Nam Định:
Tháp Phổ Minh - Dấu tích Hào khí Đông A
(Dân trí) - Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua, Tháp Phổ Minh - dấu tích còn lại của Hào khí Đông A, dù ố màu thời gian nhưng vẫn hiên ngang, sừng sững thách thức cùng thời gian. Hình ảnh Tháp Phổ Minh cũng được in trên tờ tiền mệnh giá 100 đồng in năm 1991.
Tháp Phổ Minh là một công trình trong khuôn viên chùa Tháp - một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo sử sách ghi lại, vào năm 1308, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong – Yên Tử ( theo Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ Anh Tông). Sau đó ít lâu, con ngài là vua Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên.
Tháp Phổ Minh được xây dựng hình vuông, gồm 14 tầng, cao 19,5 m. Hai tầng dưới làm bằng đá mỗi chiều dài 5,2 m. Các tầng còn lại xây bằng gạch bắt mạch để trần. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng – Long thập tam niên” và khắc họa con rồng nổi thời Trần. Sau đó, một thương nhân giàu có đã bỏ tiền trát vữa lên các mặt tháp.
Tháp nằm ngay trước cửa Tam Bảo. Dưới chân tháp còn có những dấu mốc bằng đá. Xưa kia sân chùa có đặt một chiếc vạc đồng rất lớn được xếp vào An Nam Tứ Đại Khí (gồm tháp Báo Thiên, tượng phật chùa Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh, chuông Quy Điền).
Những dấu mốc bằng đá này chính là dấu còn sót của những chân đỡ của chiếc vạc. Sau đó quân Minh xâm lược đã phá cả tứ đại khí của nước ta với âm mưu làm mất sử sách và những công trình văn hóa để đồng hóa dân ta.
Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua, qua nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần, một dấu tích quan trọng một thời của Hào khí Đông A – Nhà Trần. Theo tính toán của các nhà khoa học, tháp nặng tới 700 tấn. Tháp Phổ Minh là một trong số ít công trình còn giữ được tương đối toàn vẹn từ thời Trần.
Vua Trần Nhân Tông đã ca ngợi vẻ đẹp của tháp Phổ Minh bằng bốn câu thơ:
“Sư về trong viện câu kinh vắng
Quán ở bên sông bóng nguyệt treo
Ba chục cung tiên cây tháp đặt
Trăm ngàn cõi Phật tiếng triều reo”.
Tháp Phổ Minh nằm trong khuôn viên chùa Phổ Minh, theo tư liệu còn để lại, có từ thời Lý. Chùa nằm trong khu vực Hành Cung Thiên Trường sau này là nơi các Thái Thượng Hoàng nhà Trần thường lui về sau khi đã nhường ngôi.
Năm 1262, thượng hoàng Trần Thái Tông cho tu bổ lại chùa với quy mô lớn hơn. Chùa Phổ Minh cũng từng là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia.
Bên cạnh Tháp cổ Phổ Minh, ở chùa Phổ Minh còn có nhiều hiện vật có giá trị. Trước đây chùa có 120 pho tượng, nhưng do thời gian, chiến tranh hủy hoại, nay chỉ còn hơn 50 pho tượng, trong đó có nhiều pho tượng đẹp về hình thể, cân đối về tỷ lệ, mang tính nghệ thuật cao.
Ít người biết rằng, hình ảnh được in trên tờ tiền mệnh giá 100 đồng chính là hình ảnh Tháp Phổ Minh. Tháp Phổ Minh cũng được xác lập là ngôi tháp chùa bằng gạch cao nhất Việt Nam do Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam đã xác lập.
Một số hình ảnh về Chùa Tháp và Tháp Phổ Minh:
Đức Văn