Tảo hôn và những chuyện "cười ra nước mắt" nơi địa đầu Tổ quốc

Phi Hùng

(Dân trí) - Biết bao câu chuyện bi hài, thậm chí là cười ra nước mắt trong "cuộc chiến" chống tảo hôn của các cán bộ vùng cao, nơi địa đầu Tổ quốc.

Huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang ngày nay đã đổi thay so với trước kia rất nhiều, những con đường đất nhỏ hẹp, vắt vẻo trên các sườn núi đã và đang dần được thay thế bằng đường bê tông rộng rãi, thuận tiện cho người dân đi lại.

Và có lẽ, sự thay đổi lớn nhất vẫn chính là nhận thức của người dân mỗi ngày được nâng lên, tình trạng tảo hôn được giảm dần qua các năm.

Tảo hôn và những chuyện cười ra nước mắt nơi địa đầu Tổ quốc - 1
Chị Bùi Thị Xuân.

Đó cũng chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nơi đây.

Chia sẻ với PV, chị Hoàng Thị Xuân - cán bộ Tư pháp xã Pả Vi (Mèo Vạc - Hà Giang) cho biết, trong quá trình đi tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc bỏ đi hủ tục lạc hậu đó, không ít lần chị Xuân cùng cán bộ khác gặp phải những câu chuyện tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh, văn học… nhưng không ngờ nó lại hiện hữu ngay giữa đời thực.

"Con tao không lấy được chồng, chúng mày đi mà lấy…"

Theo chị Xuân, nhiều năm trước tình trạng tảo hôn của xã Pả Vi không hiếm gặp, có năm lên đến hàng chục trường hợp, nhưng cho tới năm nay đã giảm xuống chỉ còn 4 trường hợp.

"Chính quyền địa phương xác định đây là hủ tục, trước kia những cháu gái người H'Mông mới chỉ 12 - 13 tuổi đã phải làm vợ làm mẹ.

Nhưng trong những năm gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà rất ít trường hợp bắt vợ xảy ra, đa phần các cháu đã có tình cảm với nhau từ trước, việc kéo vợ giờ chỉ là hình thức.

Độ tuổi tảo hôn hiện chủ yếu rơi vào lứa tuổi từ 16 đến 17, tình trạng tảo hôn đã giảm dần, các thôn như Pả Vi Thượng, Pả Vi Hạ… họ ra ngoài làm thuê nhiều, nhận thức cũng đã tăng lên nên chuyện tảo hôn gần như không còn", chị Xuân nói.

Được hỏi về kỷ niệm trong những lần đi giải quyết các vụ tảo hôn trên địa bàn, chị Xuân chia sẻ: "Có trường hợp chúng tôi vừa giận vừa thương, cười cũng không được mà khóc cũng không xong.

Phải rất khéo léo, họ vi phạm thật đó, nhưng đa phần ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nên phải làm sao để họ hiểu và tuân thủ là chính".

Tảo hôn và những chuyện cười ra nước mắt nơi địa đầu Tổ quốc - 2
Theo chị Xuân, tảo hôn dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có đói nghèo.

Chị Xuân nhớ lại, có trường hợp công dân của xã mình lấy vợ ở xã bên, vì cô gái chưa đủ tuổi nên các chị đã phải vào gia đình để vận động cho cô gái trở về gia đình, nhưng cô gái dọa tự tử nhảy xuống một bể nước.

"Bể nước thì nông, sau khi trèo xuống cô gái nhất quyết không lên, mặc cho chúng tôi ở trên thuyết phục đủ đường rằng: 'về nhà với bố mẹ các em vẫn được yêu tiếp, chờ khi nào đủ tuổi thì về chung sống với nhau…', nhưng cô gái vẫn hết sức ngoan cố.

Cuối cùng chúng tôi đành phải nhờ phía công an khiêng cô gái lên để bàn giao lại cho gia đình, lúc về bố mẹ ruột cô gái cũng tỏ ý không đồng tình, bắt đền cán bộ: "sau này con tao không lấy chồng được thì chúng mày đi mà lấy nó…".

Theo chị Xuân, thường những trường hợp khi bắt vợ về chưa được cúng lễ thì rất dễ vận động, nhưng trường hợp sau 3 ngày, gia đình nhà trai đã tổ chức cúng lễ cho cô gái làm "ma" nhà mình thì rất khó thuyết phục, đặc biệt là nếu cô gái có bầu rồi thì lại càng khó.

Có trường hợp đã giải quyết xong xuôi đâu vào đó, nhưng khi cán bộ về cô gái lại trốn về nhà chàng trai để chung sống đến khi công an đi kiểm tra đột xuất mới phát hiện ra, nhiều cặp đôi còn trốn cả sang Trung Quốc.

Hoặc cô gái đang là học sinh được gia đình nhà trai vẫn tạo điều kiện cho tiếp tục đi học để che mắt chính quyền.

Tuy vậy, nhiều cặp vợ chồng sau khi được vận động đã chấp nhận xa nhau một thời gian và vẫn giữ mối quan yêu đương, chờ đến lúc đủ tuổi mới về ở với nhau.

"Trước và sau Tết Nguyên đán xã đã triển khai tuyên truyền tới các thôn, đề nghị các gia đình có con em trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi đối với nữ và dưới 20 tuổi đối với nam phải ký cam kết không cưới tảo hôn.

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo hương ước của thôn từ 4 - 5 triệu đồng, đồng thời nộp phạt hành chính từ 1 - 1,5 triệu đồng, do vậy cũng hạn chế nạn tảo hôn đáng kể vì bà con ở đây chưa có điều kiện kinh tế", chị Xuân chia sẻ.

Đang từ hộ khá bỗng xuống… hộ nghèo

Ông Lê Văn Quý - Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi cho biết, mặc dù không có điều kiện, nhưng đồng bào người H'Mông thách cưới rất cao, nhẹ thì 40 triệu đồng, cao thì 50 - 60 triệu đồng.

Gia đình nào một năm lấy vợ cho 2 người con trai thì có thể từ hộ khá xuống ngay hộ nghèo. Nhiều chàng trai phải đi làm thuê khắp nơi mới đủ tiền về cưới vợ.

Tảo hôn và những chuyện cười ra nước mắt nơi địa đầu Tổ quốc - 3
Ông Lê Văn Quý - Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi.

"Có gia đình vì hoàn cảnh kinh tế mà chỉ muốn gả con sớm để giảm bớt gánh nặng mà lại được tiền, mà nhà trai thì lại muốn có thêm người để làm nương rẫy", ông Quý nói.

Theo ông Quý, chính quyền luôn trăn trở về vấn đề tảo hôn, bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển con người lẫn kinh tế, nhiều em đang ở độ tuổi đi học đã phải nghỉ giữa chừng để về lấy chồng, đói nghèo lại một vòng luẩn quẩn. Do vậy xã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là hủ tục cần bài trừ.

Người phụ nữ sinh con 2 lần trong năm

Ông Nguyễn Hồng Quân - Trưởng Công an xã Pải Lủng (Mèo Vạc - Hà Giang) cho biết, đặc thù người dân trên này đi làm nương từ 3 - 4h sáng đến tối mịt mới về, khi thấy cán bộ vào họ thường trốn tránh né, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động.

Tảo hôn và những chuyện cười ra nước mắt nơi địa đầu Tổ quốc - 4
Việc đi tuyên truyền, vận động của cán bộ luôn gặp khó khăn.

"Hôm trước chúng tôi vừa giải quyết một vụ, khi vào nhà ông bố cầm dao chém ngập vào cột nhà tỏ ý đe dọa cán bộ, rồi bảo con trai 'không phải nghe, cứ đi làm nương đi…

Thậm chí, có cặp còn dọa lên rừng ăn lá ngón, do vậy chúng tôi đều phải khéo léo, không kích động, hôm nay không vận động được thì mai lại tiếp tục lên, phải kiên trì bền bỉ để tuyên truyền cho người dân hiểu ra vấn đề", ông Quân nói.

Tảo hôn và những chuyện cười ra nước mắt nơi địa đầu Tổ quốc - 5
Ông Lý Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Pải Lủng.

"Vừa năm ngoái có trường hợp em dâu đi sinh con ở bệnh viện, do là tảo hôn nên sợ bị phạt đã không dám dùng thẻ bảo hiểm y tế của mình mà lấy thẻ của chị chồng.

Tuy nhiên, vài tháng trước người chị này cũng vừa sinh con, sau đó thanh tra đã phát hiện ra vì không thể nào một người phụ nữ lại có thể sinh con 2 lần trong một năm được", ông Lý Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Pải Lủng tiếp lời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm