Thanh thiếu niên Việt Nam "ngây thơ" về tình dục an toàn
(Dân trí) - Chỉ trong 3 tháng cô nữ sinh viên tên Ngọc đã 2 lần nạo phá thai. Nhiều sinh viên khác cũng như Ngọc không sử dụng phương tiện phòng tránh thai vì... ngại hoặc chưa biết cách dùng.
Thống kê của BV Phụ sản T.Ư, tỷ lệ thanh thiếu niên Việt Nam hiểu đúng và sử dụng đúng biện pháp tránh thai, trong đó có bao cao su là rất thấp. Trong khi đó, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới và là nước đứng đầu Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai, chủ yếu là ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Vì đâu nên nỗi!
Đối tượng tìm đến “chợ nạo phá thai” ở Hà Nội phần lớn là thanh thiếu niên, người chưa có gia đình, chưa kết hôn. Với tâm lý lo sợ, xấu hổ, nhiều bạn gái tìm đến các cơ sở y tế tư nhân, tự phát để giải quyết nhanh gọn hoặc thủ tiêu hậu quả của mối tình không “danh chính ngôn thuận”. Tại hàng ghế chờ khám của một phòng khám sản phụ khoa, Lê Bích Ngọc (sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) bối rối che bụng “căng tròn” hơn một tháng. Ngọc và người yêu vừa mới quyết định “góp gạo thổi cơm chung” với mộng tưởng là “vợ chồng” của nhau, nên Ngọc và người yêu không hề sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) nào ngay từ lần quan hệ đầu tiên. Ngọc kể: “Em mơ hồ biết về các BPTT an toàn nhưng không biết cách sử dụng như thế nào”. Rồi Ngọc có thai, cậu người yêu tuyên bố, đang học, không cưới. Ngọc khóc hết nước mắt và lo sợ bố mẹ biết và tìm đến phòng khám tư để… giải quyết hậu quả.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng gần đây, Nguyễn Ngọc Trang (20 tuổi, Hà Nội) đến phòng khám này để nạo hút thai. Trang và người yêu quyết định không sử dụng bất kỳ BPTT nào khi quan hệ tình dục với ý nghĩ là “người mang theo BCS bên mình chắc chắn người đó không đúng đắn”. Lần nào nạo phá thai xong, bác sĩ cũng khuyên Trang nên sử dụng BPTT an toàn như BCS, đặt vòng nhưng Trang và người yêu đều cảm thấy xấu hổ khi đi mua BCS về dùng…
Hàng ngày, Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản, bệnh viện Phụ sản trung ương thực hiện nhiều ca tư vấn cho thanh thiếu niên về sức khỏe sinh sản, tình dục, cách sử dụng các BPTT an toàn. Hầu hết, các em biết một số BPTT có hiệu quả, nhưng cách sử dụng như thế nào thì còn rất mù mờ. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm cho biết, ngay cả sinh viên đại học cũng chưa hiểu, chưa quan tâm, hoặc hiểu không rõ về BPTT khi quan hệ tình dục, dẫn đến việc họ phá thai nhiều lần.
Nghiên cứu Dự báo sức khỏe sinh sản vị thành niên Việt Nam giai đoạn 1999-2010 cho thấy, tỷ lệ mang thai ở độ tuổi từ 14-24 tăng thêm 220.000 trường hợp so với trước năm 1999; 1.224.330 triệu trẻ em được các bà mẹ từ 14-19 tuổi sinh ra; thêm 31.000 trường hợp nhiễm HIV trong độ tuổi từ 14-24 tuổi (trong đó, 11% từ 14-19 tuổi và có 4.450 vị thành niên từ 14-19 tuổi chết do AIDS trong giai đoạn dự báo). Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do nhận thức của sinh viên nói riêng và thanh thiếu niên nói chung về sức khỏe sinh sản còn chưa đúng, chưa đầy đủ, làm cho họ giảm niềm tin vào BPTT.
Giật mình về kiến thức tình dục an toàn của thanh thiếu niên
Mới đây nhất, nghiên cứu “Kiến thức, thái độ và thực hành về biện pháp tránh thai bao cao su (BPTT BCS) của sinh viên thành phố Hà Nội” của 2.700 sinh viên trong 6 trường đại học tại Hà Nội năm 2014 chỉ ra: Dù được tuyên truyền phổ biến nhất nhưng vẫn còn khoảng 10% SV chưa biết đến PBTT bằng BCS. Chỉ có 58,2% sinh viên biết BCS được sử dụng cho các trường hợp muốn tránh thai tạm thời. Một điều đáng lo ngại là 24,8% SV cảm thấy xấu hổ khi đi mua BCS. Trong số 16,2% sinh viên đã quan hệ tình dục chỉ có 31,6% SV sử dụng BCS khi quan hệ lần đầu. Đối với cách sử dụng, chỉ có 58,1% SV biết thời điểm sử dụng BCS là trước khi đưa dương vật vào âm đạo; 9,5% SV cho rằng BCS được dùng sau khi quan hệ hoặc trước khi xuất tinh và 23,5% cho rằng không biết thời điểm sử dụng BCS… Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy hiểu biết về sức khỏe sinh sản, tình dục ở người chưa thành niên, thanh niên còn hạn chế, dẫn đến tránh thai thất bại hoặc không sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, vẫn còn một số bạn trẻ vẫn chưa hiểu được tác dụng tích cực của BCS. Việc các bạn trẻ không lựa chọn BCS để tránh thai thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ có thai, đặc biệt là tăng nguy cơ mắc STDs. Thời điểm sử dụng BCS quyết định rất nhiều đến hiệu quả của BPTT này. Tuy nhiên, có đến 24% SV không biết các xử trí khi gặp các tình huốn khi sử dụng BCS rách hoặc không sử dụng đúng thời điểm… Nhiều SV lý giải lần đầu quan hệ tình dục không sử dụng BPTT là do lần đầu nên “bất ngờ”, không chuẩn bị trước và không xác định khi quan hệ… Điều này trùng khớp với số phụ nữ trẻ dưới 20 tuổi đi phá thai đều thú nhận không sử dụng BPTT khi quan hệ tình dục lần đầu. Có rất ít SV, thanh thiếu niên chọn lựa BPTT bằng BCS ngay lần đầu quan hệ hoặc trong lần quan hệ tình dục gần nhất.
Các chuyên gia cho rằng, hầu hết SV và thanh thiếu niên đều hiểu rằng BCS được sử dụng để tránh thai tạm thời và phòng chống STDs nhưng để SV thực hành đúng thì vẫn còn là một khoảng cách cần được rút ngắn. Vì vậy, nhà trường cần phối hợp với gia đình và xã hội mở rộng hơn nữa các chương trình truyền thông về các BPTT nói chung và BCS nói riêng cho học sinh – sinh viên. Gia đình cần gần gũi, nói chuyện và chia sẽ với các bạn trẻ về các vấn đề SKSS vị thành niên.
Kiều Việt Thành