"Thắt lưng buộc bụng" để "sống sót" qua những ngày giãn cách

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Để duy trì cuộc sống qua những ngày giãn cách, bị mất việc hoặc giảm thu nhập, nhiều người đã phải "thắt lưng buộc bụng" cắt giảm tối đa các khoản chi tiêu.

TPHCM lại bước vào một đợt giãn cách mới. Vào lúc này, đa phần người dân thành phố đều cố gắng thực hiện nghiêm túc theo các chỉ thị để dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát. 

Nhưng quả thực, việc "cầm cự" qua những ngày giãn cách khi kinh tế bị ảnh hưởng chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều người đang phải "gồng mình" mỗi ngày để gánh vác gia đình, phải "thắt lưng buộc bụng" vì bị thất nghiệp hoặc giảm thu nhập.

Phải "thắt lưng buộc bụng" vì không còn công việc

Chị Tuyết Mai (32 tuổi), giáo viên mầm non tại một trường mầm non ở TP Thủ Đức phải cắt giảm 5 triệu đồng chi tiêu trong gia đình vào tháng qua.

Theo chia sẻ của chị Mai, trước khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng rơi vào khoảng 17 triệu đồng. Thời điểm đó, chi tiêu trong gia đình hàng tháng khoảng 14 triệu đồng bao gồm các khoản chi như: tiền nhà trọ, điện nước, tiền ăn uống, tiền sữa cho con, học phí của con, mua sắm quần áo, mỹ phẩm…

Tuy hiện tại con trai 7 tuổi của chị Mai không đi học nên chị giảm bớt được tiền học phí cho con, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn hơn khi thu nhập của chị đã không còn.

Thắt lưng buộc bụng để sống sót qua những ngày giãn cách - 1

Từ ngày dịch bệnh bùng phát, chị Tuyết Mai cũng mất thu nhập vì không còn được đi dạy (Ảnh: NVCC)).

Dù lương của một giáo viên mầm non như chị chỉ dao động trong khoảng 5-7 triệu, một số tiền không lớn nhưng cũng hỗ trợ được chồng trong vấn đề chi tiêu. Từ lúc dịch bệnh bùng phát, các trường học đều tạm ngưng, chị Tuyết Mai cũng rơi vào cảnh không có việc làm và không có thu nhập. Giờ đây, kinh tế trong gia đình chỉ có thể nương tựa hết vào người chồng của chị.

"Đợt dịch này tính ra chị còn đỡ rồi! May mắn sao mà bỗng dưng ông xã chị tìm được công việc làm tài xế cho một giám đốc vào đúng lúc dịch bệnh bùng phát. Nhớ đợt dịch trước, ông xã chị cũng thất nghiệp luôn! Lúc đó nhà chị toàn ăn mì gói. Khó khăn lắm!", chị Tuyết Mai ngậm ngùi tâm sự.

Để có thể "cầm cự" qua những ngày giãn cách, gia đình chị Mai phải tính toán kỹ lưỡng hơn trong từng bữa ăn. Dịch bệnh khiến chị chẳng còn màng chăm lo cho bản thân nữa mà chỉ cố gắng làm sao để giảm bớt áp lực kinh tế cho chồng và lo lắng đầy đủ cho con. Các khoản chi cho quần áo, mỹ phẩm giai đoạn này đều được chị Mai triệt để cắt hết. 

Trong cái khó, lại ló cái khôn

May mắn hơn chị Tuyết Mai, anh Trang Trung Hiếu (26 tuổi), ngụ tại quận 7, TPHCM vẫn giữ được công việc của mình. Tuy nhiên, vì công việc của anh Hiếu cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều dự án, chương trình phải tạm hoãn nên thu nhập của anh bị giảm 30-50%.

Đối với anh Hiếu, điều may mắn trong những ngày giãn cách chính là anh được làm việc tại nhà, không phải di chuyển nên các chi phí tiêu xài cũng theo đó mà giảm đáng kể. Bên cạnh đó, anh cũng chủ động điều chỉnh chi tiêu tiết kiệm hơn, để dành tiền cho trường hợp phải giãn cách lâu hơn.

Thắt lưng buộc bụng để sống sót qua những ngày giãn cách - 2

Trong những ngày giãn cách, anh Trung Hiếu dường như chỉ chi một khoản duy nhất cho việc ăn uống, còn lại đều được cắt giảm (Ảnh: NVCC).

"Trước dịch, mình thường xuyên ăn uống ở ngoài, trung bình mỗi ngày mình tiêu khoảng 150 nghìn đồng. Tháng vừa rồi TPHCM giãn cách, mình chỉ ở nhà nên mỗi ngày mình chi tiêu chưa đến 80 nghìn đồng cho việc ăn uống. Còn lại gần như mình không tiêu xài gì nữa", anh Trung Hiếu chia sẻ.

Anh Hiếu cho biết thêm, ngoài tiết kiệm được chi phí ăn uống, xăng xe, anh còn tiết kiệm thêm được tiền mua sắm, gặp gỡ bạn bè, khách hàng và tiền đi chơi, đi du lịch. Hầu như giờ đây anh chỉ có một khoản chi duy nhất là tiền ăn uống. Hơn nữa vì ăn tại nhà nên chi phí cho vấn đề này lại càng thấp hơn.

Nhờ việc cắt giảm tối đa chi tiêu nên dù thu nhập bị giảm đáng kể nhưng anh Hiếu vẫn có cuộc sống ổn định và không sợ việc phải giãn cách thêm.

Bên cạnh việc "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu, nhiều người còn cố gắng tìm cách để duy trì, thậm chí còn tăng thêm thu nhập trong bối cảnh đầy biến động vì dịch bệnh. Chị Võ Lan Anh (29 tuổi), ngụ tại quận 12 là một ví dụ điển hình.

Theo quan điểm của chị Lan Anh, dịch bệnh sẽ gây khó khăn đối với tất cả mọi người, nhưng khó khăn đó sẽ không là gì nếu biết nắm bắt cơ hội và vận dụng khó khăn để đột phá. 

Nắm bắt được nhu cầu của nhiều người trong giai đoạn giãn cách là mua sắm, ăn uống qua mạng, nên chị Lan Anh bắt đầu đẩy mạnh việc rao bán các mặt hàng thực phẩm hoặc các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. 

Thắt lưng buộc bụng để sống sót qua những ngày giãn cách - 3

Nhờ sự nỗ lực và tinh thần vững vàng, chị Lan Anh không chỉ duy trì được công việc mà còn tăng thêm thu nhập nhờ buôn bán thêm (Ảnh: NVCC).

Công việc của chị Lan Anh hiện tại là nhân viên văn phòng, hỗ trợ ứng dụng cho một trang web. Giai đoạn này, chị được làm việc tại nhà nên việc đẩy mạnh buôn bán chẳng những không làm ảnh hưởng đến việc của công ty mà còn giúp chị tăng thêm thu nhập.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Lan Anh nói: "Mình thấy đợt giãn cách này mình không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Có lẽ vì ở đợt dịch thứ nhất mình đã lường trước việc dịch bệnh sẽ gây ra nhiều khó khăn nên chính bản thân mình đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng chiến đấu rồi. Mình mang suy nghĩ đó đặt vào đợt dịch này, không hoang mang, không lo sợ và cứ vậy mà nỗ lực làm việc và thu nhập được tăng lên thôi".

Mặc dù kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng chị Lan Anh vẫn kiểm soát việc chi tiêu của bản thân trong mùa dịch một cách tiết kiệm. Bên cạnh việc tính toán và cân nhắc thật kỹ trong chi tiêu, chị Lan Anh còn ăn uống đơn giản, lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của mình thật tốt trong mùa dịch.