Thán phục ông lão mù "phăm phăm" lên rừng chặt tre, cuốc nương làm rẫy

(Dân trí) - Tuy bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn ngày đêm lên rừng đốn tre, cuốc nương làm rẫy. Người đàn ông mù có đôi tai thính đã thay đổi số phận mình bằng nghề đan lát. Đây cũng là cơ duyên giúp ông có được người bạn đời sẻ chia số phận.

Ông lão mù đa tài.

Ở bản Các, nay là thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), hỏi về ông Lê Đình Thịnh (SN 1947), không ai là không biết. Nghị lực sống của ông khiến người dân nơi đây khâm phục.

Nghị lực vượt lên số phận

Thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc ông Thịnh mới đi rừng đốn tre về. Đặt bó tre xuống sân, ông mời chúng tôi lên nhà sàn uống nước rồi bắt đầu câu chuyện về tuổi thơ u buồn và những khó khăn mà ông từng trải qua.

Tuy bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn có thể làm việc như người bình thường
Tuy bị mù cả hai mắt nhưng ông vẫn có thể làm việc như người bình thường

“Đó là những năm tháng chiến tranh khốc liệt, cả nước hối hả lo cho cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, khi đó tôi bị một trận đau mắt hột nặng. Nhưng lúc bấy giờ do gia đình nghèo khổ, không có tiền mua thuốc, vả lại bệnh viện huyện thì ở xa lắm nên bố mẹ tôi đành lên rừng kiếm lá về đắp cho bớt bệnh. Ai ngờ bệnh thì có khỏi đâu, nó ngày một thêm nặng rồi dần dần tôi không thấy gì nữa”, ông Thịnh nhớ lại.

Không chịu khuất phục trước số phận, ông đã cố gắng tự tập cho mình những cảm giác, tập lắng nghe để cố gắng bắt nhịp với cuộc sống. Ban đầu là những bậc cầu thang nhà sàn, chiếc bát, chiếc đũa... dần rồi cũng thành quen, ông bắt đầu thuộc các ngõ ngách trong nhà, ngoài vườn.

Ông Thịnh thái chuối cho lợn, ngan ăn
Ông Thịnh thái chuối cho lợn, ngan ăn

Khi lớn lên, ông bắt đầu nghĩ đến chuyện cần làm việc gì đó giúp ích hơn cho bố mẹ, bắt đầu cảm nhận được khiếm khuyết về thể xác, ông bắt đầu lo về cuộc sống nay mai sẽ ra sao khi thiếu vắng đi “cửa sổ tâm hồn”. Những trăn trở ấy đã thôi thúc ông quyết định kiếm một nghề gì đó để có tiền phụ giúp bố mẹ cho đỡ khổ.

“Đã nhiều lúc tôi nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng nghĩ đến bố mẹ, gia đình nên tôi dừng lại. Bắt đầu nghĩ lạc quan hơn, tập làm mọi việc để dần thích nghi với cuộc sống. Tôi đã học nghề đan rổ tre. Dần cũng thành quen, từ rổ tre tôi chuyển sang đan các vật dụng khác như đó, đơm, thúng mủng... Nói chung cũng chả có để ra nhưng chí ít cũng kiếm được cơm sống qua ngày”, ông Thịnh tâm sự.

Với người dân trong bản, hễ nhắc đến ông Thịnh thì mọi người liền nói đến cái tên rất thân quen “người đàn ông mù có đôi tai thính”.

Cưới được vợ hiền nhờ nghề đan lát

Đến tuổi cập kê, hẹn hò, thấy bạn bè cùng trang lứa ai ai cũng có vợ có chồng, ông có phần tủi thân nhưng cũng không dám đi tìm người bạn đời tri kỉ cho mình.

Dù số phận nghiệt ngã nhưng nụ cười lạc quan luôn hiện hữu trên gương mặt ông
Dù số phận nghiệt ngã nhưng nụ cười lạc quan luôn hiện hữu trên gương mặt ông

Cho đến một ngày, có một ông khách ở làng nọ đến mua rổ tre mà ông đan bán. Thấy ông Thịnh hiền lành, chịu khó nên đã ngỏ ý mai mối cho con gái mình. Hai ngày sau, vị khách lạ dẫn con gái xuống thưa hỏi chuyện với gia đình ông. Sau lần gặp gỡ duyên tình đầu tiên đó, hai người đã có tình cảm với nhau.

Đến năm 1969, tình yêu giữa ông và người con gái tên Hoàng Thị Xinh cùng tuổi đã đơm hoa kết trái thành duyên vợ chồng.

Nói về câu chuyện tình đẹp như cổ tích, ông Thịnh cười vui vẻ: “Ngày ấy, cũng chẳng ngờ nên duyên vợ chồng. Tôi thấy ông bà bảo đẹp đôi, cô ấy cũng đồng ý thế là cưới thôi chứ không hẹn hò gì nhiều”.

Bản thân bị khiếm khuyết về thể xác nhưng bù lại ông có một nghị lực phi thường
Bản thân bị khiếm khuyết về thể xác nhưng bù lại ông có một nghị lực phi thường

Hai người chung sống rất hạnh phúc và có với nhau 4 người con. Để nuôi vợ con, ông vác dao lên rừng đốn tre về đan lát bán lấy tiền. Từ công việc nhỏ nhất ở gia đình, đến những việc đồng áng, nương rẫy hai người luôn sát cánh bên nhau.

Cuộc sống vợ chồng cứ thế vượt qua bao sóng gió. Nhưng số phận dường như vẫn không công bằng với ông, sau 15 năm chung sống, người phụ nữ thương yêu của ông đã không may lâm bệnh và qua đời.

“Khi ấy, con cái vẫn còn nhỏ nhưng vì thương con nên tôi đã quyết lăn lộn làm đủ mọi nghề từ bốc đất thuê, chăn nuôi để có tiền lo con. Đến nay, các cháu đều đã lập gia đình và ổn định cuộc sống. Tôi lại trở về với nghề đan lát vui những tháng ngày cuối đời. Bà ấy là người phụ nữ tuyệt vời nhất, khéo léo mà đảm đang lắm”, ông Thịnh nhớ lại.

Mặc dù bị mù nhưng ông Thịnh vẫn lạc quan, yêu đời
Mặc dù bị mù nhưng ông Thịnh vẫn lạc quan, yêu đời

Không chỉ khéo tay, đa tài, ông Thịnh còn được nhiều dân trong làng yêu quý vì đã có công lớn trong việc tạo đường, làm lối đi cho bà con dân bản.

Chỉ tay về con đường trước nhà, ông cho biết: “Ngày ấy, gần 10 hộ dân quanh đây chưa có đường ra lộ như bây giờ, thấy bà con đi lại khó khăn, các cháu phải lội ruộng đến trường nên tôi tự tay ra bốc đất đắp đường. Lúc đầu nhiều người nghĩ tôi gàn dở nhưng sau một thời gian dài thì con đường hơn 100m được hoàn thành thì mọi người ai nấy đều vui mừng, đến cảm ơn tôi”.

Giờ đây, khi các con đã lập nghiệp xa quê, ông Thịnh vẫn miệt mài với nghề đan lát, khi buồn ông lại làm bạn với cây đàn bầu và chiếc đài cassette trong căn nhà sàn nhỏ để tưởng nhớ về một thời đã qua.

Thanh Tùng - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm