Bình Định:

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát” nước

(Dân trí) - Một ngày thiếu nước đã thấy bứt rứt trong người, vậy mà nhiều năm qua cứ tới mùa khô hàng nghìn hộ dân ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) lại sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân ở Bình Định vẫn “khát” nước

Nhà máy nước tiền tỷ… chờ nâng cấp

Dù chưa phải là đỉnh điểm của mùa khô hạn, thế nhưng những ngày này về các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2 và An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh) đi đâu cũng thấy cảnh người dân chằng can nhựa 2 bên xe máy hoặc xe đạp đi các địa phương lân cận để mua nước về dùng, dù họ sống cách Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh chừng khoảng 2 km.

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát” nước - 1
Mỗi ngày 3 lần bà Đỗ Thị Mận cũng đạp xe đạp cả cây số đi chở từng can nước về dùng.

Theo một số người dân cho biết, trước đây trên địa bàn có hệ thống nước sạch từ Nhà máy nước xã Mỹ Chánh và người dân chỉ được sử dụng nguồn nước của nhà máy này vỏn vẹn 1 năm. Sau đó, không hiểu vì sao nước sạch bị “đứt mạch” không tới được nữa. Cũng chính vì thế mà nhiều năm nay, họ luôn sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Vợ chồng ông Nguyễn Phúc Quang và bà Đỗ Thị Mận (ở thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) dù đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng ngày nào ông bà cũng phải 3 lần đạp xe đạp hơn cả cây số để mua từng can nước về dùng. Con cái lớn, lại đi làm ăn xa nên việc nặng nhọc này ông bà phải tự làm.

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát” nước - 2
Người dân phải đi mua nước về dùng, dù sống cạnh Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh.

“Ở An Xuyên 1, nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng, ngay cả mùa mưa cũng thiếu nước sinh hoạt. Nước dùng nấu ăn, nước uống phải mua nước khoáng đóng bình, còn nước sinh hoạt thì đi mua từ nơi khác rất cực khổ hoặc hứng nước mưa để dùng. Như vợ chồng tôi, cứ sáng sớm và chiều tối thì đi chở vì đi lúc này cho mát. Nhà nào đông người có khi bỏ cả buổi để đi chở nước về dùng”, bà Mận chia sẻ.

Cách đó vài nhà, gia đình ông Trần Văn Chúng thì mua hẳn bình chứa nước 100 lít, buộc lên xe bò rồi dùng xe máy để chở nước về dùng.

“Nhiều năm nay, cứ đến mùa nắng nóng là không có nước dùng. Chi phí mua nước tháng nào cũng tăng thêm từ 150.000 đến 200.000 đồng với gia đình 4 người. Người dân ở đây rất mong chính quyền địa phương sớm sửa chữa, nâng cấp Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh để người dân đỡ khổ”, ông Chúng mong muốn.

Tạm thời chở nước “chữa cháy” cho dân

Theo UBND xã Mỹ Chánh, hiện toàn xã có trên 85% hộ thiếu nước sinh hoạt, trong khi đó Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh được đầu tư 12 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2004, công suất thiết kế 900 m3/ngày đêm, không đủ nước cung cấp cho người dân. Bình thường, nhà máy cung cấp nước cho khoảng 3.300 hộ dân trong xã Mỹ Chánh và hàng trăm hộ dân thôn An Mỹ (xã Mỹ Cát).

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát” nước - 3
Người dân mua hẳn cả bồn chứa 100 lít để đi chở nước về dùng.

Tuy nhiên, vào thời điểm khô hạn, nguồn nước trên sông La Tinh cạn kiệt, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Mặt khác, hệ thống đường ống nước mới đưa vào sử dụng nhưng có nhiều đoạn hư hỏng, đường ống nước bị bể… nên nước không thể tới được các hộ dân ở cuối đường ống. Vì vậy, các thôn An Xuyên 1, 2, 3 thiếu nước nghiêm trọng.

Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại địa phương kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm, nhưng đỉnh điểm thường từ tháng 6 đến tháng 9 do nguồn nước sông bị cạn kiệt. Đó là chưa nói đến các thôn kể trên lại nằm sát với chân nước mặn ven đầm Đề Gi nên nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, người dân không thể khoan giếng để lấy nước ngọt sử dụng được.

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát” nước - 4
Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh được đầu tư 12 tỷ nhưng đưa vào sử dụng không bao lâu thì xuống cấp không thể cấp đủ nước cho dân.

“Hiện nay, nhằm kịp thời giúp cho người dân sớm có nguồn nước sinh hoạt tạm thời trong mùa nắng nóng, UBND xã đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện và các ngành xem xét, sớm có kế hoạch cấp nước cho người dân để sinh hoạt, ổn định cuộc sống”, ông Bình cho hay.

Cũng theo ông Bình, hiện Nhà máy nước sạch xã Mỹ Chánh đã bàn giao cho UBND huyện Phù Mỹ quản lý và đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh giai đoạn 2 với kinh phí 39 tỷ đồng. Đến thời điểm này, nhà thầu đang triển khai thi công.

Ông Phan Minh Tài, Giám đốc Nhà máy nước sạch Phù Mỹ cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận hệ thống nước này từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định. Thế nhưng qua kiểm tra, toàn bộ đường ống cấp nước hỏng trầm trọng. 5 nguồn cấp nước thô cho nhà máy cũng cạn kiệt. Vì vậy, hơn 2.600 hộ dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) không có nước sinh hoạt.

Sống cạnh nhà máy nước sạch, hàng nghìn hộ dân vẫn “khát” nước - 5
Trong khi người dân lại sống ở vùng có nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và ô nhiễm.

“Hiện, tỉnh đã cho chủ trương đồng thời hỗ trợ kinh phí nhà máy đang tiến hành nâng cấp, mở rộng ra. Phấn đấu mùa khô sang năm khả năng có nước cấp cho dân. Nhà máy đã có kế hoạch sẽ vận chuyển nước sạch xuống để cấp cho dân. Dự kiến trong tuần tới sẽ cấp nước, cứ mỗi xe khoảng 4 khối, 1 ngày vận chuyển khoảng 6 chuyến. Cấp nước ngày 3 buổi sáng, trưa và chiều ngày tại trụ sở thôn”, ông Phan Minh Tài nói.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm