Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành

Thu Hoài

(Dân trí) - Sau quãng thời gian vật lộn với căn bệnh trầm cảm, cô gái quyết định kết thúc cuộc sống hôn nhân, rời xa thành thị để về quê sinh sống và bắt đầu hành trình tự chữa lành cho bản thân mình.

Đã bao giờ bạn cảm thấy bơ vơ, lạc lõng và mất định hướng về tương lai chưa? Chắc hẳn, trong cuộc sống sẽ luôn tồn tại áp lực cùng những cảm xúc tiêu cực khiến ta mệt mỏi.

Trong hoàn cảnh đó, một bộ phận sẽ chọn đơn giản hóa vấn đề, trái lại, đối với một số người, dù đã cố gắng không quan tâm nhưng vẫn khó có thể buông bỏ suy nghĩ tiêu cực. Huỳnh Lê Vân Lam (1992, Đồng Tháp) là một nhân vật điển hình trong số đó.

Lam thuộc túyp người sống tình cảm, luôn muốn được đối đáp công bằng trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, những thứ cô nhận lại không như điều cô mong muốn, từ đó Lam đã bị trầm cảm trong một thời gian dài.

Để có thể vượt qua quãng thời gian bệnh tật, Lam đã quyết định rời xa Sài Gòn, nơi cô đã từng gắn bó 10 năm, đến với Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành cho bản thân mình.

Trầm cảm - cơn bão thầm lặng sau những tiêu cực

Chia sẻ với PV Dân trí, Huỳnh Lê Vân Lam cho biết: "Vào khoảng 7-8 năm về trước mình bị mất phương hướng và định hướng cho tương lai. Mình đã từng tự hỏi bản thân rằng, mình là ai, mình muốn gì và sứ mệnh của mình khi xuất hiện trên cõi đời này là gì?".

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 1
Vân Lam đã từng bị mất phương hướng và định hướng cho tương lai. (Ảnh: NVCC).

Vốn dĩ, Vân Lam là cô gái nhạy cảm, xem trọng cảm xúc cá nhân. Khi trao đi xúc cảm tốt đẹp, Lam luôn mong muốn được nhận lại mọi thứ đầy đủ nhất kể cả trong công việc hay tình cảm gia đình. Tuy vậy khi kỳ vọng không như mong muốn, những suy nghĩ tiêu cực đã kéo cô vào vực thẳm của sự thất vọng, theo đó là những hành động, lời nói cử chỉ, thái độ bất thường.

"Từ đó, mình trở thành con người dễ khóc, thích trầm ngâm, dễ cáu. Đặc biệt, khi mình ức chế một vấn đề nào đó với đồng nghiệp hay người thân, mình thường khó kiềm chế được cảm xúc và muốn cãi lộn. Khi cãi không được, mình lại cảm thấy ấm ức, bực dọc. Và những cái bực bội đó được tích lũy theo từng ngày và khiến mình mắc phải căn bệnh tâm lý trầm trọng.

Lúc đó, mình nhận ra bản thân đã bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm. Hình ảnh cô gái năng động, vui vẻ, ngày trước không còn hiện hữu mà thay vào đó là một Vân Lam khó tính, dễ nổi nóng. Không những vậy, thời điểm đó mình như biến thành một người khác, trở nên cố chấp, vô lý và không biết lắng nghe ý kiến của người khác", Vân Lam chia sẻ. 

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 2
Khi thấy được điều bất thường ở bản thân, Vân Lam nhận ra cô đã mắc phải căn bệnh trầm cảm. (Ảnh: NVCC).

Có lúc Lam như người không bình thường, mặt thất thần, ngồi nép mình trong góc, miệng cứ lẩm bẩm cùng biểu cảm sợ hãi, tay viết nguệch ngoạc những điều làm mình khó chịu. "Nếu lúc đó có người nhìn vào, chắc sẽ nghĩ Lam bị tâm thần", Lam tâm sự.

"Và trong một phút tỉnh táo nào đó, mình biết sợ, sợ mình lên cơn rồi làm việc gì đó ngu ngốc và để lại hậu quả khôn lường về sau. Do vậy, mình đã đi tìm bác sĩ để thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán là mình bị trầm cảm nhẹ. Theo tìm hiểu, đó là giai đoạn đầu của bệnh nên mình cảm thấy đỡ lo lắng hơn.

Một phần vì bệnh tật nên công việc không mấy thuận lợi, nguồn thu nhập cũng vì đó mà giảm sút", Vân Lam chia sẻ trong 1 clip.

Thời gian đó, nguồn năng lượng tăm tối ngày một tăng thêm, Lam thường xuyên bị cảm sốt đau đầu liên tục, khó ngủ. Dường như trong khoảng thời gian đó, hầu như đêm nào cô cũng gặp ác mộng và rất dễ bị bóng đè cả ngày lẫn đêm. Cô cảm thấy mệt mỏi với bệnh tật nên đã có ý định táo bạo là bỏ thuốc, quay về điều trị tâm lý.

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 3
Cảm thấy mệt mỏi vì bệnh tật, Vân Lam đã nảy ra ý định táo bạo là bỏ thuốc, quay về điều trị tâm lý. (Ảnh: NVCC).

Lam bắt đầu đi học các lớp về hôn nhân và gia đình, các khóa học phát triển bản thân, học cách thư giãn và tham gia khóa thiền và nghe các nhà sư giảng. Tại thời điểm đó, trầm cảm cứ như con quái vật hút máu khiến cô bị cạn kiệt sức lực, cuộc sống của cô trở nên bế tắc, không lối thoát. Do vấn đề tài chính nên cô thường tìm những lớp học miễn phí để học.

Vân Lam cho biết: "Sau khi tham gia những lớp học đó, bệnh của mình có cải thiện theo chiều hướng tích cực, song nó chỉ được một thời gian ngắn, vì bản thân mình chưa thực sự tiếp nhận cách trị liệu từ các lớp tâm lý, mình chỉ đối phó để lừa bản thân, lừa người khác là mình tốt hơn rồi. Tuy nhiên, bệnh tình vẫn như vậy, không chút thuyên giảm, chỉ cần có chất xúc tác là nó sẽ trỗi dậy.

Đặc biệt, khi bị bệnh, mình trở thành con người rất cố chấp và có cái tôi cao. Mình thấy bản thân thực sự rất tệ, ích kỷ, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, sống mãi theo cảm xúc cá nhân".

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 4
Thông qua những trải nghiệm không mấy tích cực, Vân Lam nhận ra bệnh trầm cảm không do ai khác mà do chính mình tạo nên. (Ảnh: NVCC).

Trải qua giai đoạn bị tổn thương tâm lý, Lam nhận ra khi bị trầm cảm người ta thường có xu hướng cứng đầu, bảo thủ không muốn lắng nghe ý kiến của người khác. 

Lam nhận thấy, những người bị bệnh trầm cảm không do người khác mà là do chính mình. Do mình suy nghĩ nhiều, luôn thấy bản thân bị xem nhẹ, không được thấu hiểu. Những người đó thường có xu hướng trở nên cáu gắt, gắt gỏng với mọi người xung quanh. Do cái tôi của họ quá cao nên không nhận ra vấn đề xuất phát từ phía bản thân mình.

"Bởi vậy, cực kỳ khó để kéo người khác ra khỏi vũng lầy tiêu cực, nếu cá nhân người đó không hợp tác, có thể họ sẽ dễ đẩy mình vào ngõ cụt", Lam chia sẻ trong 1 clip.

Hành trình tự chữa lành, đón nhận món quà từ bóng tối

"Khi nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề, mình bắt đầu đi khám và uống thuốc hỗ trợ tiết chế cảm xúc. Tuy nhiên, những vấn đề gốc rễ vẫn không giải quyết được, cuối cùng mình chọn cách khác đó là rời bỏ thành phố nhộn nhịp để bắt đầu hành trình tìm lại bản thân. Tại thời điểm đó, cuộc hôn nhân hạnh phúc trong mắt mọi người cũng tan vỡ. Mình chấp nhận rời khỏi mối quan hệ cũ.

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 5
Từ bỏ cuộc hôn nhân bao người ngưỡng mộ, Lam quyết định rời phố về rừng làm vườn. (Ảnh: NVCC).

Khi biết tin Vân Lam muốn rời bỏ Sài Gòn để về vùng quê sinh sống, cô và gia đình đã trải qua nhiều cuộc cãi vã. Gia đình không muốn con gái vất vả, bươn chải nên kiên quyết phản đối. Mặt khác, Vân Lam không có tiếng nói chung nên cô đã chọn cách rời xa để cải thiện lại bản thân. May mắn thay, Lam luôn nhận được sự ủng hộ của bạn bè thân thiết.

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 6
Khi đến với Đà Lạt, Lam cảm thấy thoải mái, yên bình, thư giãn sau quãng thời gian mỏi mệt. (Ảnh: NVCC).

Vân Lam cho biết: "Khi quyết định rời khỏi Sài Gòn, Lam có 3 sự lựa chọn cho đích đến tiếp theo là Bình Định, Hà Giang và Đà Lạt. Lý do mình lựa chọn những tỉnh này là do những nơi này đã để lại cho mình nhiều ấn tượng khi đi du lịch và công tác.

Tuy nhiên, sau nhiều lần cân nhắc, mình đã lựa chọn Đà Lạt để sống, đơn giản chỉ vì đó là nơi gần với người thân của mình nhất".

Theo lời Vân Lam, khi mới bắt đầu chuyển đến Đà Lạt cô gặp rất nhiều khó khăn. Thân con gái một thân một mình không có cánh tay của người đàn ông giúp đỡ những việc nặng nhọc, cô gái nhạy cảm thấy rất buồn tủi. Nhưng những vất vả đó không làm cho bước chân cô dừng lại, càng gian khổ Lam càng phải cố gắng vì giờ cô còn cơ hội để quay về quỹ đạo ban đầu.

"Sau khi tìm đất và thuê được một mảnh đất ở trại mát thì mình có vay mượn bạn bè với số tiền khoảng 100-150 triệu đồng, đầu tiên mình sẽ chi trả cho phần đất thuê hàng năm, phần thứ 2 là trích ra một sào đất để trồng dâu tây. Tuy nhiên may mắn không mỉm cười với mình, lần đầu tiên cuốc cỏ làm vườn của mình không thành công. Số tiền bỏ ra cho sự thất bại này khá lớn.

Dẫu vậy, mình vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục trên diện tích đất còn lại. Sau đó, ông trời đã không phụ lòng người, rất may mắn là mình đã thành công trong việc trồng rau và đạt doanh thu khá tốt và được mọi người đón nhận", Lam mỉm cười vui vẻ khi kể lại thành quả mình đã tạo ra.

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 7
Cô gái chưa từng phải làm việc nặng nhọc nay lại phải một mình gánh vác tất cả. (Ảnh: NVCC).

Theo Vân Lam, quãng thời gian bắt đầu sống ở môi trường mới, Lam đã phải tự mình làm tất cả mọi việc. Một phần cũng do kinh tế hạn hẹp nên cô phải tính toán chi li để có thể tiết kiệm tối đa nguồn vốn. Lam phải làm hết từ việc sửa điện, nước, bắn vít, cưa gỗ. Tuy khó khăn nhưng cô luôn cố gắng học từ từ để không khiến bản thân căng thẳng dẫn đến việc bệnh tình nặng thêm. 

"Mình bắt đầu cuộc sống tự lập từ những việc đơn giản nhất như học cách lắp ráp ổ điện. Sau khi đã có nền tảng, mình bắt đầu tìm hiểu những cái khó hơn như việc cắt gỗ và làm những sản phẩm thủ công cơ bản. Khi đó, mình chỉ có suy nghĩ là cái gì bản thân làm được thì mình sẽ tự thân vận động để đỡ tốn kém, cũng xem như học cách sinh tồn khi sống một mình.

Khi đặt chân đến "Thành phố sương mù", mình cảm thấy cuộc sống như đẹp hơn, mình cảm thấy hạnh phúc bởi những trải nghiệm mới, vui sướng khi được giao lưu với con người mới. Mình rất vui khi mình yêu quý nơi đây và được đáp trả rất nhiệt tình, minh chứng là mình đã vinh dự được nhận bằng khen vinh danh cá nhân có cử chỉ đẹp của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Lạt". 

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 8
Vân Lam cười rạng rỡ khi nhận được bằng khen vinh danh cá nhân có cử chỉ đẹp của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Lạt. (Ảnh: NVCC).

"Không những vậy, mình được kết nối lại những mối quan hệ đã bị lãng quên. Dù đã xa, nhưng khi biết mình đang vùng vẫy trong vũng lầy, khi họ biết, họ đã nhiệt tình giúp đỡ, hỏi han mình rất nhiều. Điều đó khiến mình có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp, chỉ cần ta sống tốt, sẽ không thiệt thòi. 

Đặc biệt, Đà Lạt đã giúp mình trở về là cô gái hay cười, yêu đời trước đây. Mình được chữa lành, được trưởng thành, học được thêm nhiều bài học quý giá cho tuổi 28", Lam thủ thỉ.

"Chúng ta không nên để cảm xúc của mình phụ thuộc vào người khác"

Tuy vậy, khi đặt chân đến đây, Lam cũng đã phải đánh đổi một số thứ. Đó chính là những bộ váy áo lụa là hay đôi giày cao gót xinh đẹp để khoác lên mình bộ áo dính đầy bùn đất. Dẫu vậy, cô cũng chia sẻ thật lòng rằng: "Mình nguyện từ bỏ tất cả để chữa lành vết thương sâu thẳm trong lòng".

Vân Lam cho biết, mặc dù hồi trước người cô cũng tròn, nhưng không đến nỗi mũm mĩm quá như bây giờ. Lam lên Đà Lạt 10 tháng cô tăng 10kg. Một phần do cô chỉ tập trung vào cảm xúc nên không quan tâm nhiều đến ngoại hình. Nhưng cô không quá căng thẳng hay là tự ti, chán ghét bản thân lúc này vì nội tâm yếu mềm của cô đã được chữa lành.

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 9
Vân Lam cho biết sau khi lên Đà Lạt cô đã tăng 10kg sau 10 tháng nhưng cô vẫn cảm thấy hạnh phúc vì tâm hồn đã được chữa lành. (Ảnh: NVCC).

"Mọi thứ đã qua với mình nó thực sự kỳ diệu. Mình như được tái sinh lần 2 từ vũng lầy chui lên. Mình cảm thấy may mắn vì trường hợp của bản thân vẫn chưa nghiêm trọng như một số người khác. Theo quan sát của mình, những người bị bệnh nặng thường có xu hướng làm đau cơ thể mình và có hành động "chào tạm biệt cuộc đời không hẹn gặp lại" sớm. 

Từ khi đặt chân lên mảnh đất mang nguồn năng lượng mới, mình đã có những trải nghiệm thú vị, những mối quan tâm khác nên chưa từng cảm thấy cô đơn", Lam nói.

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 10
Vân Lam cảm thấy may mắn vì đã được tái sinh lần hai sau hành trình tự chữa lành. (Ảnh: NVCC).

Mình bắt đầu trồng một số loại hoa cỏ thực vật để trang trí xung quanh khi cuộc sống đã ổn định", Lam thủ thỉ.

"Bạn mong cầu gì khi muốn nhận được một bó hoa? Chúng ta không nên để cảm xúc của mình phụ thuộc vào người khác. Hãy như mình, thích hoa thì sẽ tự trồng một vườn để ngắm và tự thưởng cho bản thân. Giờ mới thấy để cho cảm xúc của chính mình phụ thuộc vào thái độ và biểu cảm của người khác là điều dại dột. Nghĩ lại, mình thấy bản thân thật cố chấp, cứng đầu về những kỳ vọng trước đây của mình.

Chỉ vì cái đó mà mình đã sa vào vòng xoáy của những cảm xúc tiêu cực. Không phải người ta quá vô tâm mà là do bản thân mình quá để tâm, chờ đợi. Với mình, thành công lớn nhất trong hành trình tự chữa lành là không đổ lỗi cho số phận hay bất kỳ ai mà tự chiêm nghiệm và hoàn thiện bản thân", Vân Lam nói.

Chúng ta không thể ép buộc người khác tiếp tục hành trình với mình khi mà bản thân quá ì ạch. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của chính mình lẫn người khác, Vân Lam tâm sự. 

Trầm cảm khi ở thành thị, cô gái về Đà Lạt làm vườn để tự chữa lành - 11
Lam của hiện tại, tuy một mình nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, không cô độc. (Ảnh: NVCC).

"Mình nghĩ rằng những người đang nuôi dưỡng tình cảm sâu đậm thì cũng sẽ dần phai nhạt theo thời gian. Chính vì vậy, nếu cứ cố chấp muốn tiếp tục đồng hành cùng một người khác trong những xúc cảm tiêu cực, ta sẽ vô tình gây ra tổn thương cho đối phương và điều đó có thể khiến cả hai day dứt cả đời.

Nhiều người nghĩ rằng thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương, nhưng với mình thì không. Những hồi ức tiêu cực của bạn có thể vẽ nên một bông hoa hay không chỉ mình bạn biết, hãy băng bó, chăm sóc cho mình càng sớm càng tốt. Đừng ngốc nghếch ôm vết thương đó mãi, bởi lẽ, theo thời gian nó có thể bị hoại tử và khó chữa lành", Vân Lam giãi bày.

Thời gian sẽ chỉ chữa lành được vết thương khi mà chúng ta hoàn thiện và trưởng thành hơn. Đừng ôm trong mình đống hậm hực rồi đợi người khác đến dỗ dành, an ủi. Các bạn thân mến, đừng vì tự ti mà tự làm đau mình, hãy lấy đó làm động lực để cố gắng phát triển và vượt qua bóng ma tâm lý của chính mình.