TPHCM: Cụ bà 91 tuổi ngồi xe lăn đến tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(Dân trí) - Hơn 12h ngày 26/7, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TPHCM) kết thúc, nhiều người dân vẫn đứng bên ngoài, nhìn vào trong với ánh mắt tiếc thương.
Ngày 25 và 26/7, hàng vạn người dân không quản ngại nắng, mưa, chờ đợi nhiều giờ để được vào Hội trường Thống Nhất, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xuất phát bằng xe máy từ Hóc Môn (TPHCM) lúc sáng sớm, đến 8h, ông Năm Mỹ (92 tuổi) và vợ kịp có mặt tại Hội trường Thống Nhất để dự lễ viếng. Dẫu tuổi cao và đoạn đường từ nhà đến trung tâm thành phố khá xa, nhưng vợ chồng ông Mỹ không ngại khó.
"Dù chưa có cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngoài đời, nhưng với chúng tôi, từng hoạt động, lời nói của Tổng Bí thư đều là những điều đáng kính để thế hệ sau noi theo.
Ông là người lãnh đạo liêm khiết, chính trực và mẫu mực. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát, đau thương của đồng bào", ông Năm Mỹ nghẹn ngào.
Gần 11h, bà Phạm Thị Viêm (91 tuổi, TP Thủ Đức) được con đẩy bằng xe lăn vào Hội trường Thống Nhất. Ngồi trên xe, bà Viêm gương mặt đượm buồn, đôi mắt đỏ hoe.
Con của bà Viêm cho biết, chân bà bị đau nên phải ngồi xe lăn. Vậy nên nhiều năm qua, bà Viêm chỉ quanh quẩn trong nhà. Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, bà lập tức nói các con đưa đến Hội trường Thống Nhất để dự lễ viếng.
Theo con của bà Viêm, tuy tuổi cao nhưng bà vẫn minh mẫn, xem tin tức mỗi ngày. Bà vẫn hay nói với con cháu về "người lãnh đạo liêm khiết, thương dân" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ngày hay tin Tổng Bí thư từ trần, bà buồn, bỏ dở bữa cơm chiều. Hiểu được nỗi lòng của mẹ, các con thu xếp đưa bà đến lễ viếng.
Tương tự, bà Hằng (70 tuổi) cũng sắp xếp thời gian đến Hội trường Thống Nhất để bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương. Bà nói dù chưa được gặp Tổng Bí thư, nhưng bà vô cùng biết ơn và quý mến nhất đức tính giản dị của ông.
"Tôi xem mọi chương trình truyền hình về ông, yêu quý ông vì ông yêu nước, thương dân, có lối sống giản dị. Đặc biệt, những lời răn dạy của vị Tổng Bí thư luôn khiến tôi ấn tượng. Đó là những lời nói nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, sâu sắc nhưng dễ hiểu, gần gũi với người dân", bà nói.
Bà Hằng nói thêm, khi quyết định đến viếng Tổng Bí thư, bà rất muốn đưa cháu nội đi cùng, để cháu biết được chân dung người lãnh đạo tài ba, cũng như sự trân quý của nhân dân dành cho người. Song, do sợ trẻ con làm ảnh hưởng đến không khí buổi lễ, bà lại đi một mình.
"Tôi không biết trẻ con cũng được vào viếng bác Tổng Bí thư, còn được ưu tiên, hỗ trợ. Tôi thật sự trân trọng điều này", bà Hằng nói.
Đến hơn 12h, khi thời gian viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc, nhiều người vẫn không nỡ rời đi mà nán lại trước cổng Hội trường Thống Nhất.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, không ít người cho biết họ trân quý Tổng Bí thư vì đức tính, con người của ông và hơn hết là những điều lớn lao ông đã dành cho Tổ quốc. Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng công lao, lời dạy của ông vẫn còn sáng mãi trong trái tim người dân Việt Nam.