Thả hồn với một thoáng “Đông Dương” giữa lòng phố cổ Hà Nội
(Dân trí) - Nâng cấp đáng kể về tiện nghi sống nhưng vẫn giữ lại được phần hồn “Đông Dương” từ trăm năm trước, công trình này chính là một lời giải đầy sáng tạo cho bài toán dung hòa giữa “đổi mới” và “bảo tồn” của các ngôi nhà ở phố cổ.
Được xây dựng từ cách đây ngót nghét cả thế kỷ, những ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội chính là sản phẩm của sự giao thoa giữa hai nền kiến trúc mà nói rộng ra là nền văn hóa Việt - Pháp. Đồng thời, những dãy phố còn là “bảo tàng sống” về một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Ở một khía cạnh khác, chính những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử kể trên cũng là thách thức lớn nhất, khi muốn cải tạo những công trình xưa cũ đã xuống cấp này để vừa có thể trở thành một không gian sống tiện nghi, phù hợp với thời đại nhưng lại không đánh mất đi phần hồn của một ngôi nhà trăm tuổi.
Thiếc House chính là một lời giải đầy sáng tạo cho bài toán dung hòa giữa “đổi mới” và “bảo tồn” cho các ngôi nhà ở phố cổ, được thực hiện bởi nhóm kiến trúc sư Đoàn Mạnh và Trần Việt Phú.
Trước khi “thay áo”, Thiếc House là một căn hộ có diện tích khoảng 100 mét vuông nằm trên tầng 2 của khu nhà tập thể trên 70 năm tuổi ở phố Hàng Thiếc.
Dấu ấn của thời gian thể hiện rõ rệt ở đường nét kiến trúc, các ngõ ngách trên đường dẫn vào nhà và đương nhiên cũng là cả sự xuống cấp rõ rệt của các kết cấu vừa gây mất thẩm mỹ, vừa đe dọa đến sự an toàn của gia chủ.
Đối với công trình cổ, một trong những nhiệm vụ đầu tiên và tiên quyết trong quá trình cải tạo chính là “phục hồi” những kết cấu đã bị “lão hóa” theo thời gian. Trong trường hợp này, đội ngũ thi công đã tiến hành lợp lại mái, làm lại trần, chạy lại hệ thống điện, áp dụng các biện pháp chống thấm.
Về bố cục, ngôi nhà sau khi cải tạo “bắt chước” những căn hộ hiện đại với một không gian chung vừa làm nhà bếp, phòng ăn và nơi tiếp khách. Kế đó là ba phòng ngủ, hai phòng vệ sinh và một phòng kho. Ngôi nhà mới còn có sự nâng cấp đáng kể về các tiện nghi hiện đại, vốn là nhiệm vụ hàng đầu của dự án cải tạo này.
Dấu ấn “Đông Dương” bên trong Thiếc House thể hiện rất rõ rệt ở cách phối màu hay từng chi tiết nội thất mà kiến trúc sư đã sử dụng, điển hình chính là màu sơn tường vàng rất đặc trưng của phố cổ, nền gạch bông, các chi tiết nội thất gỗ (tủ bếp, giá để đồ, cửa gỗ)…
Bộ mặt mới của ngôi nhà chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những giá trị “phi vật thể” của không gian văn hóa mà nó đang tọa lạc – Phố Hàng Thiếc. Mỗi con phố ở Hà Nội xưa hầu như đều có tên gọi gắn liền với các lọai mặt hàng được bày bán hay ngành nghề đặc trưng của người dân sống tại đó.
Khởi điểm, phố Hàng Thiếc là một “địa chỉ vàng” của nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng, lư hương, ấm pha trà. Sang thời kỳ Pháp thuộc, những gia đình trên con phố này lại dần thay thế thiếc bằng một loại vật liệu khác là sắt tây. Và đến thời điểm hiện tại, những thợ thủ công ở Hàng Thiếc vẫn gìn giữ và phát triển được cái “nghiệp” đã trở thành tên của con phố này, sự thay đổi có chăng là ở những chất liệu, sản phẩm hợp thời hơn như: xô, thùng đựng nước, chậu rửa, hòm đựng quần áo, gàu múc nước.
Nằm trên một con phố mang đậm hơi thở của văn hóa làng nghề, nên những sản phẩm thủ công truyền thống của nước Việt cũng đã được khai thác, để trở thành một trong những điểm nhấn chính của ngôi nhà. Đó là sản phẩm gốm Bát Tràng với hoa văn và nước men truyền thống, những chiếc bình đến từ làng gốm Hiên Vân (Bắc Ninh), tranh Đông Hồ, đó bắt cá của làng nghề đan đó tại Thủ Sỹ, Hưng Yên.
Bên trong ngôi nhà còn có sự hiện diện của những sản phẩm thủ công đặc trưng của con phố Hàng Thiếc, và cách mà kiến trúc sư biến những món đồ gia dụng trở thành điểm nhấn nội thất thực sự rất sáng tạo và tinh tế! Đơn cử như việc dùng chính một vật dụng làm bếp là chiếc chảo khoét lòng làm bồn rửa tay, hay bình tưới cây làm đèn trang trí ở khu vực ban công.
Ban công nhìn ra phố cổ là một thế mạnh của ngôi nhà này, do đó đây cũng là vị trí được chú trọng đầu tư về mặt thẩm mỹ và trải nghiệm, để trở thành “chốn an yên” cho gia chủ thưởng thức một cốc trà nóng vào sáng tinh mơ hay buổi chiều tàn, khi mà sự xô bồ, nhộn nhịp của dòng người tạm rời đi, trả lại nhịp sống chậm rãi, sự trầm lắng có phần tĩnh mịch đúng chất của phố cổ.
Cùng chiêm ngưỡng thêm những hình ảnh đẹp về ngôi nhà “Đông Dương” giữa lòng phố cổ Hà Nội này:
Minh Nhật
Ảnh: Trần Giáp & Đoàn Mạnh