Trải nghiệm nghi lễ thắp đèn truyền thống Ấn Độ trong Ngày Quốc tế Yoga tại Hà Nội

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Nghi lễ thắp đèn truyền thống của Ấn Độ là một trong ba hoạt động trọng tâm trong sự kiện Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 10 tại Hà Nội diễn ra vào chiều ngày 20/6 do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cùng báo Dân trí tổ chức.

Theo đó, khách mời sẽ được thắp đèn dầu bấc (gọi là dipa) như một cách để ăn mừng chiến thắng của ánh sáng trước bóng đêm, biểu tượng cho chiến thắng của cái thiện trước cái ác theo phong tục của Ấn Độ. Nghi thức dự kiến thực hiện trong 15 phút, từ 17h15 đến 17h30 tại Cung thể thao Quần Ngựa, số 30 phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo triết lý Hindu, ý nghĩa quan trọng của hoạt động thắp đèn là ngoài thắp sáng đèn nến bên ngoài, người thực hiện còn phải ý thức được ánh sáng bên trong - là bản tính chân thật, trường tồn... của mỗi cá nhân để chiếu sáng, xua tan chướng ngại, đẩy lùi ngu muội, mang tới phước lành, tự do, giác ngộ, an vui và hòa bình.

Một trong những lễ thắp đèn nổi tiếng nhất của Ấn Độ là Diwali, thường tổ chức vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, khi các gia đình tụ tập trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, trang trí nhiều loại đèn chiếu sáng trước cửa nhà. Người dân sẽ diện quần áo mới, đến đền chùa cúng thần, dâng lên những lời cầu nguyện, sau đó về nhà và thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn bên gia đình, thăm viếng, chúc phúc hàng xóm.

Trải nghiệm nghi lễ thắp đèn truyền thống Ấn Độ trong Ngày Quốc tế Yoga tại Hà Nội - 1

Nghi lễ thắp đèn truyền thống của Ấn Độ trong Ngày Quốc tế Yoga năm 2024 tại Quảng Ngãi (Ảnh: Trung tâm văn hóa Ấn Độ).

Riêng tại phần Nghi lễ thắp đèn ở sự kiện Ngày Quốc tế Yoga tại Hà Nội, 1.000 người tham dự trải nghiệm không khí lễ hội ấm áp, hòa mình vào niềm vui, cầu nguyện được ban phát những điều tốt đẹp và dành cho nhau lời chúc ý nghĩa. Sự kiện đánh dấu kỷ niệm năm thứ 10 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Quốc tế Yoga (IDY).

Ngay sau phần Nghi lễ thắp đèn, người tham dự sẽ thực hiện bài đồng diễn giao thức yoga phổ biến trong vòng 40 phút và thưởng thức màn biểu diễn yoga nghệ thuật đến từ Liên đoàn Yoga Việt Nam. Dù vé vào cửa để theo dõi sự kiện là miễn phí, nhưng số lượng người tham gia đồng diễn có hạn, chỉ dành cho những ai được nhận vé mời, phát bib (số báo danh).

Độc giả báo Dân trí đăng ký tại đây và nhận một trong 300 vé mời để cùng tham gia đầy đủ các hoạt động trong sự kiện năm nay. 

Yoga đã có truyền thống 5.000 năm tuổi ở Ấn Độ, kết hợp các hoạt động thể chất, tinh thần và tâm linh nhằm theo đuổi sự cân bằng giữa thân thể và tâm trí, giữa con người và thiên nhiên. Sự phổ biến rộng rãi của yoga tại Việt Nam thể hiện qua sự hiểu biết sâu sắc về lợi ích của việc tập yoga và việc người dân Việt Nam áp dụng yoga vào để trở thành một phần của đời sống thường ngày, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Yoga đồng thời thể hiện sự kết nối văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ và Việt Nam.

Dự kiến Ngày Quốc tế Yoga năm 2024 ở Việt Nam sẽ được tổ chức tại các tỉnh thành là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Lai Châu, Vĩnh Long, Kon Tum, Điện Biên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bình Phước, Biên Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang, Bắc Giang, Kiên Giang, Quảng Nam, Lào Cai, Khánh Hòa, Bến Tre, Quảng Trị, Sóc Trăng, Nam Định, Đồng Tháp, Phú Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Tuyên Quang.