Suýt mất mạng vì...nặn mụn
(Dân trí) - Nặn mụn trên mặt hay cơ thể không đơn giản như nhiều người nghĩ, nếu không cẩn thận việc này có thể gây áp xe, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong.
Mụn được tạo thành do sự kết hợp giữa lượng dầu thừa trên da và vi khuẩn. Khi da bị nhiễm trùng và sưng lên, mụn có thể lây lan ra khắp mặt. Để tránh mụn lây lan, cần giữ cho da mặt luôn được sạch sẽ, thoáng mát.
Việc nặn mụn không đúng cách có thể để lại những vết sẹo, thậm chí là nhiễm trùng da. Khi nặn mụn, tức là chúng ta vô tình là tổn thương da. Khi lớp da bị tổn thương sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Theo các bác sĩ da liễu cho biết, đã có rất nhiều trường hợp phải nhập viện do bị áp xe, nhiễm trùng máu - một loại nhiễm trùng toàn thân vì tự ý nặn mụn nhọt. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách rất dễ tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Gần đây nhất có thể kể đến trường hợp nữ bệnh nhân tuổi trung niên tại Hà Nội nhập viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Nguyên nhân là do bệnh nhân tự ý nặn nhọt ở mông dẫn tới nhiễm trùng và xuất hiện nhiều ổ áp xe. Do tình hình bệnh nhân quá nặng và tiên lượng xấu nên gia đình xin cho bệnh nhân về.
Để tránh những hậu quả nguy hiểm từ việc nặn mụn, trước khi nặn mụn, cần phải rửa mặt thật sạch. Hạn chế việc dùng đầu ngón tay để nặn mụn, thay vào đó là sử dụng các dụng cụ lấy mụn đã được tiệt trùng sạch sẽ. Không nên nặn mụn khi mụn chưa chồi lên khỏi da, tuyệt đối không lấy mụn đầu đen, đầu trắng và mụn mủ vì dễ gây lên viêm.
Đối với những trường hợp bị nhọt to kèm sốt cao hay bị "đinh râu"… cần phải sử dụng thuốc kháng sinh liều cao và được điều trị kịp thời tại bệnh viện. Nếu muốn chữa mụn bằng việc sử dụng thuốc, hãy đến gặp các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và kê đơn thuốc.
Vị trí tuyệt đối không nên nặn mụn
Theo các chuyên gia cho biết, những vị trí mụn nằm trong vùng bàn tay khi úp lên mặt tuyệt đối không được nặn. Đây được coi là vùng tam giác: sống, chóp mũi, hai bên mép, ngoài ra không nên nặn mụn ở vị trí quanh mắt.
Có thể thấy, dù nặn mụn ở vị trí nào cũng là con đường nhanh nhất dẫn đến nhiễm trùng. Các vị trí mụn trên mặt chính là con đường nhanh nhất để đi vào dây thần kinh trung ương, dễ gây ra sốc nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
Không nên nặn mụn ở vị trí trong vùng bàn tay khi up lên (Ảnh: Internet)
Các loại mụn tuyệt đối không được nặn
Mụn đinh râu: Đây là một loại mụn (dạng nhọt) rất độc, chúng thường xuất hiện ở vùng miệng và xung quanh mũi. Khi phát hiện mụn này, tuyệt đối không được dùng tay để nặn mà cần tới gặp bác sĩ da liễu để xử lý, điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Mụn đầu đen: Đây là loại mụn thường mọc tập trung ở vùng mũi. Khi mụn xuất hiện không được dùng tay để nặn vì dễ gây nhiễm trùng, trầy xước. Với loại mụn này, chúng ta nên để mụn “chín” rồi sử dụng các biện pháp tự nhiên loại bỏ mụn như đắp mặt nạ lòng trắng trứng gà, nước chanh hay cơm nắm.
Mụn thịt: Loại mụn này thường mọc thành đám ở vùng quanh mắt và có kích thước khá nhỏ. Mụn thường có màu trắng hoặc vàng, nếu bị kích thích sẽ có màu đỏ. Khi mụn xuất hiện cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, tuyệt đối không được nặn mụn bằng tay. Điều này sẽ làm phần da có mụn bị tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Nhữ Trang