Nghệ An:

Theo gót cụ bà 20 năm làm nghề bán nước chè xanh

(Dân trí) - Đã 20 năm nay, dù trời mưa hay nắng bà luôn đều đặn tới chợ, bán từng bát nước chè xanh ngọt chát mà chan chứa tình người.

Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của bà Bé.
Giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của bà Bé.

Đó là bà Phạm Thị Bé (71 tuổi), nhà ở xóm Tân Thắng, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An. Bà làm cái nghề này đã rất lâu. Lâu đến nỗi những người ở chợ đã quen gọi bà với cái tên mẹ Bé nước chè.

Ấn tượng đầu tiên của tôi đó là một cụ bà lớn tuổi, da dẻ đã nhăn nheo, tóc đã bạc hơn nửa nhưng đôi mắt thì vẫn nhanh nhẹn, tinh anh. Ở cái tuổi 71 nhưng giọng nói của bà nghe vẫn còn trẻ lắm.

Nhà cách chợ hơn 2km nhưng dù trời mưa hay nắng bà vẫn cần mẫn ra chợ. Hàng ngày, bà thức dậy lúc 4h sáng để nấu hai nồi nước chè lớn. Nấu xong nồi được nai nịt cẩn thận qua nhiều tấm ni lông để giữ ấm. Sau đó con cái sẽ gánh ra chợ giúp bà và cuộc mưu sinh của bà bắt đầu từ khoảng 7h kém. Việc thức dậy sớm đó tưởng chừng như đơn giản nhưng chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ không khỏi ái ngại nhất là vào những ngày mùa đông, khi mà cái lạnh của vùng miền tây xứ Nghệ cứ như muốn cắt da cắt thịt.
Đôi quang gánh đã theo bà gần 20 năm nay.
Đôi quang gánh đã theo bà gần 20 năm nay.

Bà thuê một gian hàng nhỏ ngoài chợ. Nói là gian hàng nhưng thật ra nó chỉ đủ để đặt đôi quang gánh và mấy tấm ván để bà ngả lưng vào buổi trưa. Đôi quang gánh trông đã cũ, nhiều chỗ phải cuốn thêm rất nhiều dây nhôm, có đoạn nhiều đến vón cục. Ngoài ra, những vật dụng đã theo bà 20 năm nay là một cái ấm và vài ba cái bát nhuộm màu chè chát.

Khi người đi chợ đã đông thì cũng là lúc bà bắt đầu xách từng ấm nước, luồn lách qua những ngõ ngách trong chợ. Không một tiếng rao, không một lời mời gọi nhưng ai cần thì bà đều đến. Khách mua nước của bà chủ yếu là những tiểu thương bán trong chợ.

Từ cô hàng cá, hàng thịt đến những người bán quần áo, hàng tạp hóa. Đi sau bà một vòng thì tôi mới biết những người mua nước chè của bà hầu hết đều là khách quen.
 
Có người mua 500, người mua 1.000 người nhiều nhất là 2.000 đồng. Những đồng tiền lẻ không được vuốt phẳng phiu mà bị bà nắm chặt trong tay khiến nó càng trở nên nhàu nát. Điều lạ là mỗi người đều sắm cho mình một cái cốc để uống nước, người nào sang thì có cả những chiếc bình đựng để giữ nước cho nóng. Thỉnh thoảng tôi mới nghe thấy tiếng gọi mua nước của những người đi chợ. Họ mua một bát nước chè của bà để uống cho thỏa đi cơn khát, hay chỉ đơn giản là làm vơi bớt cơn thèm của những người nghiện chè xanh.
 
Hết ấm này bà lại quay lại gian hàng để lấy thêm ấm khác. Bóng bà đi hệt như một con ong chăm chỉ làm việc cả ngày. Bóng bà nhỏ bé cứ thế lẩn khuất trong dòng người đang chen chúc mua mua bán bán. Lưng bà đã còng đi rất nhiều do căn bệnh thoái hóa cột sống gần một năm nay. Vậy nên những đoạn phải lên xuống bậc thang đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Bóng bà nhỏ bé giữa các sạp hàng.
Bóng bà nhỏ bé giữa các sạp hàng.

Buổi trưa bà không về nhà mà ở lại tại chợ, tranh thủ chợp mắt một lúc trên mấy tấm ván được lồng ghép với nhau một cách sơ sài. Chiều đến, khi chợ có người bà bán nốt số nước còn lại. Công việc của bà thường kết thúc vào 4h chiều. Đa số bà đều bán hết nhưng cũng có những hôm trời làm mình làm mẩy, nước ế bà lại phải đổ đi.

Khi được hỏi về bí quyết nấu nước chè của mình, bà chia sẻ: “Chè phải chọn những loại chè già, nếu non quá nước sẽ không xanh. Củi dùng để nấu nước chè cũng rất quan trọng, không nên nấu bằng những loại củi như bạch đàn cháu ạ. Tốt nhất là nên nấu nước chè bằng nước giếng khoan vì nó sẽ không làm mất mùi vị của chè, nước lại có màu xanh rất đẹp”.
 
Bà Phạm Thị Tâm, một tiểu thương bán hàng xén ở chợ và cũng là một khách hàng quen thuộc của bà cho biết: “Ngày nào gì cũng mua nước của bà. Nước chè bà Bé đậm đà với lại người già nên cũng thương cháu ạ. Ở đây ai cũng quý bà lắm”.

Tuổi già là một quy luật vốn có của tạo hóa và nó sẽ không chừa một ai. Con cái ai cũng khuyên bà nghỉ ngơi nhưng bà vẫn làm, xem ra việc bán nước chè đã ăn vào bà như một cái nghiệp khó dứt. Khi được hỏi bà định bán nước đến khi nào bà chỉ cười xòa: “Sức đến đâu thì làm đến đó thôi cháu”.

Tôi ra về khi chợ đã vãn người, dáng bà nhỏ bé, ngả bóng trên nền ánh nắng yếu ớt của những ngày cuối đông.

Hồ Hà