Hà Tĩnh:

Thủ phủ cam bù rạo rực đón Tết

(Dân trí) - Cam bù là loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao của một số xã ở các huyện miền núi Vũ Quang, Hương Sơn (Hà Tĩnh), đặc biệt nó còn cho người dân thu hoạch vào đúng dịp Tết nguyên đán.

3.jpg

Hàng năm cứ vào dịp đầu tháng Chạp đến Tết nguyên đán, nông dân ở các huyện Hương Sơn, Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) lại tất bật vào vụ thu hoạch cam bù - loại trái cây đặc sản nức danh vùng xứ Nghệ chỉ tiêu thụ cho dịp Tết cổ truyền đang đến.

10.jpg

Theo người dân Hương Sơn, những năm 1960 giống cam bù này mới được người dân ồ ạt trồng để phát triển kinh tế. Giá trị của cam bù thì khỏi phải nói, vừa có màu sắc đẹp, mùi thơm, vị chua ngọt lại còn chữa được rất nhiều bệnh như cảm cúm, viêm phế quản, đường ruột, tim mạch…

7.jpg

Những năm gần đây, cam bù đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thủy...của huyện Hương Sơn; Sơn Thọ, Đức Bồng, Đức Lĩnh...của huyện Vũ Quang.

8.jpg

Hầu hết ở các địa phương trên đều xem cam bù là cây trồng chủ lực, quy mô diện tích đều tăng lên theo từng năm. Thế nhưng, để nói về sự phát triển mạnh mẽ và mang lại nguồn thu nhập khủng thì phải nhắc đến “thủ phủ” Sơn Trường (huyện Hương Sơn).

15.jpg

Xã Sơn Trường gắn bó hàng chục năm với nghề trồng cam bù nên khi đặt chân đến đây người ta dễ thấy nhất là nhà nhà đều trồng loại cây trên. Khắp vườn tược, núi đồi đều bạt ngàn những cây cam trĩu quả.

4.jpg

Bà Đinh Thị Xoan (xóm 8, xã Sơn Trường) cho biết, nhiều năm nay, cả gia đình bà đều trông vào cây cam bù. Những năm trước, gia đình bà chỉ trồng được khoảng 30-40 gốc. Tuy nhiên, 3 năm trở lại nay, khi có chính sách hỗ trợ của nhà nước, khuyến khích phát triển vườn đồi, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư thêm hơn 200 gốc.

2.jpg

“Năm nay cam được mùa chín đúng độ và giá cả ổn định nên thu nhập cũng khấm khá. So với các hộ dân trồng cam khác trên địa bàn xã thì chưa ăn thua, nhưng với gia đình chúng tôi cũng đủ trang trải sinh hoạt và sắm thêm các vật dụng, phương tiện khác trong gia đình” – bà Xoan vui vẻ nói.

9.jpg

Ông Nguyễn Văn Mại, Phó chủ tịch HĐND xã Sơn Trường cho biết, diện tích trồng cam trên toàn xã khoảng hơn 400ha trong đó khoảng 340ha đã cho thu hoạch. Với năng suất khoảng 12 tấn/ha và giá cả dao động vào khoảng trên dưới 30.000đồng/kg thì năm nay, cây cam mang lại cho xã Sơn Trường hơn 120 tỷ đồng.

12.jpg

“Có những gia đình thu nhập gần 1 tỷ đồng từ cây cam bù, còn bình quân rơi vào khoảng 50 đến 100 triệu đồng. Thực sự cây cam bù đang mang lại hiểu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, đời sống họ đang từng ngày được nâng cao” – ông Mại nói.

5.jpg

Cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn, gấp 10-20 lần các cây trồng khác như chanh, quýt, mía… Đặc biệt, trong ngày tết cam bù là quả phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa; là thứ quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên.

13.jpg

Những ngày này, giống cam bù đặc sản các vùng miền núi Hà Tĩnh đang đổ dần về phố phường trên toàn tỉnh và các địa phương lân cận. Nhìn những cành cây trĩu quả, thương lái tấp nập vào ra, người nông dân miền núi rừng lại rạo rực niềm vui trong lòng sau thành quả cả năm vun trồng, chăm bón đã đến ngày nhận quả ngọt và đón một mùa Xuân mới đầm ấm, sung túc.

Tiến Hiệp