Tiết lộ hậu trường các đám cưới xa hoa của giới siêu giàu Việt
(Dân trí) - Vị đại gia mong muốn làm tiệc cưới hoành tráng trong khuôn viên 7.000m2 nơi có cây xanh, hồ nước, anh Hải vì thế đã hiện thực hóa ý tưởng về tiệc cưới với sự đồng hành của nhiều người... bơi lội giỏi.
Thuê dàn xe điện ở cách 100km vì không muốn khách đi bộ 300m
Vừa qua, đám cưới của cặp đôi ở Nghệ An có chi phí tới 5 tỷ đồng trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm bởi sự xa hoa và khung cảnh tiệc cưới có một không hai. Theo tìm hiểu, gia đình chú rể làm trong lĩnh vực kinh doanh thép tại Lào.
Để tạo điểm nhấn cho tiệc cưới 5 tỷ đồng, gia đình chú rể đã thuê đơn vị tổ chức sự kiện ở Nghệ An với ê-kíp dựng rạp liên tục trong gần một tháng, lúc cao điểm lên tới hơn 100 người mới hoàn thành được những hạng mục tỉ mỉ, đắt đỏ.
Nhiều ý kiến vì thế cho rằng, với những gia đình đại gia, những người thuộc giới "siêu giàu", đám cưới không đơn giản chỉ là một sự kiện đánh dấu việc con trẻ về chung đôi mà còn là cách họ khẳng định đẳng cấp, thể hiện cách tiêu tiền "không giống ai".
Làm giám đốc một công ty chuyên về giải trí và sự kiện cưới hỏi ở Nghệ An, anh Nguyễn Hồng Hải cho biết, suốt hơn 10 năm làm nghề, anh tiếp xúc với các khách hàng cao cấp, các "đại gia" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Những vị khách thuộc tầng lớp này thường mong muốn tổ chức một đám cưới hiện đại, thiên hướng hoành tráng. Phần lớn cô dâu, chú rể đều được gia đình cho đi du học ở nước ngoài trở về nên yêu thích phong cách mang hơi thở châu Âu, sang trọng với nhiều hoa tươi, không gian xanh mát.
"Đặc biệt họ yêu cầu cao về sự sáng tạo, không đụng hàng, thường là thiết kế tùy chỉnh theo yêu cầu riêng để có một đám cưới độc đáo mang bản sắc của gia đình mình mà không đám cưới nào lặp lại", anh Hồng Hải nói.
Anh Hồng Hải nhớ mãi lần tổ chức đám cưới con của một đại gia mỏ đá ở huyện Quỳ Hợp.
Vị đại gia mong muốn dựng tiệc cưới hoành tráng trong khuôn viên biệt thự 7.000m2 của gia đình nơi có nhiều cây xanh, hồ nước, khu tâm linh… Dù đón tiếp khoảng trên 1.000 vị khách nhưng vị đại gia đặt ra yêu cầu "toàn bộ thảm cỏ và cây cảnh phải được giữ nguyên".
Anh Hải đã dành nhiều thời gian để giải "bài toán" mà gia chủ đưa ra. Anh biến hồ nước thành nơi dựng sân khấu tựa như một bông hoa nở rộ. Hàng chục thợ thi công đã phải ngâm mình dưới nước suốt nhiều ngày liền để tạo không gian đặc biệt cho "siêu tiệc cưới".
Để đảm bảo cảnh quan sau đám cưới, anh Hải cho đóng hệ ván sàn coppha bảo vệ để giữ thảm cỏ.
"Làm sân khấu nổi và không gian tiệc quanh hồ thì cần đảm bảo an toàn bên hồ nước khi có trẻ em hoặc khách dự tiệc say xỉn rơi xuống hồ. Thời gian tiệc cưới diễn ra từ chiều tới đêm. Vì vậy, tôi phải thuê thêm nhân sự bơi lội tốt để túc trực toàn thời gian sự kiện", anh Hải kể.
Mời 3.000 khách nhưng không lấy phong bì
Cũng theo vị giám đốc này, so với những đám cưới thông thường, đám cưới của giới nhà giàu thường rất chú trọng vào kịch bản chương trình và chất lượng bữa tiệc đãi khách. Phần nhiều quan tâm vào trải nghiệm của khách khi tham dự đám cưới để khách mời đến dự phải trầm trồ.
Nhiều cô dâu chú rể thuê biên đạo múa, dành cả tháng trời để tập luyện một tác phẩm múa vài ba phút. Không hiếm những cặp đôi dành nhiều thời gian tập hát, tập phát biểu để phần kịch bản trở nên hấp dẫn và đặc biệt.
Về khâu tiếp đón, các gia đình đại gia cũng có những điểm đặc biệt... "không giống ai".
Anh Hải kể: "Có vị mời tới 3.000 khách tham dự sự kiện nhưng không nhận bất cứ khoản mừng cưới nào dù đã chi trả hàng tỷ đồng cho việc tổ chức và cỗ bàn.
Có những vị khách thuê hẳn dàn xe container để chở lô xe điện từ khu du lịch Cửa Lò cách xa nhà hơn 100km chỉ để có phương tiện đón khách từ bãi để ô tô vào đám cưới cách 300m vì không muốn khách đi bộ".
Khi bỏ hàng tỷ đồng tổ chức đám cưới, họ cũng đưa ra yêu cầu khắt khe khi tiến hành nghiệm thu, đặc biệt là phần âm thanh ánh sáng, trang trí và đi kèm một tiêu chuẩn phục vụ cao như thời gian bàn giao sự kiện sớm, duy trì vệ sinh khu vực sự kiện sạch sẽ liên tục, thường xuyên thay khăn bàn áo ghế...
Thời gian gần đây, khi thời tiết nắng nóng, việc làm mát bằng hệ thống điều hòa công suất lớn cũng là yêu cầu bắt buộc mà chủ nhân các siêu tiệc cưới yêu cầu.
Anh Hải lấy dẫn chứng về đám cưới 5 tỷ đồng ở Nghệ An vừa qua: "Rạp cưới được dựng bằng hệ khung nhôm nhập khẩu trên diện tích lên đến 1.500m2. Để trang trí các chi tiết sân khấu, vách ngăn lạnh, chúng tôi đã dùng đến hơn 1.000 cây sắt.
Để đảm bảo không gian tiệc cưới như khu rừng nhiệt đới vừa xanh mát, vừa lung linh, cả ê-kíp đã dùng tới gần 100 đèn moving beam (loại đèn có đầu cử động), 200 đèn par led (đèn tạo màu), 25 điều hòa công suất lớn, 20 quạt điều hòa…".
Gia chủ chấp nhận bỏ tiền đầu tư dây điện để kéo 2 nguồn điện lưới 3 pha và thuê một máy phát điện công suất lớn 200KVA.
Đứng đầu một đơn vị chuyên trang trí tiệc cưới cao cấp, anh Thanh Tứ (35 tuổi, ngụ TPHCM) cho hay, "đặc biệt, không đụng hàng và hoành tráng" là điều mà các đại gia luôn yêu cầu khi tổ chức tiệc cưới.
Anh Tứ chia sẻ, anh từng nhận trang trí tiệc cưới cho một chủ một vựa gạo lớn ở Long An, chuyên xuất khẩu gạo đi nước ngoài.
Sau khi nghiền ngẫm, anh đã làm không gian tiệc lấy ý tưởng từ một khu rừng ánh sáng. Rạp cưới được dựng trên nền nhà kho chứa gạo của công ty gia đình. Hàng trăm tấn gạo đã được chuyển đi để cho ê-kíp tạo mặt bằng.
Anh Tứ đã sử dụng hơn 2 tấn hoa nội địa gồm có lan hồ điệp, mimosa, cẩm tú cầu, hoa hồng, lá bòng bong, hoa thạch thảo, hoa cúc, hoa đồng tiền... để trang trí khu vực đón khách, cổng vào, các tiểu cảnh chụp ảnh, bàn trưng bày, sân khấu…
Khoảng 200 người đã làm việc liên tục trong suốt 4 ngày để biến nhà kho thành không gian lung linh ánh sáng và tràn ngập hoa tươi cho gia chủ.
Phục vụ người giàu không dễ
Không chỉ tổ chức các tiệc cưới hoành tráng cho người Việt, nhiều đơn vị còn tổ chức tiệc cưới cho các cặp đôi nước ngoài.
Tháng 2/2024, Prerna và Aditya - cặp đôi thuộc giới tài phiệt đến từ Dubai, Ấn Độ - đã làm một siêu đám cưới kéo dài 4 ngày tại Phú Quốc, Kiên Giang.
Để chuẩn bị cho các nghi thức cầu kỳ trong đám cưới, cô dâu chú rể và gia đình đã đưa ra những yêu cầu khắt khe trong việc trang trí. Đại diện đơn vị phụ trách trang trí siêu đám cưới này cho biết, họ phải tìm hiểu kỹ về văn hóa Ấn Độ, huy động hàng trăm nhân sự lên kế hoạch và chuẩn bị cho đám cưới trong nhiều tháng liền. Nhiều người thậm chí còn không nghỉ Tết Nguyên đán để chuẩn bị cho sự kiện
Ê-kíp đã tạo điểm nhấn trang trí tại khu vực lễ cưới chính bằng hệ cổng vòm gồm 4 cổng tre uốn lượn thủ công. Cổng chính tại sân khấu làm lễ có kích thước lớn 19x8m, nặng gần 1 tấn và cần hơn 40 nhân sự vận chuyển và lắp đặt tại resort. Trước ngày triển khai, bộ phận nghiệm thu kiểm tra cẩn thận đến từng mối nối.
Để tạo điểm nhấn cho siêu tiệc cưới, khu vực bãi biển nơi tọa lạc resort diễn ra lễ cưới được ê-kíp thiết kế thành khu "hội chợ" vui chơi giải trí cùng nhiều sạp đồ ăn uống đa dạng quốc gia và vùng miền, do đội ngũ đầu bếp đến từ Ấn Độ, đội ngũ ẩm thực của resort, và các nhân viên pha chế đến từ Thái Lan đảm nhiệm.
Để các bữa tiệc được diễn ra chỉn chu, phù hợp khẩu vị ẩm thực Ấn, gia đình tài phiệt đã đưa 90 đầu bếp Ấn Độ sang Việt Nam. Ngoài ra, họ còn mua mới các dụng cụ nấu ăn theo truyền thống Ấn Độ và vận chuyển tới resort.
Theo anh Nguyễn Hồng Hải, để làm hài lòng những vị khách giàu có là điều không hề dễ dàng. Những người làm sự kiện phải chịu áp lực cao, chấp nhận làm việc xuyên đêm và trong mọi điều kiện thời tiết như mưa nắng bất thường vì tính chất không thể trì hoãn của sự kiện.
"Khách hàng rất cầu toàn cho sự kiện trọng đại cả đời người chỉ diễn ra một lần nên nhiều khi họ mắng chửi vẫn phải cười. Áp lực kéo dài từ lúc bắt đầu lắp dựng cần tính toán sao cho kịp tiến độ và an toàn với mọi điều kiện thời tiết.
Khi sự kiện diễn ra thì phải đảm bảo thông suốt chương trình, công suất điện đầy đủ, hệ thống âm thanh ánh sáng vận hành trơn tru, kiểm soát an toàn hệ thống cháy nổ khi sử dụng các loại pháo phụt, hệ thống điện tiếp đất nhằm tránh rò rỉ....
Rất nhiều thứ áp lực không tên cho tới khi MC tuyên bố kết thúc chương trình và cảm ơn quan khách thì chúng tôi mới thở phào", anh Hồng Hải nói.