Thói quen sai lầm trong chế biến thực phẩm "rước bệnh vào người", bà nội trợ nào cũng mắc

(Dân trí) - Chần thịt qua nước sôi, dùng chung một loại thớt cho các bước nấu ăn, rã đông không đúng cách... là những sai lầm trong chế biến thực phẩm cần loại bỏ ngay nếu không muốn rước bệnh vào người.

Rã đông thịt bằng nước nóng

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nước nóng có thể làm cho lớp ngoài của khối thịt rã đông nhanh nhưng quá trình nước nóng gặp lạnh sẽ làm cho thịt thay đổi kết cấu, vị tươi ngon và các chất dinh dưỡng của thịt giảm đi rất nhiều.

Thói quen sai lầm trong chế biến thực phẩm rước bệnh vào người, bà nội trợ nào cũng mắc - 1

Theo các chuyên gia, nếu không biết cách rã đông đúng có thể rước bệnh vào người. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, rã đông chậm, giúp thực phẩm từ từ trở về trạng thái ban đầu là phương pháp rã đông chính xác. Bà nội trợ có thể rã đông ngay trong ngăn mát tủ lạnh bằng cách bỏ miếng thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát cho đến khi miếng thịt mềm ra hoặc có thể rã đông thực phẩm dưới vòi nước chảy…

Để không mất nhiều thời gian rã đông thực phẩm, trước khi cấp đông bạn nên chia nhỏ thức ăn thành từng bữa, bảo quản trong hộp nhựa hoặc bao bì. Tốt nhất chỉ nên cấp đông thực phẩm đủ ăn trong 1-2 tuần, thực phẩm rã đông xong cần chế biến ngay tránh sự xâm nhập của vi khuẩn.

Chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến

Theo các chuyên gia, chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến hoàn toàn không có tác dụng loại bỏ độc tố thậm chí còn khiến thịt ngậm hóa chất nguy hại hơn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên của Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội) phân tích, khi cho thịt vào nước đun sôi sẽ làm miếng thịt biến tính co lại làm cho thịt “ngậm” chặt các hóa chất bẩn mà không đào thải ra bên ngoài.

Thói quen sai lầm trong chế biến thực phẩm rước bệnh vào người, bà nội trợ nào cũng mắc - 2

Chần thịt qua nước sôi trước khi chế biến hoàn toàn không có tác dụng loại bỏ độc tố như nhiều người nghĩ

“Dinh dưỡng trong thịt chủ yếu là protein (tồn tại dưới dạng cơ thịt) và mỡ; vitamin, axit amin nằm chủ yếu trong tế bào cơ protein. Nếu cho thịt vào nước đun sôi, nhiệt độ cao khiến các protein bề mặt bên ngoài thịt đóng vón lại, các chất bên trong không thôi ra được, tương tự các chất độc cũng đóng vón lại. Điều này rất không tốt và là cách làm sai lầm mà nhiều người mắc phải”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Luộc rau quá lâu ở lửa nhỏ

Thói quen sai lầm trong chế biến thực phẩm "rước bệnh vào người", bà nội trợ nào cũng mắc - 3

Luộc rau càng lâu khiến lượng vitamin trong rau mất đi càng nhiều

Nhiều bà nội trợ có thói quen ninh rau kỹ cho đến khi thân và lá của rau đã mềm, nhừ. Tuy nhiên, đây là cách làm sai lầm. Lý do, khi luộc rau các vitamin và folate ngấm vào nước.

Khi rau tiếp xúc với nhiệt càng lâu thì lượng vitamin mất đi càng nhiều. Đặc biệt các loại rau họ cải như súp lơ xanh, bông cải xanh có thể mất hơn 50% chất chống oxy hóa khi đun sôi trong thời gian quá lâu.

Dùng chung thớt thái cho mọi loại thực phẩm

Thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn mà mọi người thường hay bỏ quên. Rất nhiều gia đình có thói quen sử dụng một chiếc thớt cho tất cả các bước nấu ăn. Sau khi cắt thịt cá sống, thường rửa sơ sau đó cắt rau củ và thậm chí là thức ăn đã được nấu chín.

Thói quen sai lầm trong chế biến thực phẩm rước bệnh vào người, bà nội trợ nào cũng mắc - 4

Thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, bạn không nên dùng chung 1 loại thớt để chế biến thực phẩm sống và chín. 

Điều này được cảnh báo là cực kì  nguy hiểm. Trên thực phẩm tươi sống như các loại thịt cá đều có nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng cho dù đã rửa nhưng không thể nào sạch được phải qua quá trình nấu chín.

Vì vậy, khi dùng thớt này để cắt thực phẩm chín, những vi khuẩn này sẽ lại một lần nữa bám vào thức ăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ chốt gây ra ngộ độc thực phẩm, bệnh về đường tiêu hóa…

Dùng lại dầu ăn khi chế biến

Thói quen sai lầm trong chế biến thực phẩm rước bệnh vào người, bà nội trợ nào cũng mắc - 5

Nhiều bà nội trợ khi chiên nấu thường đổ ngập dầu ăn sau đó tiết kiệm bằng cách dùng lại phần dầu thừa này chế biến món khác. Đây là thói quen sai lầm cần loại bỏ. Bởi lẽ dầu mỡ đã qua đun sôi ở nhiệt độ cao lại tiếp tục chiên nấu một lần nữa sẽ sản sinh ra Fatty Acid và chất oxy hóa dầu độc hại, không tốt cho sức khỏe.  

Hiệp Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm