng nặng 7 tấn được làm từ nguồn đóng góp của người dân địa phương, người góp gạo, người góp đỗ, người góp lá gói, người góp công góp sức… Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội, người dân còn làm chiếc bánh dày nặng 3 tấn để dâng lễ Tổ và các vua Hùng.

Trước đó, năm 2014, người dân nơi đây từng làm một chiếc bánh chưng gần 5 tấn và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam.

 Năm nay, người dân quyết định làm chiếc bánh lớn để dâng lễ, gửi gắm mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc đồng thời thu hút sự chú ý của du khách thập phương và người con quê hương về dự lễ hội.

Theo ông Lưu, chiếc bánh chưng 7 tấn được làm từ 4 tấn gạo nếp, 2,5 tấn đỗ xanh, muối, dầu ăn, 1,5 vạn chiếc lá dong, 5 tạ lá chuối. Người dân thậm chí đã phải dùng xe tải chở củi đến để phục vụ cho việc làm bánh.

Để gói được chiếc bánh chưng này, ban tổ chức đã chuẩn bị chiếc khuôn có kích thước 4m x 4m x 1,2m được làm bằng inox; nồi luộc có kích thước lớn 4,5m x 4,5m x 1,8m được làm bằng sắt.

Tranh cãi về bánh chưng khổng lồ 7 tấn: Chạy đua kỷ lục gây lãng phí? - 3

Chiếc bánh dày 3 tấn trong lễ hội (Ảnh: Đền Quốc Mẫu Âu Cơ).

Hàng trăm người dân từ các thôn đã cùng nhau tham gia các công đoạn chuẩn bị cho việc gói chiếc bánh chưng khổng lồ. Vì chiếc bánh có kích thước và trọng lượng lớn nên công đoạn khó nhất là làm khuôn và ghép lá vào khuôn.

Nhiều người dân đã cùng nhau xếp lá dong, lá chuối vào khuôn bánh, đổ gạo nếp, đỗ xanh vào khuôn theo tỷ lệ cứ 10cm gạo nếp thì rải một lượt đỗ.  

Chiếc bánh được luộc trong vòng 4 ngày. Bếp luộc bánh được xây bằng gạch và có nhiều cửa tiếp củi. Bánh sau khi vớt ra được để nguội rồi bảo quản lạnh để đảm bảo không ôi thiu dù thời tiết nóng bức.

Tranh cãi về bánh chưng khổng lồ 7 tấn: Chạy đua kỷ lục gây lãng phí? - 4

Bánh chưng được luộc trong suốt 4 ngày (Ảnh: Chùa Hoàng Xá).

 "Khi làm bánh, chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên cử người kiểm tra giám sát. Người dân các thôn đã họp bàn, phân công nhiệm vụ rõ ràng từ khâu rửa lá bánh, rửa gạo, chế biến nhân, gói bánh đến luộc bánh và bảo quản sau khi hoàn thành", ông Lưu nói.

Cũng theo vị chủ tịch xã, chiếc bánh chưng 7 tấn là vật lễ dâng cúng Quốc Mẫu và các vị Vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại khu di tích chùa Hoàng Xá và đền Quốc Mẫu Âu Cơ.

Sau khi dâng cúng và hoàn thiện các nghi thức, bánh được chia vào từng hộp nhỏ và phân phát hết cho bà con nhân dân. Ai cũng cảm thấy phấn khởi vì được thụ lộc từ Quốc Mẫu và các bậc thánh nhân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm