Tiếng ghita Hawaii "mênh mang" ở phố đi bộ giữa Sài Gòn
(Dân trí) - Khi lưu thông qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, du khách có thể bất chợt nghe âm thanh lạ phát ra từ cây đàn Hạ Uy Di (Ghita Hawaii) do một nghệ sĩ đường phố chơi theo cảm hứng...
Tiếng Ghita Hawaii "mênh mang" ở Phố đi bộ giữa Sài Gòn

Khi lưu thông qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, du khách có thể bất chợt nghe âm thanh lạ phát ra từ cây đàn Hạ Uy Di (Ghita Hawaii) do một nghệ sĩ đường phố chơi theo cảm hứng...
Ông là Trần Vĩnh Phương (70 tuổi, người Bình Định), chơi đàn ghitar Hawaii trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đã vài năm nay. Năm 1968, ông rời quê hương để vào Sài Gòn lập nghiệp rồi nên duyên vợ chồng với một phụ nữ ở Long An.
Cách đây vài năm, vợ ông đã mất vì bạo bệnh. Vì lo cho cơn bạo bệnh của vợ nên gia đình cũng rơi vào cảnh khánh kiệt, khó khăn.
Hiện ông và con gái sống trong một căn nhà trọ ở quận 8, cô con gái đang học năm cuối, đại học Sư Phạm TPHCM.
Lúc con gái thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM, gánh nặng trên vai người cha già càng trở nên nặng hơn, vì phải nuôi con đi học. Suy nghĩ mãi, rồi ông quyết định dùng tiếng đàn của mình để nuôi sống hai cha con giữa chốn phố thị.
Thoạt đầu, vì sợ con gái mặc cảm và ngại với bạn bè, ông lưỡng lự. Thế nhưng, con gái chính là một phần động lực để ông mỗi tối mang đàn ra đây phục vụ người qua lại. “Điều ba làm là vì đam mê và vì con, tại sao con lại thấy ngại ngùng hay xấu hổ chứ?” - ông nhớ lại lời con.
Trong khi bản thân ông lại vẫn "lấn cấn" cho rằng đây là công việc bất đắc dĩ. “Tôi chưa thấy ai mang đàn Hạ Uy Di ra đường chơi ngẫu hứng như tôi”, ông Phương bộc bạch.



Những ngày mưa, ông không thể ra ngồi chơi đàn vì sợ hư đàn và thiết bị. Khi có một vài người khách đứng xem ông biểu diễn thì bỗng dây đàn bị đứt. Khách bước đi, ông lầm lũi tìm túi đựng dây đàn dự phòng ra thay.
Vừa nối lại dây, ông vừa chia sẻ: “Tôi vào Sài Gòn từ năm 1968, xưa là chơi ghitar solo cho ban nhạc. Nhưng khi thấy cây đàn này tôi bị cuốn hút luôn với thứ âm thanh mà nó phát ra, có lẽ âm thanh này là tiếng lòng của tôi”.
“Có những bài hát người ta yêu cầu và thưởng tiền nhưng tôi từ chối vì không có cảm xúc. Có những bài hát vừa chơi xong đó nhưng khi chơi lại thì chỉ thể hiện được khoảng bảy phần. Tôi chơi vì cảm xúc, ai thích thì đứng lại nghe, thấy hay thì thưởng cho tôi, không thưởng cũng không sao cả, tôi không xin”, người nghệ sĩ già tâm sự.


Tiếng đàn Hạ Uy Di có âm thanh khác lạ, độ ngân và rung không giống với bất kỳ nhạc cụ nào. Có lẽ vì thế mà nó cũng kén người nghe. Với ông Phương, ông không quan trọng người ta có nghe hay không, ông chỉ mong tiếng đàn được "bay lên", bay xa để phục vụ mọi người và cũng là lúc được chia sẻ đam mê cũng như nỗi lòng của chính mình.
Thế nên, cho dù không có ai hay chỉ là một người, tiếng đàn ấy vẫn cứ vang lên, xuyên qua những âm thanh ồn ào của phố thị.




Cây đàn lạ này hiện dễ thấy nhất là trong các ban nhạc đàn ca tài tử, ông Phương mang ra phố đi bộ ngồi chơi là một điều hiếm thấy.
"Đàn được các tay đờn cải lương, tài tử tận dụng tạo những phối âm lạ trong bài bản. Thực chất cây đàn này là đàn tân nhạc, âm thanh rất độc đáo. Chính vì thế tôi muốn cho mọi người biết khi nó chơi những bản tình ca da diết của Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9 hay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là như thế nào. Một cảm giác hoàn toàn khác lạ với những bản thu, những bài biểu diễn của các nghệ sĩ trong phòng trà sang trọng”, ông Phương dí dỏm.
Ở Việt Nam, ghitar Hawaii, được biết đến với cái tên Hạ Uy Cầm (Hạ Uy là cách đọc theo phiên âm từ tên gốc Hawaii - có thể phát âm như "Hà-oai-y", còn Cầm là đàn - Hạ Uy Cầm có nghĩa là đàn Haiwaii) , được du nhập vào Việt Nam từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Ghita Hawaii có sáu dây nhưng không có phím. Người chơi dùng một thanh kim loại (bằng đồng, thép không rỉ...) ở tay trái chặn trên cần đàn để tạo nên các phím. Độ dài ngắn của đoạn dây đàn bị chặn sẽ tạo ra các nốt.
Ghita Hawaii chơi rất nhiều bồi âm, có rất nhiều bồi âm vì độ dài dây đàn có thể thay đổi được, và các bồi âm ấy du dương hơn tiếng ghita thông thường.
Phạm Nguyễn