"Thần Sấm Belarus" càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không?
(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, việc người nước ngoài tham gia đấu vật ở hội làng đầu xuân là tín hiệu tốt, cho thấy nét đẹp văn hóa truyền thống đã được bạn bè biết đến.
Những ngày vừa qua, nhiều địa phương tưng bừng tổ chức hội làng xuân Ất Tỵ trong không khí rộn ràng đầu năm. Trong số các hoạt động và trò chơi, sới vật luôn là địa điểm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.
Năm nay, sự xuất hiện của đô vật đến từ nước ngoài với vóc dáng vạm vỡ khiến các trận đấu thêm phần quyết liệt.
Trong đó, đô vật Zakhar Dzmitrychenka, người Belarus đang sống ở Việt Nam, sở hữu chiều cao 1,81m và nặng 85kg giành chiến thắng 5 trận liên tiếp trên sới vật ở làng Triều Khúc (Hà Nội) tạo nên cơn sốt.
Anh nhanh chóng nổi tiếng và được cư dân mạng ví như "Thần Sấm" trong một bộ phim đã được trình chiếu ở các rạp.
![Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 1 Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/I7LrWiu3F--bC88MqJQBrl2Ek70=/thumb_w/1020/2025/02/12/zakhar-dau-vat-7-1739364105860.jpg)
Zakhar Dzmitrychenka tham gia hội làng ở Hà Nội (Ảnh: Grappling Vietnam).
Sau khi hình ảnh đô vật nước ngoài tranh tài ở các hội làng được chia sẻ thu hút nhiều bình luận của cộng đồng. Một số quan điểm cho rằng, không nên mời người nước ngoài thi đấu vì sự chênh lệch về thể lực khiến niềm vui không trọn vẹn.
Ở góc nhìn khác, nhiều bình luận bày tỏ sự vui mừng khi các đô vật ngoại quốc cảm nhận được nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Đây là cơ hội cho hội làng đầu xuân được quảng bá ra thế giới.
Cơ hội để hội làng "vươn tầm quốc tế"
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, cho biết bà đã xem hình ảnh chàng trai người Belarus tham gia đấu vật ở hội làng.
"Sau khi xem video về trận đấu, tôi cảm thấy thú vị và khá vui. Người nước ngoài đã biết đến và mong muốn dự hội làng ở Việt Nam. Sự tham gia của họ không chỉ mang tính giải trí mà còn thể hiện tinh thần thượng võ đã thực sự lan tỏa ra thế giới.
Hình ảnh chàng trai người Belarus trên sới cũng cho thấy, giá trị văn hóa của hội làng nói chung và đấu vật nói riêng được định hình, góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hóa mỗi dịp đầu xuân năm mới", chuyên gia Nguyễn Ánh Hồng cho biết.
![Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 2 Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/6Gob_1jdBjr_kwz-T7ebs4ktsAM=/thumb_w/1020/2025/02/12/anh-hong-1-1739363966576.png)
Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng đánh giá, các đô vật người nước ngoài thi đấu ở hội làng góp phần quảng bá nét đẹp ra thế giới (Ảnh: H.V).
Về quan điểm cho rằng, đô vật người nước ngoài tham gia khiến cho trận đấu khó có được sự công bằng, nữ tiến sĩ bày tỏ không đồng tình.
Theo bà Hồng, việc tổ chức hội làng trong đó có đấu vật với mục đích tạo không khí vui vẻ, hứng khởi đầu năm. Các trận đấu diễn ra không phải vì kết quả phân định thắng hay thua mà mong muốn đề cao vẻ đẹp của tinh thần thượng võ, gắn kết bà con trong cùng cộng đồng.
"Đô vật người nước ngoài mang đến một không khí mới, tạo sự hiếu kỳ với khán giả, đồng thời cống hiến những trận thi đấu mãn nhãn. Xét ở góc độ tích cực, hình ảnh tạo ra văn hóa mở rất sống động, không làm mất đi nét đẹp từ xa xưa mà còn góp phần quảng bá những nét đẹp truyền thống với bạn bè thế giới", tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng khẳng định.
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đánh giá, việc các đô vật nước ngoài tham gia hội làng Việt Nam là câu chuyện thú vị nhưng cũng đặt ra nhiều suy ngẫm.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, hội vật đầu xuân không chỉ là thể thao mà còn là niềm tự hào và mang đậm hơi thở của làng quê. Các chàng trai lên sới vật góp phần khẳng định khí phách, bản lĩnh của mình trước sự chứng kiến của cả làng. Những cuộc đấu này, không đơn thuần để phân định thắng thua, mà là sự kết nối giữa truyền thống và tinh thần thượng võ.
Việc các đô vật Tây với thể hình vạm vỡ xuất hiện trên sới vật, nhiều người có thể lo ngại sự chênh lệch về thể lực, kỹ thuật làm mất đi tinh thần "đấu vui, đấu đẹp".
![Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 3 Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/ag6rFVIG36JJQnpCOBO0m02OnW4=/thumb_w/1020/2025/02/12/hoai-son-1-1739363788238.png)
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc các đô vật người nước ngoài tham gia hội làng đầu xuân là tín hiệu đáng mừng cho thấy văn hóa Việt Nam được quảng bá rộng rãi (Ảnh: Minh Nhân).
"Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng phẳng, sự tham gia của bạn bè quốc tế có thể là một cách để lan tỏa mạnh mẽ hơn hình ảnh văn hóa Việt Nam.
Hội làng với trống chiêng rộn rã, không khí hò reo náo nhiệt và những vòng tay siết chặt trong niềm vui chiến thắng có thể trở thành sự kiện khiến bạn bè quốc tế háo hức tham gia. Nếu những đô vật là người nước ngoài đến đây với sự tôn trọng, mong muốn được hòa mình vào không khí lễ hội, đó chẳng phải là một tín hiệu đáng mừng hay sao?", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Vượt ra khỏi giá trị giải trí của một trận đấu
Lấy dẫn chứng từ câu chuyện của môn bóng đá, cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son mang về thành tích tốt hút người hâm mộ quan tâm, Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng cho rằng, các trận đấu vật hoàn toàn có thể mời bạn bè quốc tế đến thi đấu, giao lưu. Giá trị mang về sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của tính giải trí đơn thuần.
Bà Hồng cho rằng: "Đây là cơ hội rất tốt để khích lệ tinh thần các đô vật người Việt Nam cải thiện vóc dáng, kỹ năng và khẳng định mình. Họ không chỉ tham gia đấu vật đầu xuân mà xem đây là môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai và tăng cường thể lực".
Khi hình ảnh về các trận đấu vật ở hội làng có người nước ngoài tham gia, các chuyên gia cho rằng, thay vì đặt ra câu hỏi nên hay không nên mời đô vật nước ngoài. Điều quan trọng hơn là cần tính toán cách tổ chức và đón nhận bạn bè quốc tế tham gia như thế nào?
"Nếu diễn ra những trận đấu giao lưu riêng, có sự điều chỉnh hợp lý để vừa giữ được tinh thần của hội vật truyền thống, thúc đẩy giao lưu văn hóa, đó có thể là một hướng đi dung hòa.
Bản sắc không mất đi khi ta mở lòng đón nhận, có thể trở nên mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn, nếu biết cách giữ gìn và phát triển nó một cách khéo léo", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
![Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 4 Thần Sấm Belarus càn quét hội làng: Nên mời đô vật Tây hay không? - 4](https://cdnphoto.dantri.com.vn/9nOx7QE0NK6WjAvolnnaqN-5oZU=/thumb_w/1020/2025/02/12/zakhar-do-vat-10-edited-1739364246422.jpeg)
Zakhar (trái) gây ấn tượng với thể hình vạm vỡ, thể lực tốt (Ảnh: Đào Hồng Sơn).
Thời gian qua, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới đã được cơ quan chức năng tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông qua hình ảnh các cuộc hội làng bình dị, mang đậm dấu ấn cộng đồng làng xã cũng có thể là cách cho bạn bè thế giới hiểu hơn về những giá trị đã được giữ gìn qua nhiều thế hệ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều to tát, đôi khi nét đẹp bình dị như hội làng đầu năm là chìa khóa để chạm vào trái tim bạn bè quốc tế. Du khách có thể tham gia trải nghiệm không gian hội làng giữa tiếng trống rền vang, điệu múa lân sôi động hay mùi thơm bánh chưng, bánh dày...
"Hội làng không chỉ là nơi diễn ra những nghi thức tín ngưỡng hay trò chơi dân gian, mà còn là không gian văn hóa sống động, nơi người ta cảm nhận được tinh thần cộng đồng, niềm vui sum vầy và sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, tổ tiên, và lịch sử.
Tôi cho rằng, nếu biết cách khai thác, hội làng hoàn toàn có thể trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn", ông Sơn nêu ý kiến.
Để hội làng trở thành một điểm đến hấp dẫn, chuyên gia này cho rằng, cần có sự đầu tư bài bản vào công tác tổ chức, truyền thông.
Những lễ hội độc đáo nên được quảng bá sớm trên các nền tảng quốc tế, với hình ảnh, câu chuyện hấp dẫn để du khách có thể lên kế hoạch trải nghiệm từ trước. Các tour du lịch kết hợp hội làng với khám phá ẩm thực, làng nghề, cảnh quan địa phương cũng là một hướng đi hiệu quả.
"Quan trọng hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta cần tạo ra cơ hội để du khách không chỉ đến xem, mà còn được tham gia - họ có thể thử sức với một trận vật giao lưu, tự tay làm một món ăn truyền thống, hay cùng người dân làng thực hiện một nghi lễ đầu năm. Chính sự tương tác này mới để lại dấu ấn sâu đậm và biến hội làng Việt Nam thành một điểm đến khó quên", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bày tỏ.