Nghệ An:

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ

(Dân trí) - Xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống. Ngoài tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động, làng nghề này còn là nơi lưu giữ nét văn hoá truyền thống ở địa phương.

Nghề nuôi tằm ở Tân Kỳ

Nghề trồng dâu nuôi tằm có thể nói là một trong những nghề đơn giản, dễ trồng dễ nuôi, không tốn công sức so với việc làm nông. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt mưa nắng thất thường như ở Nghệ An thì đó là một điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng những người dân ở xã Nghĩa Đồng vẫn kiên trì giữ vững làng nghề đẹp đẽ này.

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ - 1

Bà Nguyễn Thị Nghiêm, xóm 11, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) với hơn 20 năm trong nghề.

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ - 2

Nuôi tằm tuy lợi nhuận thu về một lần không lớn bằng các loại vật nuôi khác, nhưng chính nó lại cho thu nhập thường xuyên vì kéo dài quanh năm.

Trồng dâu - nuôi tằm không chỉ cung cấp sợi tơ cho ngành công nghiệp dệt may mà còn cung cấp một số nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến khác như dược phẩm, thời trang, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất giấy, làm phân bón... Vì vậy, đây là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn.

Tằm là giống “khó chiều”, người nuôi phải cần mẫn và yêu nghề thì mới trụ lại được. Quá trình ươm diễn ra trong khoảng từ 5 - 7 ngày, ban ngày phải cho ăn 3 lần, ban đêm cho ăn 2 lần, cứ 4 tiếng lại cho ăn một lần. Chu kỳ sinh trưởng của con tằm cũng phải phụ thuộc theo mùa và thời tiết để thu hoạch. Trung bình vào mùa hè, trong vòng 20 ngày thu hoạch 1 lứa kén, mùa xuân 1 tháng/lứa, mùa đông hơn 1 tháng/lứa.

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ - 3

Tằm đang nhả tơ.

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ - 4

Nhộng tằm là một trong những món ăn được nhiều người ưa thích, bởi giá trị dinh dưỡng cao, có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Để có đủ lượng lá dâu cho tằm ăn, người dân từ sáng sớm đi hái lá dâu. Chia sẻ những nhọc nhằn, ông Nguyễn Mạnh Điệp, xóm 11, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) với gần 20 năm trong nghề cho biết:

“Nghề này tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào, làm mệt lắm. Những ngày nắng thì không sao nhưng cứ đến mùa mưa lụt thì khổ lắm, có hai ông bà già phải hái lá dưới mưa, người ướt hết nhưng cũng phải cố hái để đủ lá dự trữ cho tằm ăn”.

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ - 5

Tằm đang đóng kén, người nuôi phải hong nắng cho kén khô, thơm và khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng, thuận lợi cho người ươm tơ.

Vất vả là thế nhưng những người dân nơi đây vẫn lấy nghề nuôi tằm làm động lực bởi thành quả cuối cùng mang lại cho họ niềm hạnh phúc. Với giá bán dao động 80-100 nghìn/kg kén vàng, bình quân thu nhập đem lại cho gia đình ông Điệp 3-5 triệu mỗi tháng, nếu được mùa thì hơn 10 triệu/tháng.

Được biết, trước đây xã Nghĩa Đồng có hơn 30 hộ nuôi nhưng vì nuôi tằm vất vả, hiệu quả kinh tế không cao nên trong số đó họ cũng bỏ khá nhiều. Hiện toàn xã chỉ còn 15-16 hộ nuôi, chủ yếu là những người cao tuổi làm vì con cái họ đều đi làm ăn xa.

Thăm làng nghề trồng dâu nuôi tằm còn sót lại ở xứ Nghệ - 6

Nỗi lòng của ông Nguyễn Mạnh Điệp, xóm 11, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) về nghề nuôi tằm.

Bà Nghiêm (vợ ông Điệp) chia sẻ: “Tôi cũng chỉ mong thời tiết thuận lợi, giá kén ổn định để cố gắng duy trì cái làng nghề truyền thống này. Tôi luôn trân trọng và muốn lưu giữ nó mãi bởi đây là cái nghề giúp nuôi sống gia đình ở những thập niên 80, 90…”.

Trên thị trường, những chiếc áo cái quần làm từ vải tơ tằm đều có giá tiền triệu nhưng ít ai thấy được rằng cái công đoạn nuôi tằm nó lại gian nan như thế mà giá bán ra lại bèo bọt.

Nhưng với người dân Nghĩa Đồng - dù sao truyền thống trồng dâu nuôi tằm không chỉ góp phần phát triển văn hóa và truyền thống của cha ông để lại, mà còn giúp người dân ở nơi đây có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống.

Phương Hoa - Ngọc Hà