"Sống liều" ở điểm nóng sốt xuất huyết
Cùng với thành phố Hà Nội, “điểm nóng” quận Đống Đa đang rốt ráo đẩy lùi sốt xuất huyết. Tuy nhiên có một khu dân cư vẫn "sống liều" với dịch sốt này.
Ngách 59, ngõ Linh Quang (quận Đống Đa) dài khoảng hơn 100 mét, đây là lối đi duy nhất thông ra mặt hồ Linh Quang. Những mái nhà hai bên ngách 59 được phủ dưới bóng những rặng tre, điều hiếm thấy ở giữa Thủ đô Hà Nội.
Đi sâu vào ngách 59 là cụm dân cư không số nhà, sống tạm bợ dưới những mái nhà lợp nilon, bạt hoặc tấm fibro xi măng. Họ là dân lao động ngụ cư từ khắp nơi lân cận trở về Hà Nội mưu sinh.
Thùng chứa nước sinh hoạt dùng chung miệng hình tròn, làm bằng xi măng đã cũ, xung quanh rêu xanh bám tua tủa, dung tích khoảng chừng 1 m3. Một vòi nhựa cũ được bắt từ đâu vào là nguồn cấp cho thùng nước này, cư dân nói là nước máy.
Bà Thu, quê ở Đông Anh (Hà Nội) trọ ở khu này hành nghề bán rau chỉ vào thùng nước cho cả khu dùng nói: “Nước sạch đấy. Cả trăm người dùng”.
Con đường nhỏ hai bên là rác thải chất cao ngang ngực người chạy sâu vào trong ngõ, nơi mép hồ Linh Quang. Càng ra phía hồ, mùi hôi thối càng nặng, ruồi muỗi càng nhiều.
Hàng chục hộ gia đình sống trong môi trường cáu bẩn. Nhà vệ sinh lộ thiên được che bằng những tấm bì rách rưới, trống huếch trống hoác của nhà này lại kề với lu nước sinh hoạt dự trữ của gia đình khác.
Họ lấy nước nấu cơm, rửa rau, đi vệ sinh, thậm chí trẻ con mình trần tắm giặt vãi nước chảy ra cả con đường đất ẩm thấp, nhầy nhụa. Một số gia đình làm nghề đậu phụ, nước thải màu trắng đục, mùi chua chảy quanh quẩn nhả rồi xả xuống kênh.
Ở một nơi gần đó, thùng chứa nước bằng nhựa cáu bẩn do để lâu ngày, người dân dùng nước trong đó để rửa rau.
Ngay phía dưới những thùng nước sinh hoạt được dự trữ là kênh nước màu đen, đặc sánh.
Bà Thu, một người thuê trọ ở đây, quê ở huyện Đông Anh cho biết: "Sốt xuất huyết hay sốt gì không biết, nhưng hết người này đến người kia". Bản thân bà Thu cũng vừa khỏi sốt xuất huyết cách đây vài ngày.
Một số cư dân tỏ ý muốn được cơ quan chức năng vào bơm thuốc, xử lý khâu phòng bệnh sốt xuất huyết, nhưng phần đông trong số họ lại có ý muốn dấu diếm bởi đây là khu đất ngụ cư tạm bợ. “Không đủ điều kiện sống, họ giải tán khu này, chúng em không có chỗ ở”, một chị trạc ngoài 30 tuổi cho biết.
Hồ Linh Quang rộng gần 2ha, là một trong những hồ dường như không còn sự sống của thủy sinh. Hồ này đã biến thành một núi rác cao lút đầu người với đủ thứ rác thải.
Góc phía bắc hồ Linh Quang là xóm ngụ cư, với những nhà vệ sinh tạm bợ để xả thẳng xuống hồ. Bờ phía chợ Văn Chương trở thành bãi trông xe ô tô và tập trung chất thải rắn. Phần bờ còn lại sát với nhà dân.
Trước đây hồ rộng khoảng 2ha. Tuy mép bờ đã được bịt tôn hoặc xây tường nhưng ruồi muỗi vẫn có thể mang mầm bệnh từ đây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ dân gần đó.
Theo Gia đình & Xã hội