An Giang:

Thợ sửa điện tử chế máy phun thuốc tự động cho nông dân

(Dân trí) - Với ý tưởng sáng chế ra chiếc máy phun thuốc điều khiển từ xa tự chế, anh Trần Thanh Tuấn ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vừa nhận giải nhất cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang 2015.

Anh Tuấn sinh ra trong một gia đình nghèo, phải nghỉ học sớm, do vậy anh Tuấn đi học nghề sửa điện tử. Sau khóa học 2 tháng, anh Tuấn biết được chút ít và quyết định không về nhà mở tiệm mà xin vào cơ sở sữa điện tử ở TP Long Xuyên để trau dồi thêm.

Sau 2 nằm luyện nghề, anh Tuấn thầy tay nghề đã vững nên về nhà mở tiệm sửa điện tử. Khoảng năm 2010, tình cờ xem ti vi thấy chương trình Hội thi robot… nên trong đầu anh Tuấn lóe lên ý tưởng chế máy phun thuốc tự động, điều khiển từ xa để giúp gia đình và người dân tránh khỏi tác hại của thuốc bảo vệ thực vật. Và từ đó, anh Tuấn bắt đầu lao vào nghiên cứu sáng chế ra máy phun thuốc điều khiển bằng remot. Sau nhiều lần thất bại, năm 2013, anh Tuấn trình làng máy phun thuốc độc đáo của mình và không ngừng cải tiến.

 

Chiếc máy phun thuốc điều khiển bằng remote của anh Tuấn rất được lòng bà con nông dân
Chiếc máy phun thuốc điều khiển bằng remote của anh Tuấn rất được lòng bà con nông dân

Nói về máy phun thuốc vừa đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An giang năm 2015, anh Tuấn cho biết, cách vận hành chiếc máy này y như chiếc Robot, có thể thay thế con người “tự bò” ra đồng rồi “vươn mình” phun thuốc theo ý muốn nhờ vào một chiếc Remote. Tuấn cho biết do từng làm ruộng và thấu hiểu việc vác bình xịt trên vai ra đồng khổ cực, mặt khác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi mà nông dân phải sống chung với thuốc độc nên nảy ra ý nghĩ chế tạo máy phun thuốc có hệ thống điều khiển từ xa giúp nông dân bớt cơ cực trong sản xuất nông nghiệp.

 

Chiếc máy giúp bà con nông dân tránh được những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật khi không phải trực tiếp phun thuốc theo cách truyền thống trước đây
Chiếc máy giúp bà con nông dân tránh được những tác hại của thuốc bảo vệ thực vật khi không phải trực tiếp phun thuốc theo cách truyền thống trước đây

Tính mới của chiếc máy là kết hợp bộ điều khiển từ xa, có thể di chuyển trên nền đất lún ở độ sâu 15 cm nhờ vào cụm bánh xích hoạt động tương tự máy gặt đập liên hợp, đặc biệt là sử dụng hệ thống đùm xe đạp điện kết nối với hệ thống bơm nén nên có thể dễ dàng điều khiển cần phun xịt từ xa.

Hiện chiếc máy được cải cách gọn, nhẹ, bánh xích nên trong quá trình phun xịt không ngã lúa, khả năng máy phun sương rất mạnh nên ít tốn công mà sức khỏe nông dân được đảm bảo vì không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu độc hại. Hạch toán chi phí mỗi năm xịt 3 vụ lúa, mỗi vụ xịt 10 lần cho thấy, 1 máy thay thế 4 nhân công lao động chạy trong 1 giờ chỉ tiêu hao nữa lít xăng, nếu phun xịt bằng máy doanh thu 1.120.000 đồng trong khi phun thuốc truyền thống chỉ 224.000 đồng, lợi nhuận trên ngày của phun xịt bằng máy từ 600.000- 650.000 đồng so với phun xịt truyền thống.

Chính sáng tạo hữu ích và mang lại hiệu quả cho ngành nông nghiệp, người dân, chiếc máy phun thuốc điều khiển bằng remote của anh Tuấn đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang, năm 2015
Chính sáng tạo hữu ích và mang lại hiệu quả cho ngành nông nghiệp, người dân, chiếc máy phun thuốc điều khiển bằng remote của anh Tuấn đã đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang, năm 2015

Việt Nam là nước có diện tích sản xuất lúa lớn đáng kể vì vậy nhu cầu sử dụng máy phun xịt thuốc tự động phục vụ cho việc đồng áng cũng rất cần thiết, khi máy phun thuốc bằng remote của anh Tuấn ra đời đã giải quyết phần nào công lao động, tránh nhiễm độc từ môi trường thuốc. Với giá cả dễ chấp nhận, máy phun thuốc bằng Romote là giải pháp cực kỳ hay chẳng những đem lại nguồn lợi kinh tế cho bà con nông dân mà còn góp phần vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bảo Phong