Tiktoker tố bác sĩ không có tâm: Nhiều người sống ảo, "ngáo" quyền lực

Hồng Anh

(Dân trí) - Vụ việc tranh cãi giữa nữ tiktoker L.T.Đ.N (hay còn gọi là bà N. Vlog) với một bác sĩ phụ sản đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Nữ tiktoker L.T.Đ.N  được nhiều người biết từ những video chia sẻ công thức nấu ăn, cuộc sống cùng người chồng Nhật Bản. Kênh YouTube của cô sở hữu 754.000 lượt đăng ký và hơn 5 triệu follow trên tiktok. Nhiều video thu về hàng triệu lượt xem.

Thời gian qua, người phụ nữ này gây tranh cãi khi lên mạng "bóc phốt" một bác sĩ làm việc không có tâm, không nhất quán trong việc thông báo thời gian hút trứng sau khi kích trứng. Cô cho rằng, việc làm này ảnh hưởng đến khả năng có con của vợ chồng cô.

Tuy nhiên phía vị bác sĩ lại khẳng định bệnh nhân đang cố diễn, cố tình "tạo phốt" để thu hút sự chú ý. Trong quá trình điều trị hiếm muộn, người phụ nữ không làm đúng theo liệu trình, thời gian, bỏ bê để đi quay video, tiệc tùng.

Chiều 14/3, vợ chồng nữ tiktoker đã gặp gỡ báo chí để khẳng định bản thân không đem chuyện tìm con ra câu view, hay làm thương mại. Đồng thời cả hai đã cùng nhau cúi đầu xin lỗi vị bác sĩ trong vụ việc.

Tiktoker tố bác sĩ không có tâm: Nhiều người sống ảo, ngáo quyền lực - 1

Bà N. Vlog có lượng theo dõi khá lớn trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Vụ việc lùm xùm nói trên một lần nữa khiến cộng đồng mạng tranh cãi về việc ngày càng có nhiều người trẻ ảo tưởng sức mạnh, "ngáo" quyền lực trên mạng xã hội. Nhiều người khi có một lượng theo dõi nhất định đã nghĩ mình là sao, tự cho bản thân có "quyền sinh sát", bóc phốt hay gây sức ép cho những ai bản thân thấy không ưa.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để tìm lại những video "review quán xá" tự cho mình là chuyên gia ẩm thực đầu ngành và sẵn sàng tỏ thái độ hạch sách đối với các nhà hàng, đòi ăn uống miễn phí. Một số lại cho mình là chuyên gia tâm lý, bác sĩ… phán xét, dạy đời người khác.

Trước đó không lâu, nam tiktoker có lượng theo dõi khủng cũng vô tư phát ngôn xúc phạm người nghèo khi đi làm "từ thiện". Hệ quả người này bị cộng đồng ném đá dữ dội vì hành xử thiếu văn hóa, miệt thị người khác.

Chị Trần Thị Mỹ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, nhiều người chỉ đơn giản là sáng tạo nội dung trên mạng xã hội nhưng lại "ngáo" quyền lực, thể hiện sự hung hăng, hành xử liều lĩnh, thiếu văn hóa. Họ bất chấp những nguyên tắc, quy chuẩn về đạo đức, tự cho bản thân cái quyền được xúc phạm hay đe dọa người khác.

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, một số  người dùng mạng xã hội có lượng theo dõi lớn đang có sự nhầm lẫn cho rằng mình là KOL (người có chuyên môn có sức ảnh hưởng).

Những người này sẽ làm mọi chuyện câu kéo để đổi lấy những thứ về bề nổi chứ không đi sâu trau dồi chuyên môn. Không chỉ bỏ qua tài năng, họ còn không chú ý hoàn thiện về đạo đức, tính cách con người. Nhiều người tự cho mình là "mẹ thiên hạ" đòi hỏi sự ưu tiên, các đặc quyền đặc lợi, không để ý đến hoàn cảnh của mình.

Tiktoker tố bác sĩ không có tâm: Nhiều người sống ảo, ngáo quyền lực - 2

Nam tiktoker khiến cộng đồng mạng nổi giận vì xúc phạm người nghèo (Ảnh: Thủy Tiên).

"Nhiều trường hợp dù "ngáo" quyền lực nhưng lại được ủng hộ nên càng nghĩ mình đang làm đúng, đang phát ngôn đúng. Điều này rất nguy hiểm", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, hiện tượng "ngáo" quyền lực trên mạng ảo dẫn đến nhiều hệ lụy với xã hội. Đối với các tiktoker, họ có thể vi phạm pháp luật nếu cung cấp thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cửa hàng, doanh nghiệp…

Đặc biệt những hành động, việc làm của họ có thể khiến nhiều bạn trẻ suy nghĩ lệch lạc. Nhiều người trẻ vô tình coi đó là những tấm gương để học theo, làm theo, không chịu rèn luyện, phát triển tri thức.

"Điều tôi lo ngại nhất là hiện tượng này sẽ tạo ra một lớp trẻ "nghĩ ngắn", cho rằng việc câu view bất chấp sẽ giúp có nhiều người hâm mộ. Họ cũng nghĩ rằng làm như thế sẽ có nhiều tiền mà chẳng cần học hành, phát triển bản thân", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

Bàn về các nội dung độc hại trên tiktok, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý cũng từng chia sẻ rằng, chúng ta đang sống ở trong một "nền kinh tế chú ý" và sự chú ý của người khác có thể mang lại tài chính, danh vọng cho một cá nhân. 

"Hiện nay, với những kênh tiktok hay YouTube khi thu hút được lượng xem lớn, thu nhập của người sáng tạo sẽ rất khủng khiếp. Vì những nguồn lợi đó, càng ngày sẽ có càng nhiều người trẻ bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc, miễn sao có thể thu hút được người xem", tiến sĩ Nam nhận định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm