Tranh cãi kịch liệt xung quanh câu chuyện người vợ "10 năm ủ mưu..."

(Dân trí) - Trên mạng xã hội gần đây đang "dậy sóng" chia sẻ bài viết người vợ dành hẳn một thập kỷ "ủ mưu", mai phục, chờ con thi đại học xong rồi "đá" ông chồng.

Câu chuyện với hình ảnh, hai vợ chồng bước ra khỏi tòa án, anh chồng thì khóc, cô vợ thì cười. Nụ cười của chị được lý giải của việc thành công trong việc ủ mưu trên mọi mặt trận từ cách sống, giao tiếp lạnh lùng, thờ ơ trong ứng xử với chồng và sự chuẩn bị ly hôn về tài chính... từ 10 năm trước. Và nguyên nhân được đưa ra là chờ con đi đại học xong mới ly hôn. 

Từ một câu chuyện kiểu dạng ngôn tình, trên mạng diễn ra cuộc tranh cãi về 10 năm "ủ mưu" của người vợ. Nhiều ý kiến khen ngợi 10 năm mai phục đáng giá nhưng cũng có lời chua xót cho thanh xuân của một người phụ nữ. 

Tranh cãi kịch liệt xung quanh câu chuyện người vợ 10 năm ủ mưu... - 1

Nhiều cặp vợ chồng sống không hạnh phúc nhưng chờ con lớn mới... ly hôn 

Một cảm giác khoan khoái của sự chiến thắng sau cả chục năm đằng đẵng chờ đợi. Nhiều chị em chia sẻ với sự đắc thắng bằng lời cảnh báo đến các ông chồng: "Các ông nên nhớ 10 hay 20, thậm chí 30 năm vẫn chưa muộn".

Nhưng cạnh đó là cảm giác chua chát cho người vợ. Người vợ tưởng rằng mình chiến thắng mà quên mất rằng chính mình và đứa con lại là người "thua cuộc".

Họ đã tự đày đọa mình cả thập kỷ, để rồi ngay cả quá trình giải phóng bản thân vẫn phải bám víu vào mục tiêu "để cho chồng phải khóc vì hối hận, vì hối tiếc". Có bao nhiêu cuộc ly hôn ra tòa, điều mất mát, tiếc nuối nhất không bao giờ có thể lấy lại của người trong cuộc chính là thời gian, là thanh xuân. 

Chị Lê Phương Hoa, là một người mẹ bày tỏ, với câu chuyện người vợ ủ mưu 10 năm thì cô này vừa đáng thương vừa tàn nhẫn chứ không thể gọi là mạnh mẽ, không phải là cách để mọi người có thể... học theo. 

Đáng thương vì tự mình làm khổ mình. 10 năm tươi đẹp đáng lẽ được nếm trải tự do làm bao thứ, thì lại ôm ấm ức hận thù trong lòng, kiểu “quân tử trả thù 10 năm không muộn”. Đời mình chả biết sống, ai sống cho?

Nhưng còn hơn thế, là tàn nhẫn. Tàn nhẫn với chính mình, với chồng, với con. Đóng vai cao thượng, để che đi thù hận, ghét bỏ, tức tối - chả tàn nhẫn còn gì? 

Chị Thu Hà, tác giả cuốn sách dạy con nổi tiếng "Con nghĩ đi, mẹ không biết" thở dài nhớ đến câu "Quân tử trả thù 10 năm chưa muộn", trong khi chị quan điểm "Đời ngắn lắm, nuôi thù 1 năm cũng đã là quá dài". 

"Thanh xuân như một ly trà/ Cho chồng bài học, hết bà thanh xuân. Nếu không còn tình, không còn nghĩa với nhau thì thôi. Khỏi cần công phu tới thế để ổng ân hận làm gì. Ổng tiếc 10 phút mình phí 10 năm", chị Hà nói. 

Không cần trong những câu chuyện chế tác, không hề ít cuộc hôn nhân đã "chết" nhưng người trong cuộc âm thầm chịu đựng chờ con lớn. Vì con là lý do được nhiều người bấu víu để níu kéo người vợ, người chồng. 

Chị Thu Hà chia sẻ: 10 năm ba mẹ lạnh lẽo, đóng kịch với nhau, lẽ nào con không biết? Trẻ con nó tinh lắm. Không phải mẹ cứ nói: "không có gì đâu” là con tin không có gì. Trẻ con học về cuộc đời không nhờ các luận thuyết, không qua sách vở hay trường học. 

Trẻ con học qua cách nhìn ba và mẹ ứng xử với nhau mỗi ngày. Con sẽ học gì với bài học 10 năm liền nhìn hai người ruột thịt không thương yêu, không tình nghĩa với nhau. Làm sao con có thể hạnh phúc bên bà mẹ 10 năm cam chịu bất hạnh?

"10 năm ủ mưu, mình thấy không hề tao nhã, chỉ thấy 10 năm mẹ đau khổ và 10 năm con bị bạo hành tinh thần. 10 năm, chị ác với con lắm, chị biết không?", chị Hà nghẹn ngào. 

Theo chị Hà, phụ nữ đừng hy sinh mình nhiều quá, đừng hi sinh bản thân để níu kéo người chồng hết yêu mình, cũng đừng hi sinh thanh xuân để nuôi sự hận thù, đừng hi sinh thanh xuân để ủ mưu, đừng hi sinh lòng khoan dung và trái tim trong trẻo của con.  Con cần hít thở bầu không khí lành mạnh. Con cần được nhìn thấy mẹ sống trung thực trong nhà mình. 

Lần nọ, trong buổi trò chuyện tư vấn của GS.TS Vũ Gia Hiền, một người đàn ông đặt câu hỏi: "Hơn 5 năm nay, vợ chồng tôi sống không hề còn tình cảm, đối xử với nhau vô cùng tệ bạc. Chúng tôi có ý định chờ con 18 tuổi rồi mới ly hôn, liệu có nên?". 

Thật may, ông bố đã lăn tăn về điều này khi chỉ mới chịu đựng nhau... 5 năm, chứ không phải chờ thêm 6 năm nữa. Khi đó, GS Vũ Gia Hiền nhấn mạnh, người lớn đừng bao giờ nghĩ mình có thể đóng kịch trước mặt con trẻ. 

Và ông cũng mở ra một hướng đi, nếu cả hai thật sự không còn tình cảm nhưng mong muốn, xác định sống vì con theo quan điểm của mình thì hãy chọn cách sống với nhau thật đàng hoàng, thật tử tế.

Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM cho biết, bài viết "10 năm mai phục" chờ ngày ly hôn được chị em chia sẻ, chỉ nên được hiểu là mang tính cảnh báo với tất cả mọi người. Nhất là với cánh đàn ông, cứ gia trưởng, cứ sống theo cách của mình, tưởng gia đình êm nhưng không ấm.  

Lê Đăng Đạt