“Thế giới” trên lưng người phụ nữ dân tộc Mông
(Dân trí) - Tôi cứ nghĩ, phải chăng gánh nặng trên lưng quá lớn, mải miết bước trên những con dốc cao ngất khiến những người phụ nữ Mông ở miền Tây Nghệ An luôn phải cúi đầu để đi? Phải chăng, chính điều đó đã góp phần làm nên cái tính cách cam chịu, nhẫn nhục và phục tùng của họ?
Người Mông có lòng tự trọng rất cao, thậm chí là hết sức dữ dội. Tôi đã từng được nghe những câu chuyện về cách xử lý có phần tiêu cực của người Mông. Nếu không bằng lòng việc gì đó, họ sẵn sàng dùng chính tính mạng của mình để phản đối. Cái chết bằng lá ngón dữ dội và khốc liệt. Có lẽ, việc họ chọn những nơi có địa hình cao để sống cũng đã thể hiện một phần tính cách của người Mông.
Đường lên với các bản người Mông ở miền Tây Nghệ An quanh co, cao ngất, chiếc xe máy của anh bạn lên Na Ngoi tình nguyện công tác tại Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) ì ạch gầm rú mãi mới đưa chúng tôi đến điểm cần đến. Tính ra, độ cao trung bình (khu vực trung tâm xã Na Ngoi) chỉ xấp xỉ gần 1.000m so với mực nước biển, đường ngoằn ngoèo, dốc đứng. Riêng đỉnh Phu xai lai leng có độ cao lên tới 2.711m.
Trên đường đi, lẫn giữa màn sương mù dày đặc là những người phụ nữ Mông lầm lũi đi, trên lưng nặng trĩu những món đồ. Có lẽ, phụ nữ Mông không có được cái tư thế an nhàn, thảnh thơi của phụ nữ Thái khi treo cái túi vải bên người. Phụ nữ Mông gắn chặt cuộc sống của mình bằng những cái gùi lớn hoặc những cái “ế” (dụng cụ được làm bằng những thanh tre liên kết thành hình chữ L dùng để tải hàng hóa – PV). Những chiếc gùi to hơn cả người, nặng trĩu, kéo lưng những người phụ nữ Mông gò xuống.
Trên những chiếc gùi, chiếc “ế” có thể là thức ăn cho gia súc, có thể là những củ sắn, củ dong riềng vừa đào trên rừng về, cũng có thể là những tấm pro xi măng lợp nhà hay cả một bì lúa. Những người phụ nữ Mông luôn cúi rạp người xuống, dồn sức mạnh lên đôi chân để “tải” hàng vượt dốc về nhà.
Cũng trên những tấm lưng đó là những em bé Mông mũm mĩm, đôi má ửng hồng say ngủ trong tấm địu bằng vải sặc sỡ được thêu bằng đôi tay khéo léo của mẹ, của bà. Trên tấm lưng của người mẹ, người bà dân tộc Mông là cả một thế giới, ấm áp và bình yên giữa xứ sở rét tê tái mỗi độ đông về.
Leo dốc, tôi bắt gặp một người phụ nữ “thồ” trên lưng chiếc bì tải. Chị cúi đầu lầm lũi bước, bàn tay “néo” một đầu bì tải đỏ ửng, nổi gân. Người đàn ông đi sau, tay cầm chiếc dao ung dung bước. “Nặng không?”. Người phụ nữ cười lắc đầu. “Sao anh không mang hộ vợ?”. Người đàn ông đáp: “Nhẹ mà” rồi rảo bước. Tôi nhấc thử chiếc bì, chẳng biết đựng gì nhưng khá nặng.
Anh bạn đồng nghiệp kéo lại: “Người Mông là thế đó. Nếu người phụ nữ không mở lời nhờ người đàn ông thì người đàn ông không được phép giúp. Trong cộng đồng người Mông còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ nên người phụ nữ vẫn phải gánh vác nhiều công việc nặng nhọc. Họ quen rồi, không than thở đâu”.
Tôi chợt nghĩ, phải chăng gánh nặng trên lưng quá lớn, mải miết bước trên những con dốc cao ngất khiến những người phụ nữ Mông ở miền Tây Nghệ An luôn phải cúi đầu để đi? Phải chăng, chính điều đó đã góp phần làm nên cái tính cách cam chịu, nhẫn nhục và phục tùng của họ?
Hoàng Lam