Lâm Đồng:

"Thủ phủ" hoa điêu đứng vì Covid-19, chính quyền kêu gọi giải cứu giúp dân

Trung Kiên

(Dân trí) - Nông dân ở "thủ phủ" hoa lay ơn đang đứng trước nguy cơ một vụ mùa lỗ nặng khi giá hoa quá rẻ do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chính quyền địa phương đã kêu gọi chung tay giải cứu người trồng hoa.

Thủ phủ hoa điêu đứng vì Covid-19, chính quyền kêu gọi giải cứu giúp dân - 1

Một vườn hoa lay ơn của nông dân xã Hiệp An sắp thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra. 

Xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) được xem là "thủ phủ" hoa lay ơn lớn nhất cả nước với khoảng 45 ha diện tích trồng hoa. Tuy nhiên, nông dân xã này còn đến các xã lân cận thuê đất để canh tác hoa lay ơn với diện tích khoảng 200 ha.

Mỗi ha cho sản lượng từ 150.000 - 160.000 cành. Tổng sản lượng ước tính hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán và Rằm Tháng Giêng khoảng 30 triệu cành.

Thị trường tiêu thụ hoa lay ơn chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng…, Hàng năm, sau Rằm tháng Chạp, thương lái khắp nơi đổ về Hiệp An để thu gom, tập kết hoa rồi thuê xe đông lạnh chuyên dụng chở ra Bắc phục vụ  thị trường ngày cúng Ông Táo và Tết Nguyên đán. 

Khi nông dân mong chờ một vụ mùa thắng lợi, háo hức cắt bông để bán với giá 3.000- 4.000đồng/cành thì dịch Covid-19 phát ra ở nhiều tỉnh thành khiến thị trường chững lại, thương lái chùn tay, "bỏ tiền cọc chạy lấy người".

Thủ phủ hoa điêu đứng vì Covid-19, chính quyền kêu gọi giải cứu giúp dân - 2

Hiện một bó (10 cành) có giá khoảng 16.000 đồng.

Nhiều nông dân xã Hiệp An cho biết, thời điểm đầu mùa lay ơn bán được từ 2.000 - 3.000 đồng/ cành thì ngày 29/1 (bùng phát dịch Covid-19) các vựa đóng cửa, giá lay ơn chỉ còn 500 đồng/cành. Đến nay, một số tỉnh thành bắt đầu nhận hàng nhưng sức tiêu thụ giảm khoảng 60% so với mọi năm, hiện lay ơn có giá từ 1.500- 2.000 đồng/cành.

Đối với những nông dân đi thuê đất để canh tác trồng lay ơn thì khả năng một vụ mùa thất bát, thua lỗ "nắm chắc" trong tay. Trung bình 1.000m2 được cho thuê với giá 5 - 10 triệu đồng/vụ cộng với các loại chi phí, thuê nhân công…,thì thu sẽ không đủ bù chi.

Chưa năm nào nông dân ở "thủ phủ" hoa lay ơn lớn nhất nước bị thiệt hại nặng nề như năm nay. Có thời điểm, giá lay ơn hạ xuống chỉ còn 300 - 400 đồng/cành, thấp hơn cỏ voi (loại cỏ được dùng phổ biến để nuôi bò sữa) nên nhiều người cắt hoa về cho bò ăn. 

Anh Nguyễn Song B. (nông dân xã Hiệp An) chia sẻ: "Thời điểm này mọi năm, gia đình tôi tập trung hết nhân lực và thuê thêm khoảng 10 lao động để thu mua, đóng thùng gửi đi các tỉnh, trung bình mỗi ngày khoảng 150.000 cành lay ơn. Do bây giờ ảnh hưởng của dịch Covid thì hiện nay chỉ đóng đi 30.000 cành/ngày. Đã vậy còn phải năn nỉ họ nhận hàng, chỉ cần một vài lỗi nhỏ là bị chủ mua bắt bẻ".

Thủ phủ hoa điêu đứng vì Covid-19, chính quyền kêu gọi giải cứu giúp dân - 3

Chính quyền địa phương đã kêu gọi giải cứu hoa lay ơn giúp nông dân.

Trước tình hình khó khăn của người dân xã Hiệp An, UBND huyện Đức Trọng đã có công văn hỏa tốc gửi các phòng ban, đơn vị, đoàn thể thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, các nhân trên địa bàn huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán Tân sửu 2021.

Theo văn bản hỏa tốc của UBND huyện Đức Trọng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay nông dân trồng hoa lay ơn tại Hiệp An, Hiệp Thạnh và một số địa phương khác rất khó khăn trong tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến đời sống thu nhập của người nông dân. 

Thủ phủ hoa điêu đứng vì Covid-19, chính quyền kêu gọi giải cứu giúp dân - 4

Chính quyền địa phương kêu gọi tổ chức, cá nhân đến vườn mua hoa lay ơn về trưng Tết.

Để hỗ trợ người nông dân trồng hoa vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh Covid-19, UBND huyện kêu gọi các cá nhân, đơn vị, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn…, phát động việc mua hoa lay ơn trực tiếp tại vườn để trang trí tại cơ quan, gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu nhằm giúp nông dân trong giai đoạn khó khăn trước mắt. UBND huyện mong các cá nhân, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tích cực hưởng ứng.

Nhằm thúc đẩy đầu ra cho "thủ phủ" hoa lay ơn, Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng cũng gửi văn bản đến Hiệp hội Ô tô vận tải Lâm Đồng và các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đề nghị không tăng giá cước vận tải mặt hàng hoa Tết để hỗ trợ nông dân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm