Tảng đá quý hình… miếng thịt bò

(Dân trí) - Được tìm thấy dưới độ sâu 10 mét tại một thửa ruộng ở tỉnh Mahenge, Tanzania, tảng đá trong suốt nặng 52 kg này là miếng spinen lớn nhất từng khai quật. Có điều, sự nổi tiếng của nó xuất phát từ nguyên nhân hoàn toàn khác: trông nó giống hệt miếng thịt bò.

Ở vùng đất phù sa bồi đắp Mahenge, đào đá quý gần như là công việc kiếm sống chính của người dân địa phương. Gọi là công nhân nhưng thực chất, những người này không thuộc bất kỳ tổ chức nào mà chỉ hoạt động theo từng nhóm, dưới sự tài trợ của một số doanh nghiệp trong vùng.

 

Chính vì thế, bạo động là điều không thể tránh khỏi sau sự xuất hiện của tảng spinen khổng lồ. Hàng trăm người thợ lực lưỡng xông vào đấm đá hòng hòng chiếm cho được viên pha lê, hay ít nhất là một mẩu vụn bé xíu của nó. Khó khăn lắm một tay mới “nẫng tay trên” được của cả đám và nhảy lên xe máy - do một tên khác cầm lái - và lao vút đi.

 

Sau nhiều ngày trốn chui nhủi không thức ăn, nước uống, rốt cuộc họ mới thoát được truy lùng và lên đường tới thành phố Morogoro, sau đó là Arusha, bắc Tanzania.

 

Tảng đá quý hình… miếng thịt bò - 1
 

“Khi tới được điểm hẹn cuối cùng, hai chân của người thợ bê bết máu bởi cạnh sắc nhọn của viên đá nặng cứa chặt vào da thịt suốt hành trình dài” - một nhân chứng kể lại trên trang web Multicolour.com.

 

Màu đỏ ánh hồng được coi là màu sắc lý tưởng nhất của khoáng chất spinen. Với những đường gân chằng chịt trên bề mặt, viên đá trông lại càng giống miếng thịt bò sấy khô một cách lạ lùng.

 

Theo ước đoán của các chuyên gia, từ viên đá này người ta có thể sản xuất ra hàng nghìn carat đá quý với tổng trị giá vài triệu USD. Theo kế hoạch, tảng pha lê “thịt bò” sẽ được chuyển tới Bangkok, Thái Lan để làm bóng bề mặt thô ráp, sau đó chia nhỏ thành những viên có trọng lượng từ 5-30 carat. Trong số này sẽ có riêng một mảnh được ưu ái 50 carat.

 

Tảng đá quý hình… miếng thịt bò - 2
  

Nói thêm về khoáng chất spinen:

 

Có thể coi spinen là “kẻ mạo danh” thành công nhất trong lịch sử đá quý mọi thời đại. Vương miện của nhiều ông vua bà chúa nổi tiếng thế giới thực chất là dát spinen, chứ không phải rubi như người ta lầm tưởng.

 

Ở Burma, quê hương của không ít những viên đá đẹp nhất thế giới, spinen được công nhận là một loại đá quý từ năm 1600,  tuy nhiên ở phần lớn các quốc gia loại khoáng chất quý hiếm này vẫn bị liệt vào hàng “giả mạo”.

 

Xét về mặt lịch sử, đá spinels màu đỏ được sánh ngang với rubi, thậm chí còn giá trị hơn nhiều. Nó và rubi, kim cương đỏ được coi là “bộ ba” đá quý cực hiếm và cực đắt của thế giới.

 

Thùy Vân

Theo Prweb

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm