Thời trang tái chế tại các trường học: Bảo vệ hay xả rác ra môi trường?

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều về các cuộc thi thời trang tái chế tại trường học, nơi các bộ trang phục không được làm từ phế thải mà từ các nguyên liệu mua mới gây lãng phí, ô nhiễm.

Những cuộc thi thời trang tái chế là chỉ mang tính hình thức?

Trong những năm gần đây, nhiều trường học tổ chức cuộc thi thiết kế thời trang từ các sản phẩm như nilon, giấy, lá cây… nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Hầu hết các trang phục đều vô cùng cầu kì, lộng lẫy, thể hiện sự sáng tạo và đầu tư của học sinh.

Tuy nhiên, liệu cuộc thi này có thật sự mang truyền tải ý nghĩa hay chỉ mang tính hình thức, bởi hầu hết các trang phục đều làm từ nilon mới, giấy mới, lá cây tươi mới hái… với số lượng lớn. Các trang phục về sau cũng không thể sử dụng lại, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Thời trang tái chế tại các trường học: Bảo vệ hay xả rác ra môi trường? - 1

Những mẫu trang phục gây tranh cãi trong một cuộc thi tái chế (Ảnh: Fanpage Lớp Người Ta).

Thời trang tái chế tại các trường học: Bảo vệ hay xả rác ra môi trường? - 2
Lộng lẫy, công phu nhưng liệu những trang phục thế này có đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường? (Ảnh: Fanpage Lớp Người Ta).

Thầy Vũ Xuân Thanh (giáo viên trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ) nhận xét: "Về bản chất, những cuộc thi như vậy rất đáng hoan nghênh vì đã giúp học sinh phát huy ý thức bảo vệ môi trường và đề cao sức sáng tạo, khả năng làm việc tập thể của các bạn. Tuy nhiên, cuộc thi chỉ thật sự có ý nghĩa khi sản phẩm được làm 100% từ đồ tái chế.

Còn với tình trạng sử dụng đồ mới rồi gán mác "tái chế", cá nhân tôi nhận thấy những cuộc thi như vậy chỉ mang tính hình thức, gây lãng phí tiền bạc và thời gian. Ai cũng có thể nhìn ra sự vô lý khi hành động của thí sinh lại trái với mục đích của cuộc thi, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao".

Thời trang tái chế tại các trường học: Bảo vệ hay xả rác ra môi trường? - 3
Nguyễn Hoài Thanh, sinh viên năm 4 chuyên ngành thiết kế thời trang, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC).

Bạn Hoài Thanh (sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Thời trang tái chế đang là chủ đề hot trên mạng xã hội và vấn đề sử dụng nguyên liệu được rất nhiều người quan tâm.

Tái chế có thật sự là tái chế, hay là mua mới hoàn toàn để thải ra môi trường thêm một lượng rác thải lớn hơn? Mình đọc được nhiều ý kiến cho rằng nên dẹp bỏ những cuộc thi thiết kế thời trang tái chế, vì nó đang dần trở nên vô nghĩa và đi sai với ý nghĩa cuộc thi".

Theo Hoài Thanh, những ý kiến trên là có cơ sở và phản ánh tương đối chính xác tình hình thực tế. Tuy nhiên, xét theo nhiều khía cạnh thì cũng nên thông cảm với các học sinh, bởi thời gian để thực hiện tác phẩm là quá ngắn để có thể tìm kiếm và xử lý các nguyên vật liệu một cách kỹ càng, chỉn chu. Việc mua mới là khó có thể tránh khỏi.

Làm thế nào để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh một cách hiệu quả?

Hoài Thanh đang sở hữu clip Tiktok triệu view về các sản phẩm thời trang tái chế. Trong đó, có một sản phẩm thời trang từ giấy báo nhận về "mưa lời khen" vì sự khéo léo và đi đúng tinh thần của thời trang tái chế.

Để làm ra một sản phẩm thời trang "thuần" tái chế đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Trong quá trình làm nên tác phẩm, Hoài Thanh đánh giá khâu xử lý nguyên liệu là khâu tốn nhiều thời gian nhất.

"Vì tất cả đều đã qua sử dụng nên chất lượng và độ sạch sẽ không đảm bảo như mới, nhiều loại chất liệu dễ hư dễ rách nên mình phải cách xử lý để nó dày dặn và sạch sẽ hơn. Bên cạnh đó, cần kết nối các mảnh nguyên liệu lại thành những mảng có kích thước phù hợp mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, mềm mại và chỉnh chu như các thiết kế thời trang thông thường".

Thời trang tái chế tại các trường học: Bảo vệ hay xả rác ra môi trường? - 4
Trang phục váy dạ hội từ giấy báo của Hoài Thanh nhận gây sốt cộng đồng mạng (Ảnh: NVCC).

Hiện tại, Hoài Thanh vẫn đang cố gắng để nghiên cứu và cho ra mắt những sản phẩm thời trang "thuần" tái chế. Nam sinh cho hay: "Với cương vị đang là một sinh viên thiết kế thời trang, mình đã và đang học tập, nghiên cứu thêm về thời trang tái chế. Mình hy vọng trong tương lai có thể ra mắt các sản phẩm đáp ứng các tiêu chí bảo vệ môi trường, giúp các bạn học sinh có nhiều lựa chọn hơn khi tìm ý tưởng cho các cuộc thi thời trang tái chế".

Bên cạnh việc tổ chức các cuộc thi tái chế, các nhà trường cũng đang có nhiều phương án để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh một cách hiệu quả.

Chia sẻ về những hoạt động ngoại khóa giúp khuyến khích tinh thần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp tại ngôi trường mình đang giảng dạy, thầy Vũ Xuân Thanh cho hay: "Để bảo vệ môi trường thì trước tiên cần đảm bảo không gian học tập của học sinh luôn thoáng mát và sạch sẽ. Hiện tại, nhà trường vẫn đang phân công lao động vệ sinh, phát động các đợt thi đua phòng ở kí túc xá - lớp học sạch đẹp.

Thời trang tái chế tại các trường học: Bảo vệ hay xả rác ra môi trường? - 5
Thầy Vũ Xuân Thanh (bên trái) chia sẻ về các hoạt động của nhà trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh (Ảnh: Q.A)

Ngoài ra, cũng đã khen thưởng kịp thời với các cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong phong trào, đồng thời nhắc nhở những học sinh có hành vi xả rác bừa bãi, không tắt các thiết bị điện… Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với gia đình, các tổ chức xã hội trong giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh".