Quảng Nam:

Thoát nghèo nhờ cúc vàng “cắm rễ” trên vùng cát trắng

(Dân trí) - Bằng sự quyết tâm, nhiệt huyết của mình, nông dân phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đã phủ vàng những đồi cát trắng khô cằn quê mình. Người dân đã thoát nghèo nhờ cây cúc vàng đã “bén rễ” ở đây.

Nhiều năm nay, nông dân phường Điện Nam Trung đã tận dụng những mảnh đất cát trắng bỏ trống để đầu tư trồng hoa cúc. Mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân mà còn mở ra hướng phát triển mới cho nền nông nghiệp địa phương.

Ông Đinh Nam đang chuẩn bị đưa cúc đi Đà Nẵng bán
Ông Đinh Nam đang chuẩn bị đưa cúc đi Đà Nẵng bán

 

Những mảnh đất cằn cỗi, bao la là cát trắng của quê hương, hầu như không trồng được loại cây hoa màu nào, ai cũng xót xa. Năm 2009, với quyết tâm tìm hướng đi giúp cải thiện cuộc sống, người dân bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật và mua giống cúc từ Đà Lạt về trồng thử nghiệm.

Sau ba tháng cần mẫn chăm sóc, trăn trở, những cây hoa cúc đầu tiên đã bung nở cánh vàng óng đẹp mắt. Từ thành công của những người đi tiên phong, nhiều nông dân phường Điện Nam Trung bắt đầu học hỏi kinh nghiệm và mua cúc về trồng trên những đồi cát trắng. Đến nay, số lượng người trồng đã lên đến 300 hộ, tổng diện tích canh tác gần 40ha, sản lượng hằng năm khoảng 12 triệu cây.

Ông Lê Đình Dực đang tưới tiêu, chăm sóc cho vựa cúc Tết
Ông Lê Đình Dực đang tưới tiêu, chăm sóc cho vựa cúc Tết

 

Ông Trương Văn Đước (khối phố 5, Điện Nam Trung) cho biết: “Mỗi đợt gia đình trồng vài ngàn cây, một năm trồng rất nhiều đợt, gối vụ với nhau. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây cúc này, đời sống gia đình tôi khấm khá hơn, nhiều hộ khác đã vươn lên phát triển kinh tế từ trồng cúc”.

Để cho cây cúc bén rễ, bà con nông dân ở đây đã bỏ ra rất nhiều công sức. Hàng ngày, họ phải thức dậy từ 3 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về nghỉ ngơi, đúng với câu “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Cực nhọc là vậy nhưng bù lại, cúc không phụ người trồng nên cho năng suất cao, đền đáp công sức người dân chăm bón.

Những vườn cúc chuẩn bị cho mùa Tết
Những vườn cúc chuẩn bị cho mùa Tết

 

Ông Đinh Nam (khối phố 4, Điện Nam Trung) chia sẻ: “Mỗi năm gia đình trồng khoảng 15 vạn cúc, thu nhập cũng khá, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Trồng cúc lãi gấp 4-5 lần so với làm lúa, do giống này thích nghi được với vùng cát trắng nên nhiều năm nay người dân mới có thể yên tâm phát triển”.

Dịp tết này, người dân còn trồng thêm cúc pha lê để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo kinh nghiệm của người dân trồng cúc lâu năm, muốn thu hoạch những bông cúc đẹp đòi hỏi cần có sự tỉ mỉ, khéo léo từ khâu chọn giống; ngoài ra, đất trồng cũng cần được xử lý sạch, bón lót toàn bộ bằng phân chuồng, nguồn nước tưới sạch, dồi dào. Bên cạnh đó là kỹ thuật tỉa cây, bấm ngọn cần khéo léo, đúng thời điểm như vậy mới cho được những khóm cúc to, vàng đều.

Clip người dân thoát nghèo nhờ trồng cúc

 

Ông Lê Đình Dực (khối phố 5, Điện Nam Trung) cho biết, gia đình xuống giống mỗi tháng từ 5-1 ngàn cây, thu nhập cũng được từ 20-50 triệu đồng mỗi tháng chưa tính tiền phân bón, tưới tiêu, giống... Trồng hoa cho thu nhập cao hơn so với làm các loại cây khác, gia đình nào đầu tư nhiều, chịu khó chăm bón thì lợi nhuận mang lại cũng khá lớn.

Nhìn những đồi cúc trải dài, vàng óng trước mắt ta mới thấy khâm phục sự quyết tâm, cần mẫn, chịu khó của những người nông dân. Họ đã biến mảnh đất khô cằn, những đồi cát trắng trải dài thành những đồi hoa vàng óng, mang lại sắc diện mới cho vùng quê. Để những người đi qua vùng này phải thốt lên rằng “Tôi thấy hoa vàng trên... cát trắng”.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Quang Hải (phó ban nông nghiệp phường Điện Nam Trung) nhận xét: “Cây cúc tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân không thể đi làm tại các công ty, nhà máy và mang lại giá trị kinh tế ổn định. Là loại cây dễ trồng, thích nghi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và nhất là tiềm năng sử dụng đất được phát huy”.

N.Linh-C.Bính