Tiếp xúc quá nhiều ánh sáng nhân tạo ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người
(Dân trí) - Một nghiên cứu của Đại học Monash cho thấy tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng nhân tạo, đặc biệt là ánh sáng xanh sẽ làm rối loạn nhịp sinh học cơ thể và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người.
Phó Giáo sư (PGS.) Sean Cain và Tiến sĩ (TS.) Andrew Phillips thuộc Viện Sức khỏe Tâm thần và Não bộ Turner từ Đại học Monash, Úc nghiên cứu những tác động của ánh sáng nhân tạo đối với não bộ và sinh lý con người. Theo đó, quá nhiều ánh sáng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người vì nó làm rối loạn đồng hồ bên trong cơ thể - hay còn gọi là nhịp sinh học - vốn dựa vào chu kỳ ngày và đêm rõ ràng để có thể hoạt động tối ưu.
PGS. Cain cho biết: "Sự cân bằng Âm và Dương cũng là sự cân bằng giữa ánh sáng và bóng tối. Và sự cân bằng này rất quan trọng đối với việc điều tiết hệ thống sinh lý học của chúng ta. Ánh sáng nhân tạo phá vỡ nhịp hoạt động này, làm rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mãn tính hơn."
Trong nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Khoa học uy tín Scientific Reports, PGS. Cain và TS. Phillips đã đánh giá tác động của môi trường chiếu sáng gia đình hiện đại và sự ảnh hưởng của chúng đến giấc ngủ. Các đối tượng tham gia nghiên cứu được đeo một máy đo ánh sáng cá nhân - được gọi là máy quang phổ - được phát triển bởi Kỹ sư Vineetha Kalavally đến từ Đại học Monash Malaysia, đồng tác giả của nghiên cứu.
Thiết bị mới này là một chiếc kẹp nhỏ có thể được đeo ở nửa trên cơ thể và có khả năng đo tất cả các bước sóng ánh sáng. Quan trọng hơn, thiết bị này đo lường chính xác phản ứng của đồng hồ sinh học cơ thể con người với ánh sáng. Điều này cho phép thiết bị đánh giá tác động tiêu cực của việc tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối tới đồng hồ sinh học và giấc ngủ của chúng ta, bao gồm cả việc làm giảm sản sinh hoóc-môn melatonin vốn giúp hỗ trợ giấc ngủ.
Gần một nửa số ngôi nhà tham gia vào nghiên cứu đang sử dụng lượng ánh sáng đủ để làm giảm 50% lượng melatonin trong cơ thể. Nghiên cứu cũng cho thấy vào những buổi tối mà các cá nhân tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng, họ cũng sẽ khó ngủ hơn.
Đặc biệt, những ngôi nhà sử dụng đèn LED có độ chiếu sáng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ gần như gấp đôi so với những ngôi nhà có bóng đèn sợi đốt kiểu cũ. Điều này là do bóng đèn sợi đốt phát ra ánh sáng màu đỏ, trong khi hầu hết ánh sáng LED có màu xanh lam - giống như ánh sáng trên màn hình điện thoại di động và máy tính.
Ánh sáng xanh gây rối loạn nhịp sinh học của con người
PGS. Cain chia sẻ: "Nếu bạn coi toàn bộ lịch sử tiến hóa của loài người như một ngày 24 giờ, thì chúng ta mới chỉ kiểm soát được ánh sáng trong 77 giây cuối cùng của ngày đó. Chúng ta đã không tiến hóa để quen với việc kiểm soát được ánh sáng vì vậy cơ thể chúng ta không mong đợi ánh sáng vào những thời điểm không thích hợp. Và khi điều này xảy ra, toàn bộ hệ thống đồng hồ trong cơ thể chúng ta sẽ bị rối loạn, khiến chúng ta ngày càng cảm thấy mệt mỏi và kém vui vẻ.
Khi bạn làm gián đoạn giấc ngủ và nhịp sinh học, có thể có vô số tác động tiêu cực đến sức khỏe mãn tính. Các nhược điểm của cơ thể bạn sẽ bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, nếu bạn là người có nhiều khả năng mắc bệnh tim mạch hay tiểu đường thì sẽ các bệnh này sẽ xuất hiện."
PGS. Cain cho biết có thể thay đổi ánh sáng nhân tạo để giảm tác động tiêu cực bằng cách chọn đèn LED có màu vàng ấm thay vì màu xanh lam hoặc lắp công tắc điều chỉnh độ sáng để giảm ánh sáng trong nhà trước khi đi ngủ. Thay vì xem phim bằng máy tính ở khoảng cách gần thì sử dụng màn hình TV ở chế độ sáng nhẹ cũng có thể làm giảm tác động của ánh sáng xanh.
Ánh sáng là một yếu tố cải thiện tâm trạng
PSG. Cain giải thích thêm: "Ánh sáng khiến chúng ta cảm thấy tâm trạng tốt hơn và có lẽ đó là lý do tại sao vào ban đêm, nhiều người tìm kiếm ánh sáng bằng cách nhìn vào màn hình điện thoại. Đó cũng có thể là lý do tại sao hiện nay môi trường ngoài trời của chúng ta đang bị chiếu sáng quá mức và tạo ra ô nhiễm ánh sáng bởi điều đó khiến chúng ta cảm thấy an toàn và vui vẻ hơn. Không có ánh sáng khiến nhiều người suy nghĩ hỗn loạn và lo lắng vì trong bóng tối, họ ít có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình hơn."
Chúng ta sợ bóng tối là có lý do, nhưng chúng ta cũng cần bóng tối để khôi phục sự cân bằng cho cơ thể và tâm trí.