Tặng tiền nữ sinh trộm đồ: Đừng để lòng thương xót che đi những sai phạm!

Hà Trang

(Dân trí) - Việc nhiều tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân hô hào, đến tận nhà ủng hộ nữ sinh trộm đồ bị bắt quỳ ở Thanh Hóa đã dấy lên tranh cãi trái chiều.

Ngay sau khi video nữ sinh ở Thanh Hóa bị chủ shop thời trang đánh đập, cắt áo vì hành động trộm chiếc váy 160 nghìn đồng được đăng tải, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Vợ chồng chủ shop đã bị khởi tố với hai tội danh: Làm nhục người khác và cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, toàn bộ hàng hóa đã bị tịch biên vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sự việc tưởng chừng đã khép lại với cái kết có hậu, tuy nhiên, dư luận lại dấy lên tranh cãi trái chiều khi nhiều tổ chức, cá nhân, Youtuber liên tục kêu gọi, ủng hộ tiền mặt cho thiếu nữ này.

Tặng tiền nữ sinh trộm đồ: Đừng để lòng thương xót che đi những sai phạm! - 1

Hình ảnh cô gái trẻ quỳ gối ở shop quần áo ở Thanh Hóa gây bức xúc trên cộng đồng mạng (Ảnh chụp từ clip).

Đáng chú ý, một Youtuber khá nổi tiếng trên mạng đã đăng tải video đến tận nhà tặng gia đình nữ sinh này 40 triệu đồng.

Trong video, người này vừa trao tiền, vừa nói động viên nữ sinh: "Con cố gắng lên nhé, có những lúc chú còn sai hơn con, xấu hơn con gấp nghìn lần. Con cố gắng học tập thật tốt… Sống ở đời ai cũng có lúc mình sai hết. Không có vấp ngã thì không có thành công, không có sai lầm thì không đúc kết được điều gì cả", người này nói.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cũng "tung" ảnh đến thăm hỏi, tặng quà động viên cho gia đình nữ sinh. Nhiều bài đăng trên mạng không quên kèm theo cả việc quảng cáo thương hiệu, sản phẩm doanh nghiệp để "hút" like.

Nhiều người cho rằng, hành vi bạo hành, đánh đập của vợ chồng chủ shop ở Thanh Hóa là sai và đã phải trả giá trước pháp luật. Tuy nhiên, việc ăn trộm đồ của nữ sinh cũng không phải là đúng, chúng ta cần "sòng phẳng" để tránh việc cổ súy cho cái sai.

"Lên án hành vi của chủ shop là đúng nhưng hô hào ủng hộ cô bé thì phải cân nhắc. Bởi lẽ, xét cho cùng cô bé cũng có lỗi, đó là lấy trộm đồ của người khác. Việc này cần phải góp ý, giáo dục để bé nhận thức ra vấn đề, sửa sai", tài khoản M.K chia sẻ ý kiến trên Facebook.

Một Youtuber tặng tiền cho gia đình nữ sinh và quay video lên mạng xã hội nhận về tranh cãi trái chiều. 

Một tài khoản tên Minh Hải cũng đồng tình cho rằng: "Động viên, phân tích để bé nhận thức được cái sai và sửa đổi là tốt nhưng việc hô hào ủng hộ lại đẩy sự việc đi quá xa. Nó vô tình khiến nhiều người trẻ có thể sẽ có suy nghĩ rằng, làm sai vẫn được dư luận bênh vực, đồng tình chỉ cần mình là người yếu thế…".

Chia sẻ với PV Dân trí, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, cô bé sinh năm 2004, thủ phạm trộm chiếc váy 160 nghìn đồng, không thể được gọi là "người hùng" trong câu chuyện này.

Lẽ đương nhiên, cô bé này là nạn nhân của hành động bạo lực của chủ shop, rất có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai. Tuy nhiên, không thể để lòng thương xót nạn nhân che hết đi những sai phạm trên thực tế.

Việc nhiều mạnh thường quân "ùn ùn" kéo đến nhà cô bé để ủng hộ tiền có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Bởi nếu không thật sự cảnh tỉnh và có sự dạy dỗ nghiêm khắc thì có thể vụ việc này sẽ trở thành tiền lệ cho những câu chuyện tương tự. Khi có người có thể đi ăn trộm đồ và biện minh rằng mình nghèo, rồi có suy nghĩ mình có thể được tha thứ. 

"Trước pháp luật, có tội và không có tội đều phải rõ ràng. Cô bé cần phải bị phạt hành chính về hành vi trộm cắp dưới 500 nghìn đồng của mình. Đó là pháp luật. Đừng vì lên án cách hành xử của chủ shop rồi bênh vực hành vi trộm cắp, cho rằng số tiền không đáng là bao hay trẻ con thì biết cái gì.

Việc ăn trộm một cái váy không giống việc ăn trộm một chiếc bánh mì. Và cho dù việc ăn trộm đó "giúp" phát hiện ra một sai phạm lớn hơn thì đó cũng không phải là một cái công", nhà văn Hoàng Anh Tú bình luận.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng cho rằng, vợ chồng chủ shop đã phải chịu trách nhiệm cho hành động sai trái của mình. Cặp đôi này chắc chắn cũng đã nhận được bài học thích đáng cho bản thân. Việc cư dân mạng ùa vào tấn công, nhục mạ, chửi bới cũng đã biến họ thành nạn nhân bị tấn công trên mạng xã hội. Những hành động này là "thiếu văn minh" và đang "lấy cái sai để đáp trả cho một cái sai khác". 

"Họ trở thành nạn nhân trong cuộc thanh trừng của cư dân mạng khi bị cư dân mạng lục lại những post cũ "Trời sinh khuôn mặt hiền lành để giống với nét dịu dàng bên trong". Hay thậm chí, hàng loạt người dân tìm đến cửa hàng của cặp vợ chồng nọ vì bức xúc trước hành động của họ trên mạng xã hội trước khi công an kịp tìm đến. Chừng nào mạng xã hội vẫn còn được coi là phòng xử án, chừng đó chúng ta đều mất an toàn trên mạng, và thậm chí cả ngoài đời", nhà văn Hoàng Anh Tú thẳng thắn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm