Thăm làng đóng tàu vỏ gỗ gần 100 tuổi ở Khánh Hòa
(Dân trí) - Làng nghề đóng tàu vỏ gỗ gần 100 tuổi có tiếng ở vùng ven biển thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang lo bị mai một khi thời gian gần đây số lượng tàu vỏ gỗ được đóng mới rất ít.
Vùng đóng tàu nổi tiếng
Một ngày đầu thu, chúng tôi có dịp về vùng ven biển phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa), nép mình bên Vịnh Vân Phong nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa. Ninh Hải từ lâu được biết tới là một trong những “lò” đóng tàu vỏ gỗ nức tiếng ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Theo người dân miền biển nơi đây, nghề đóng tàu vỏ gỗ đã tồn tại đến nay đã 70-80 năm tuổi.
Những người làng trên 50-60 tuổi ở Ninh Hải kể rằng, khi họ mới sinh ra đã thấy có nghề đóng tàu vỏ gỗ rồi. Nghề đóng tàu gỗ ở vùng ven biển cát trắng này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời cha đến đời con. Bởi vậy, đến thăm tổ dân phố 7 Bình Tây của phường thì không khó để tìm được những gia đình có đến 3 đời làm nghề đóng tàu vỏ gỗ.
Về vùng quê này, chúng tôi được kể rằng, thời hoàng kim của nghề đóng tàu võ gỗ ở Ninh Hải là vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Khi ấy, Ninh Hải có từ 12-14 cơ sở đóng tàu. Không chỉ cung ứng tàu vỏ gỗ cho người dân trong vùng mà nơi đây còn cung ứng cho các vùng phụ cận. Nghề đóng tàu vỏ gỗ khi ấy giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng.
Tâm sự về nghề, anh Nguyễn Văn Thường, chủ cơ sở đóng tàu vỏ gỗ Năm Chấm ở Ninh Hải cho biết, nghề này là nghề gia truyền, do ông nội anh truyền lại và anh là đời thứ 3 làm nghề.
“Hồi đó ông nội tôi là người duy nhất mở xưởng đóng tàu ở vùng này. Tôi lớn lên đã thấy cha tôi theo ông nội làm nghề đóng tàu rồi. Lúc ấy phương tiện đóng tàu rất thô sơ, dùng cưa tay, khoan tay… Tuy nhiên, thợ nghề lúc ấy rất đông, mỗi năm cũng xuất xưởng gần chục chiếc”, anh Thường kể.
Khó khăn tứ bề!
Thời gian gần đây, nguồn gỗ trong nước gặp khó khăn đã khiến các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ ven biển ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) phải tìm mua gỗ từ nước ngoài như Indonesia, Malaisia, Úc…
Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải, cho biết, mỗi năm doanh thu từ nghề đóng tàu vỏ gỗ trên địa bàn đem lại khoảng 10 tỷ đồng. Nhưng những năm gần đây nghề đóng tàu vỏ gỗ lại gặp khá nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một.
Theo đó, từ một trong những nơi đóng tàu vỏ gỗ có tiếng trong vùng, hiện nay trên địa bàn chỉ còn lại 10 cơ sở đóng tàu. Theo ông Phong, do nghề biển bấp bênh, thu nhập không ổn định nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề biển, chuyển sang làm nghề khác. Đối với những ngư dân có nhu cầu về tàu vỏ gỗ thì họ lại không đóng mới mà đi mua tàu cũ để tiết kiệm chi phí.
“Địa phương cũng muốn quy hoạch thành một khu đóng tàu vỏ gỗ tập trung, có vùng nước sâu để đóng những con tàu cỡ lớn nhưng quỹ đất trên địa bàn rất hạn hẹp, chật chội”, ông Phong nói.
Theo chủ cơ sở đóng tàu vỏ gỗ - anh Nguyễn Văn Thường, nghề này kham khổ nên thời gian gần đây giới trẻ trên địa bàn không mặn mà với nghề, rất ít người chọn học nghề này. Những thợ đóng tàu vỏ gỗ lành nghề hiện nay đa phần đã có tuổi nhưng chưa có lớp trẻ kế cận.
Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 20 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ gỗ. Theo ông Én, hiện nay đa phần những cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu gỗ đều do người dân tự bỏ vốn ra làm và cũng chưa có chính sách thiết thực hỗ trợ cho đối tượng này.
Ngoài việc khó khăn về nguồn gỗ, những cơ sở đóng tàu vỏ gỗ cũng gặp khó khăn khi các nguồn vật liệu mới xuất hiện, thay thế gỗ để đóng tàu cá mà giá thành cũng không hề đắt đỏ.
Viết Hảo