Tiểu thương hét khản cổ nhắc khách giãn cách, ai "vi phạm" từ chối bán
(Dân trí) - Trong thời điểm dịch phức tạp, tiểu thương nào cũng mong muốn bán được nhiều hàng nhưng không ít người sẵn sàng từ chối khách nếu khách không đảm bảo giãn cách, không đeo khẩu trang...
"Do dịch bệnh diễn biến căng thẳng và tuân theo Chỉ thị giãn cách xã hội của nhà nước nên tôi tranh thủ đi chợ vào buổi sáng sớm, mua đồ ăn cho cả tuần luôn", chị Phạm Thị Vui (Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm) vừa khệ nệ xách những túi đồ ăn nặng trĩu trên tay vừa cho biết.
Vốn là một bà nội trợ lo cơm nước cho gia đình nhiều năm nay nhưng do đợt này dịch Covid-19 phức tạp nên chị Vui phải đổi thói quen đi chợ hàng ngày sang đi một lần mua đồ cả tuần. Mỗi ngày chị đều lo đủ 3 bữa sáng, trưa, tối cho cả nhà nên lượng thực phẩm cần thiết là rất lớn.
"Nói thật, chẳng ai muốn ăn đồ để đông lạnh cả, nhưng vì hạn chế ra đường nên tôi phải chuẩn bị thức ăn cho cả tuần luôn. Tôi đi chợ một lần, mang về chia nhỏ rồi để tủ lạnh, chỉ có rau là vài ngày lại phải mua mới, không để được lâu.
Trước khi đi chợ tôi phải nhẩm tính trong đầu cần mua những gì cho khỏi quên. Tôi chọn đi chợ sáng sớm để hạn chế ra chỗ đông người. Nay tôi mua thịt, rau và chủ yếu là củ quả vì để được lâu", chị Vui chia sẻ.
"Tôi đã tự chuẩn bị khẩu trang nước rửa tay sát khuẩn, quan trọng nhất là đứng giãn cách 2 mét đúng với quy định vừa bảo vệ mình và người khác. Đi chợ thời điểm này hơi khổ hơn bình thường, một mình tay xách nách mang, về tới nhà là có khi rụng rời tay chân", chị Vui nói.
Chợ Thanh Hà nằm ở phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kéo dài từ ngõ Thanh Hà đến hết phố Nguyễn Thiện Thuật. Đây là một trong những chợ lâu đời bậc nhất tại phố cổ Hà Nội. Kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tại đây luôn có lực lượng công an, dân phòng chốt trực các cửa ra vào. UBND phường Đồng Xuân đã tiến hành in kẻ vạch để hạn chế tiếp xúc giữa khách hàng và người bán. Có cửa hàng căng dây để khách hàng không tiến sát vào bên trong như ngày thường.
Theo đó, người mua đứng điểm đánh dấu để mua hàng còn người bán từ trong nhà bán ra. Người dân được khuyến cáo mua hàng đứng xa nhau ít nhất 2 mét, những trường hợp đứng quá gần, chủ hàng sẽ dừng bán mà nhắc nhở khách.
Khác với chị Vui, Nguyễn Thị Thủy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) do bận đi làm hàng ngày nên chị tranh thủ đi chợ mua tích trữ cho khoảng 3 ngày ăn của gia đình. Lý do chị đi chợ mua liền thức ăn cho nhiều ngày là để bảo vệ bản thân và mọi người trước dịch Covid-19. Đi chợ đứng đúng theo điểm đánh dấu của lực lượng chức năng đã kẻ và đeo khẩu trang, sát khuẩn tay...
"Nhờ những điểm đánh dấu được lực lượng chức năng sơn trước nên đi chợ tôi cảm thấy yên tâm hơn khi được giãn cách 2 mét theo đúng quy định. Lực lượng chức năng kẻ vạch, lập chốt, không cho đi xe máy vào nên lượng người mua bán trên phố đã giảm bớt. Đồng thời việc mua bán quy củ, trật tự hơn", chị Thủy chia sẻ.
Việc đánh dấu điểm đứng cách 2 mét được sự ủng hộ của nhiều người và tiểu thương trong chợ. Chị Mai (một tiểu thương ở chợ Thanh Hà) cho biết, những ngày này thì lượng người mua đã ổn định hơn trước. Các mặt hàng luôn sẵn hàng nên không có tình trạng cháy hàng và giá cả tăng cao.
"Riêng nhà tôi nếu ai không đúng vạch giãn cách 2 mét tôi không bán hàng. Mấy ngày đầu mọi người chưa rõ thì phải nói khản cả tiếng. Thế mà có người phớt lờ. Tôi thấy vậy không bán luôn. Mình phải có ý thức bảo vệ mọi người chứ không chỉ biết bản thân mình thế được. Nay thì mọi người quen và chấp hành tốt lắm rồi. Mình buôn bán an tâm và đỡ vất vả hơn", chị Mai cho hay.