Sinh viên ở trọ: "Đau đầu" vì thói chi li, keo kiệt của bạn cùng phòng
(Dân trí) - Để tiết kiệm chi phí, nhiều bạn trẻ quyết định chọn ở ghép khi lên đại học. Tuy nhiên chuyện sống chung cùng người lạ một thời gian dài không phải dễ, đặc biệt với những ai chi li quá mức.
Tiết kiệm đến mức keo kiệt
Ở ghép để tiết kiệm tiền là giải pháp của hầu hết sinh viên khi rời quê đến một thành phố khác học tập. Để chung sống hòa hợp, bất cứ ai cũng cần tạo cho mình thói quen nhường nhịn, lắng nghe và biết san sẻ với người khác. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được.
Ngọc Mai (sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ sự bức xúc của mình suốt 8 tháng chung sống với bạn cùng trọ: "Mình biết tiết kiệm khi lên đại học là tốt bởi sinh viên chúng mình cũng không có nhiều tiền, nhưng việc tiết kiệm thái quá đến mức bủn xỉn thật sự khó chịu.
Mình đang sống chung với một cô bạn cùng quê. Ban đầu mình vui lắm khi tìm được bạn trọ đại học còn học chung cấp 3, nhưng sống đến tháng thứ 2 mới phát hiện không ngờ bạn ấy lại keo kiệt đến mức vậy. Bởi hợp đồng thuê nhà kéo dài một năm nên mình vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Việc đi chợ bọn mình thay phiên nhau đi. Những hôm cô ấy mua đồ ăn y như rằng bọn mình phải ăn chay chỉ có rau với đậu cùng lắm cá khô, còn khi nào đến lượt mình ít ra sẽ có tí thịt hoặc trứng chỉ đến 30.000 đồng. Thế nhưng bạn ý nhiều lúc chê đắt không gắp lấy một miếng thịt để không ăn là không phải trả tiền.
Ngoài ra họ còn có thói thích ăn một mình, nếu có món ngon lúc nào cũng sẽ cất đi để mình không biết. Đồ dưới quê gửi lên mình toàn mang ra cả 2 ăn chung nhưng bạn chưa cho mình bất cứ thứ gì, thậm chí có lần còn định bán lại cho mình lọ sữa tắm mẹ bạn ấy cho".
Việc "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành" cũng xảy ra ở nhiều bạn nam. "Nửa năm trước mình có tìm được bạn ở ghép thông qua diễn đàn nhà trường. Lần đầu ở cùng người lạ nên mình cũng thấy lo lắng. Ban đầu chưa có vấn đề gì tuy nhiên "cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra", đến cuộn giấy vệ sinh bạn ấy cũng không cho mình dùng chung.
Điều đáng nói những thứ như xà phòng, dầu gội đầu..., bạn ấy mượn mình không vấn đề gì nhưng mình mượn lại thì tỏ thái độ khó chịu. Mỗi bữa ăn bạn ấy đều chia ra rất chi li, ăn ít hơn thì chỉ cần trả 1/3 số tiền ăn bữa đó", Minh Hùng (sinh viên Đại học Công nghiệp) nói về người bạn cũ của mình.
Phải chuyển trọ gấp vì không chịu được tính xấu bạn cùng phòng
Mai Linh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể lại câu chuyện bi hài khó mà quên được với người bạn cùng phòng đợt dịch Covid-19. "Hồi học năm nhất bọn mình phải học online do dịch bệnh căng thẳng. Đến cuối học kỳ một dịch đỡ nên mình quyết định xuống Hà Nội sớm để làm quen với cuộc sống tự lập.
Lúc đó mình có hỏi trong nhóm lớp có ai muốn ở ghép không và có một bạn nhắn tin xin ở cùng. Dù không biết tính cách nhau thế nào vì chưa được gặp ngoài đời bao giờ nhưng mình vẫn vui vẻ đồng ý. Ban đầu A. cũng chia sẻ bản thân là con một trong gia đình nên không phải làm gì ở nhà. Mình cũng nghĩ chắc khi ở riêng ai rồi cũng khác nhưng ra là không phải.
Tất cả bữa ăn đa phần mình sẽ nấu vì bạn ấy không biết làm. Sẽ không sao nếu họ dọn dẹp sau đó, nhưng vấn đề bạn ấy chỉ rửa chỗ bát bạn ăn. Bạn phân rạch ròi tất cả mọi thứ từ cái nồi, cái chảo... thậm chí giấu cả đồ cá nhân đi vì sợ mình dùng ké.
Được 2 tháng thì dịch bùng lại nên bạn ấy quay trở về quê còn mình vẫn ở lại Hà Nội tại chưa hết hạn tiền nhà. Trong khoảng thời gian đó A. không đưa cho mình một đồng tiền nhà nào dù cả hai đã thỏa thuận sẽ chia đôi tiền dù có ở hay không đến khi hết hợp đồng, mình đã phải trả 6 triệu tiền thuê 2 tháng một mình.
Chúng mình đã xảy ra nhiều xích mích sau đấy, A. gọi điện nói xấu mình dù đang ngồi ngay cạnh. Quá đáng hơn thế, A. còn có ý định đuổi mình đi để cho bạn khác chuyển đến trong khi người đặt bút ký tên vào hợp đồng lại chính là mình. Thật sự mình rất tức giận nên đã phải chuyển trọ gấp ngay sau khi hết hợp đồng nhà", Linh tiết lộ.
Vân Anh (sinh viên Cao đẳng Du lịch Hà Nội) cũng từng rơi vào trường hợp oái oăm như vậy. Nữ sinh này cho biết từng ở ghép với một bạn cùng lớp dù gia cảnh gia đình không hề khó khăn nhưng có cách tiết kiệm vô cùng lạ lùng, đó là dùng đồ của người khác.
"Bọn mình đã nói từ đầu đồ cá nhân của ai thì người đó dùng, nhưng T. luôn lấy đồ của mình với lý do dùng thử để mua. Có lần lọ sữa rửa mặt hơn 400.000 đồng mà mình mới mua có 2 tháng nhưng đã hết. Mình biết nếu bản thân dùng một mình ít nhất cũng phải 5 tháng mới vơi.
Đồ trang điểm của mình cũng vậy, vì da dễ bị kích ứng nên mình hay tiết kiệm mua loại tốt để dùng, T. cũng thường xuyên mượn. Thậm chí có lần cô ý mang đi chơi rồi làm mất cái mút tán của mình. Cái mút đó mình mua với giá 200.000 đồng nhưng T. lại đền loại có 15.000 đồng trên mạng, mình phát hiện ra và hỏi T. nhưng cô ấy chối không nhận", Vân Anh kể lại.
Sinh viên đại học biết cách tính toán, tiết kiệm tiền là điều cần thiết nên làm. Tuy nhiên cũng cần tránh việc chi li thái quá đến mức keo kiệt với người sống chung. Những rắc rối không nhỏ cũng như bất đồng quan điểm trong cách sống sẽ được tạo nên từ đó và gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ bạn bè lâu dài.