DNews

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo

Minh Nhân

(Dân trí) - Sau thảm họa cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ do chưa đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên môn.

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo

Chi trăm triệu đồng xây thang thoát hiểm ngoài trời

Hơn một tuần sau vụ cháy chung cư mini ngõ 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người tử vong, ông Hà Kiên Cường (55 tuổi), chủ một chung cư mini 6 tầng ở quận Cầu Giấy, đã chi hơn 20 triệu đồng thuê người lắp thang thoát hiểm.

Chiếc thang làm bằng sắt hộp, cao khoảng 20m, được nhóm thợ lắp đặt cố định phía mặt tiền tòa nhà, từ tầng 2 đến tầng 6. Giữa mỗi tầng đều có chiếu nghỉ thông thoáng để cư dân chạy ra thang thoát hiểm.

Hơn 2m từ tầng 2 xuống mặt đất là loại thang xếp gấp gọn, đặt trên mái tôn. Đề phòng trộm cắp, bảo vệ sẽ trực 24/24h.

"Nhiều người nói mất bò mới lo làm chuồng, nhưng tôi không quan tâm. Tính mạng con người là trên hết", ông Cường khẳng định.

Theo chủ nhà, chung cư mini 6 tầng này có 4 mặt đều thoáng, phía trước và sau có hai giếng trời, không quây kín. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu các loại thang thoát nạn phòng cháy chữa cháy (PCCC), ông quyết định lắp thang thoát hiểm cố định bên ngoài tòa nhà.

Ngoài ra, ông bổ sung thêm hệ thống PCCC, vòi phun nước, mỗi tầng cũng đều được dán thông báo, quy định về an toàn PCCC. Chủ nhà khuyến khích cư dân học các kỹ năng thoát nạn, nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và người xung quanh.

"Hôm trước, chúng tôi đã tổ chức diễn tập, kiểm tra độ chịu đựng của thang. Mỗi phòng cử một người tham gia học sử dụng thang thoát hiểm rồi phổ biến cho những người khác", chủ nhà cho hay.

Hoàng Đức Tài, 20 tuổi, sống tại tầng 5, nói cảm thấy yên tâm phần nào khi chung cư mini lắp thêm thang thoát hiểm kiên cố, hành lang bố trí bình cứu hỏa. Nam sinh đầu tư mua mặt nạ chống độc, giá tầm trung, phòng trường hợp cấp bách.

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo - 1

Chủ nhà lắp thang thoát hiểm kim loại kiểu dựng đứng, ngay mặt tiền tòa nhà (Ảnh: Minh Nhân).

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo - 2

Phía trước và sau của chung cư mini này có hai giếng trời, không quây kín. Mỗi tầng có chiếu nghỉ để cư dân chạy ra thang thoát hiểm (Ảnh: Minh Nhân).

Cuối tháng 6, theo dõi nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm, ông Nguyễn Hùng (60 tuổi, tên nhân vật đã thay đổi) lo lắng, liền tận dụng khoảng sân rộng bên ngoài chung cư mini 8 tầng, lắp thang thoát hiểm hình ziczac.

Thang có chiều rộng 70cm, làm bằng inox, chịu lực tối đa 3-5 người/lần. Phần dưới thang từ tầng 2 xuống mặt đất được thiết kế gấp gọn, dễ đóng mở.

Theo bố trí, mỗi tầng có hai lối thoát hiểm đến cầu thang bộ và một cửa thoát hiểm chống cháy hướng ra thang ngoài trời. "Chi phí tính theo cân, tổng hơn 100 triệu đồng", ông Hùng nói.

Chung cư mini này có hơn 40 phòng, mỗi phòng quy định từ 2-4 người. Mỗi tầng được trang bị bảng hiệu thoát hiểm, các thiết bị PCCC cần thiết.

Ngoài ra, sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, ông Hùng "mạnh tay" mua thêm nhiều thiết bị mới, lắp đặt tại tầng một đồng thời là hầm gửi xe.

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo - 3
Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo - 4

(Thang thoát hiểm hình ziczac từ tầng 2 lên sân thượng, mỗi tầng đều có lối thoát hiểm. Phía dưới thang từ tầng 2 xuống mặt đất được thiết kế gấp gọn, dễ đóng mở) (Ảnh: Minh Nhân).

Thang thoát hiểm dựng đứng có an toàn? 

Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), cho biết việc xây dựng thang kim loại thoát hiểm gắn cố định bên ngoài tòa nhà chỉ là giải pháp tạm thời. Cơ quan chức năng cần đánh giá độ an toàn và tính phù hợp của thang đối với điều kiện mỗi công trình.

Tại không gian hẹp, thang kim loại cố định được lắp thẳng từ tầng thượng xuống mặt đất, theo ông Ngọc Anh, người già và trẻ em rất khó sử dụng. Ngoài ra, lượng nhiệt tỏa ra từ tường lan sang thang kim loại dễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 

Còn với thang thoát hiểm hình díc dắc, đây là loại thang đúng tiêu chuẩn, nhưng chiếm nhiều diện tích, không phải khu vực nào ở Hà Nội cũng thích hợp để lắp đặt.

"Việc lắp đặt thang bộ thoát nạn ngoài nhà sẽ lấn vào không gian công cộng nên chỉ lắp đặt cố định từ tầng 2 trở lên. Còn phần thang thoát nạn từ tầng 1 đến tầng 2 thì phải thiết kế cơ động để khi cần thì hạ xuống mặt đất, khi không cần thiết thì thu gọn lại trả không gian lưu thông trong các ngõ nhỏ", ông Ngọc Anh nói.

Theo Vụ trưởng, những chung cư mini, tòa nhà đã xây lâu năm hoặc thiết kế ban đầu không tuân theo quy chuẩn, lắp thang thoát hiểm có thể xâm lấn vào chỉ giới hoặc không gian công cộng.

Do đó, ông khuyến cáo người dân cần có tư vấn của cơ quan, cá nhân có chuyên môn để xây dựng thang thoát nạn đúng quy chuẩn, phát huy hiệu quả. 

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo - 5

Chung cư của ông Hùng bố trí 2 bảng hiệu "thoát hiểm" hướng ra cầu thang bộ và thang ngoài trời (Ảnh: Minh Nhân).

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định có 3 loại cầu thang và buồng thang bộ dùng thoát nạn cho người từ nhà và công trình khi có cháy, gồm: Cầu thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang; Cầu thang bên trong nhà, để hở; Cầu thang bên ngoài nhà, để hở.

Các tòa nhà cao tầng, chung cư mini được phép xây dựng cầu thang thoát hiểm ở bên ngoài nhưng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Theo đó, khi xây dựng cầu thang thoát hiểm, người dân cần đảm bảo chiều rộng của bản thang bộ dùng để thoát người, độ dốc (góc nghiêng), vật liệu xây dựng phải được làm bằng vật không cháy... theo quy định tại Tiểu mục 3.4, Mục 3, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD.

"Căn cứ khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung năm 2020), nếu người dân xây dựng thêm cầu thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng", ông Tiền nói. 

Không hối hả xây thang thoát hiểm chỉ để... xoa dịu tâm lý

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm kêu gọi người dân không hối hả xây dựng thang thoát hiểm ngoài nhà theo "kiểu hình thức", "xoa dịu tâm lý".

"Mọi quy trình phải đúng theo quy chuẩn và hướng dẫn của cơ quan chức năng", ông Nghiêm nhấn mạnh.

Chuyên gia cho biết, theo quy định với nhà ở nhiều căn hộ thì phải có lối thoát nạn thứ 2. Qua vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong, người dân đã chủ động xây dựng các phương án cứu nạn cứu hộ, nhưng chưa được phổ biến và tuyên truyền về các tiêu chuẩn kỹ thuật.

"Chúng ta không nên cấm chung cư mini, thay vào đó là tăng cường quản lý. Trong công tác cấp phép xây dựng, ngoài khảo sát vị trí xây còn cần nghiên cứu mối quan hệ của tòa nhà với kết cấu hạ tầng xung quanh để đảm bảo tiếp cận PCCC dễ dàng", ông Nghiêm nói.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ siết chặt quy định từ khâu cấp phép, xây dựng đến khi đưa vào sử dụng phải được kiểm soát chặt chẽ đảm bảo hạ tầng kỹ thuật bao gồm cả về PCCC.

"Tuân thủ các bước như vậy thì chắc chắn không để xảy ra biến tướng như thời gian vừa qua", Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường khẳng định. 

Tranh cãi người Hà Nội hối hả lắp thang thoát hiểm, chuyên gia cảnh báo - 6

Chuyên gia khuyến cáo người dân cần có tư vấn của cơ quan, cá nhân có chuyên môn để xây dựng thang thoát nạn đúng quy chuẩn, phát huy hiệu quả (Ảnh: Minh Nhân).

Luật sư Trần Xuân Tiền nhận định với mật độ dân cư đông đúc tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, nhiều chủ đầu tư không chú trọng vào an toàn PCCC, mà ưu tiên sử dụng toàn bộ không gian để làm nhà ở, dẫn đến việc thiếu lối thoát hiểm an toàn và đúng tiêu chuẩn. 

"Trong bối cảnh hiện tại, việc gắn thang kim loại bên ngoài tòa nhà cũng là một trong các giải pháp tạo sự yên tâm cho cư dân. Chủ chung cư mini nên thuê các công ty tư vấn có chuyên môn về xây dựng, đặc biệt tiêu chuẩn xây dựng PCCC để có những phương án thiết kế và xây dựng cầu thang thoát hiểm ngoài trời hợp lý", ông Tiền nói. 

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn nếu không may xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ, mỗi công dân cần nâng cao ý thức pháp luật, tuân thủ các quy chuẩn xây dựng trong công tác an toàn về PCCC ngay từ đầu nhằm hạn chế việc cơi nới thang thoát hiểm ngoài trời.

Chủ chung cư nên thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống điện; lưu trữ vật dụng PCCC như bình cứu hỏa, mặt nạ phòng khói,...; lắp đặt các hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động.

Theo ông Tiền, có một thực tế là tin tức sẽ "nóng" sau các vụ việc và giảm nhiệt dần, nhưng những chương trình, hoạt động giáo dục kỹ năng phản ứng trong tình huống hỏa hoạn và phòng ngừa hỏa hoạn lại không được cập nhật thường xuyên.

"Cơ quan chức năng cần truyền thông nhiều hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân để phòng ngừa và tự bảo vệ mình khi có hỏa hoạn xảy ra", ông Tiền cho hay.

Hai tuần kể từ vụ hỏa hoạn chung cư mini ở Khương Hạ, anh Nguyễn Đông (28 tuổi) vẫn chưa thôi ám ảnh. Anh luôn cảm thấy bất an vì căn chung cư mini nơi anh sinh sống nằm sâu trong ngõ, ngách của quận Thanh Xuân.

Anh đã cùng các cư dân "liên gia", yêu cầu chủ đầu tư bảo trì hệ thống PCCC, làm cửa chống khói độc, lắp thang thoát hiểm cố định. 

"Tôi nghĩ đã đến lúc thay đổi tư tưởng chống trộm hơn chống cháy, thang thoát hiểm được quản lý tốt vừa tránh hỏa hoạn, vừa không bị trộm "dòm ngó". Hầu như ai cũng biết nguy cơ hỏa hoạn là rất cao, nhưng nhiều khi cứ lạc quan nghĩ rằng nếu có cháy thì cháy chỗ khác chứ không phải nhà mình...", anh nói.