Tận mắt những "khối vàng ròng lộ thiên" ở Việt Nam

(Dân trí) - Những cây sưa đỏ cổ thụ được mệnh danh là những "khối vàng ròng lộ thiên" trên mặt đất nhờ giá trị kinh tế "khủng" mà loại cây này mang lại. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam cây sưa đỏ mọc hoang trên rừng rất ít, hầu như đã bị khai thác hết. Hiện chỉ còn số ít được bảo tồn và lưu giữ trong các công viên, nhà chùa…

Cây sưa đỏ có vỏ ngoài sần sùi, gỗ tỏa ra mùi thơm thoang thoảng đặc biệt có độ bền rất cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát. Chính vì thế, giá sưa đỏ trên thị trường khá cao, thời điểm đắt đỏ nhất có giá lên tới cả chục tỷ/m3. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam cây sưa đỏ mọc hoang trên rừng rất ít, hầu như đã bị khai thác hết. Hiện chỉ còn số ít được bảo tồn và lưu giữ trong các công viên, nhà chùa…

Sưa đỏ 300 năm giá hàng trăm tỉ ở Quảng Nam

Cây sưa đỏ này có chiều cao từ gốc tới ngọn khoảng 50m, đường kính khoảng 6m, cỡ 9-10 người dang hai tay ôm mới xuể. Đặc biệt, tán cây sưa tỏa ra, bao trùm khoảng đất rộng 500m2. Chủ nhân của cây sưa quý hiếm bậc nhất này là gia đình ông Nguyễn Văn Ba (63 tuổi, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam). Theo ông Ba, ban đầu cây sưa nhỏ được trồng gần miếu thờ. Sau một thời gian, cây sưa to dần, lấn cả miếu. Thấy vậy, người thân trong gia đình ông Ba đã di dời miếu thờ ra bên ngoài để cây phát triển tiếp.

Cây sưa có tán rộng hàng trăm mét vuông
Cây sưa có tán rộng hàng trăm mét vuông

Ông Ba cho hay, theo lời cha ông kể lại thì từ xa xưa khi tới vùng đất này lập nghiệp, các bậc tiền nhân trong dòng họ đã mang theo cây sưa đỏ trồng bên miếu thờ. Đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Ba là thế hệ thứ 6 chăm sóc, giữ gìn cây sưa này.

Gốc sưa khủng với 3 nhánh hàng chục người ôm mới xuể
Gốc sưa khủng với 3 nhánh hàng chục người ôm mới xuể

“Do cây sưa được trồng bên miếu thờ, có yếu tố tâm linh và truyền thống lâu nay của gia đình nên quý trọng như mạng sống. Tôi dặn dò con cháu sau này dù tôi có mất đi cũng không vì túng tiền mà bán đi”, ông Ba nói. Theo người nông dân này, nhiều thương lái ở khắp các tỉnh, thành đến hỏi mua cây sưa với mức giá cao chót vót nhưng ông Ba vẫn kiên quyết không bán.

Cận cảnh cây sưa quý hiếm độc nhất vô nhị ở Quảng Nam
Cận cảnh cây sưa quý hiếm "độc nhất vô nhị" ở Quảng Nam

Theo các thương lái về gỗ sưa, cây sưa của gia đình ông Ba được xem là thuộc hàng “hiếm có khó tìm”, với tuổi đời, kích thước của cây thì có thể được định giá lên tới cả trăm tỷ.

Cả làng không ngủ để bảo vệ 2 gốc sưa… “vàng ròng”

Hai gốc sưa ở đền Đức Thánh Nhì ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) là biểu tượng văn hóa, tâm linh của dân làng Phụ Chính.

Mỗi cây cao hàng chục mét và đường kính hơn một mét, hai ba người ôm mới xuể. Người ta ví đó là hai khối vàng ròng lộ thiên bởi giới buôn sưa sành sõi từng định giá có rẻ lắm thì cũng bán được tầm 150 tỷ đồng.

Hiếm có ngôi làng nào trên đất nước này sở hữu kho báu khổng lồ đến thế, nhưng chính vì nó mà từ năm 2010 đến tận bây giờ Phụ Chính không có lấy một ngày yên. Để bảo vệ được gốc sưa này khỏi sự nhòm ngó của “sưa tặc” các bô lão trong thôn Phụ Chính (Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) đã phải quây hàng rào thành khung vững chắc, bao xung quanh gốc sưa già cỗi. Đường kính gốc cây sưa phải ba người ôm mới hết, một nửa đã chết khô vì... quá già.

Mỗi cây sưa cao hàng chục mét, xung quanh được người dân quây rào sắt bảo vệ
Mỗi cây sưa cao hàng chục mét, xung quanh được người dân quây rào sắt bảo vệ

Chưa hết, hàng ngày, người dân trong thôn lại cắt cử một tổ đặc nhiệm để trông giữ gốc sưa. Sự "cẩn tắc vô áy náy" của người dân cũng xuất phát từ những bài học đắt giá. "Sao lại không đắt giá, khoảng năm 2012, nhân lúc thiếu phòng bị, lợi dụng đêm hôm mưa gió bão bùng, nhóm trộm "trời đánh" đã bí mật cắt phéng đi nửa khối gỗ. Trị giá sơ sơ cũng vài tỷ. Tiếc đứt ruột", một cụ cao niên trong làng kể lại, đầy đau xót. Tuy nhiên, hiện nay các “cụ” sưa này đang có dấu hiệu “chết dần chết mòn”.

Hiện cây sưa đang có dấu hiệu mục nát
Hiện cây sưa đang có dấu hiệu mục nát

Một nửa phần gốc cây và thân đã bị khô, bong hết phần vỏ. Trong khi đó, phần lõi của cây cũng đã bị rỗng, qua kiểm tra, phần rỗng sâu khoảng 1,4m, phần rễ cũng có dấu hiệu khô héo. "Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì chỉ một vài năm nữa khối 'vàng lộ thiên' của làng chúng tôi chỉ còn là mấy thanh củi để đun, vứt đi. Tiếc, xót xa nhìn tiền tỷ của làng mất đi từng ngày mà không biết làm thế nào", một người dân thôn Phụ Chính chia sẻ.

Cặp sưa giá 150 tỷ, bán mấy cành gãy thu ngay 20 tỷ

Đình Đông Cốc (xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ, nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992.

Cây sưa 200 tuổi, nằm sát cổng đình Đông Cốc thời điểm chưa bị chặt hạ để bán. Đây là 1 trong hai cây sưa cổ thụ ở đình Đông Cốc
Cây sưa 200 tuổi, nằm sát cổng đình Đông Cốc thời điểm chưa bị chặt hạ để bán. Đây là 1 trong hai cây sưa cổ thụ ở đình Đông Cốc

Trong khuôn viên đình làng Đông Cốc hiện có cây sưa 400 tuổi có tán rộng ôm kín một phần mái đình, đường kính 3 người ôm; một cây 200 tuổi nằm ngay sát cổng đình. Mới đây, tại trụ sở Công ty Cổ phần Đấu giá Việt Nam đã tổ chức bán đấu giá thành công cây sưa 200 năm tuổi với giá 24,5 tỷ đồng.

Số tiền đấu giá cây sưa 200 tuổi là 24,5 tỉ đồng.
Số tiền đấu giá cây sưa 200 tuổi là 24,5 tỉ đồng.

Người đấu giá với mức cao nhất là ông Nguyễn Văn Hùy ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông Hùy cho hay, gia đình làm nghề gỗ, thường xuyên phải tìm mua các loại cây gỗ quý và cây gỗ sưa ở đình làng Đông Cốc. Chính vì điều này, người dân ở đây đã thông tin cho ông về việc đấu giá cây sưa 200 năm tuổi này. Ban Cộng đồng dân cư thôn Đông Cốc được thành lập và thống nhất với nhân dân trong thôn, hỗ trợ trực tiếp 17 tỷ đồng cho nhân dân, theo đó mỗi khẩu nhận 10 triệu đồng. Số tiền còn lại dành để thực hiện dự án tu bổ đình, chùa và các công trình phúc lợi của địa phương.

Gốc sưa “khủng ” dưới ngầm đá ở Quảng Bình

Gốc gỗ sưa này có chiều dài thân 1,65m, rộng 1m bị mắc kẹt tại khu vực ngầm Bến Tróoc được hai cha con ông Nguyễn Văn Thời và Nguyễn Quang Huy (trú tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đi đánh cá phát hiện vào ngày 23/2/2014. Sau 2 ngày, lực lượng chức năng địa phương đã trục vớt được gốc sưa trên.

Cận cảnh gốc sưa đỏ quý hiếm ở Quảng Bình
Cận cảnh gốc sưa đỏ quý hiếm ở Quảng Bình

Sau khi làm sạch, gốc sưa khủng được cơ quan chức năng đưa vào bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình vào chiều 20/10/2014 nhằm phục vụ việc trưng bày cho khách tham quan.

Gốc sưa được dùng máy cẩu để đưa vào bảo tàng
Gốc sưa được dùng máy cẩu để đưa vào bảo tàng

Đây cũng là gốc sưa lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay tại Quảng Bình.
Đây cũng là gốc sưa lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay tại Quảng Bình.

Các cơ quan chức năng kết luận gốc sưa này thuộc loại sưa mộc vàng (gỗ nhóm 1) và gốc sưa đã bị mục rỗng phần lõi trong. Trọng lượng là 2.140kg. Tính theo giá thị trường hiện tại dao động từ 12-15 triệu đồng/kg, ước tính gốc sưa khủng này trị giá khoảng 17 - 20 tỷ đồng. Đây cũng là gốc sưa lớn nhất được phát hiện từ trước tới nay tại Quảng Bình.

Vườn sưa đỏ bạc tỷ trên núi “triệu đô” ở Hà Nội

Núi Nùng nằm trong công viên Bách Thảo (Hà Nội) được mệnh danh là núi “triệu đô” bởi trên ngọn núi này là một quần thể gồm hàng chục cây sưa đỏ quý hiếm có giá bạc tỷ. Các cây sưa đỏ nằm xen lẫn với các loại cây quý hiếm đến từ nhiều châu lục trên thế giới như: Châu Mỹ, Châu Phi, Châu Đại Dương…

Hiện khu vực núi Nùng (công viên Bách Thảo) có khoảng 40 cây sưa đỏ quý hiếm
Hiện khu vực núi Nùng (công viên Bách Thảo) có khoảng 40 cây sưa đỏ quý hiếm

Các gốc cây được đánh số thứ tự và treo biển giới thiệu
Các gốc cây được đánh số thứ tự và treo biển giới thiệu

Trong đó, các loại cây sưa quý đều được đánh số thứ tự, treo biển giới thiệu. Xung quanh các gốc sưa đỏ này luôn được trang bị các vòng tròn dây thép gai kiên cố gắn camera theo dõi, bảo vệ. Hiện nay tại công viên Bách Thảo có khoảng 40 cây sưa đỏ, trong đó cây có đường kính lớn nhất khoảng 75cm, nhỏ nhất khoảng trên 10cm.

Hà Trang

Tổng hợp