Số phận số tiền lớn nằm trong bãi rác ở Nhật, nhiều người nhận là chủ nhân
(Dân trí) - Mặc dù, có nhiều người đến nhận bản thân là chủ nhân số tiền 10 triệu yên, song họ không có bằng chứng đủ thuyết phục để chứng minh.
Một cơ sở thu gom rác ở Sapporo, Nhật Bản đã tìm thấy 10 triệu yên (1,7 tỷ đồng) tiền mặt hôm 30/1. Đến nay, sau 3 tháng, chủ nhân thực sự của số tiền này vẫn chưa được tìm thấy.
Mặc dù, trong thời gian vừa qua, nhiều người đã tìm đến cơ sở thu gom rác, tuyên bố số tiền đó từng thuộc về mình. Tuy vậy, các bằng chứng những người này đưa ra chưa đủ sức thuyết phục để chứng minh 10 triệu yên nằm lẫn trong rác là của họ.
Ngày 30/4 là hạn cuối cùng để tìm chủ nhân của số tiền. Từ ngày 1/5, số tiền này sẽ thuộc về sở hữu của thành phố Sapporo.
Theo kênh truyền hình STV của Nhật Bản, sau khi nhân viên tìm thấy số tiền lớn, cơ sở thu gom rác đã thông báo với nhà chức trách để xác định chủ nhân.
Biết tin về sự việc, 14 người đã đến Sapporo và tự nhận là chủ nhân của số tiền. Lý do mà họ đưa ra có rất nhiều.
Cụ thể, có người nói "ông bà bị bệnh mất trí nhớ nên đã vứt tiền vào sọt rác", một người khác trình bày "số tiền 10 triệu yên để trong tủ ở nhà có thể đã vứt vào thùng rác do nhầm lẫn", có người cho hay "số tiền lớn cất giữ trong nhà nhưng con gái hoặc bạn của cô ta đã trộm rồi đánh rơi ở Sapporo".
Nhiều lý do được đưa ra, nghe qua khá thuyết phục. Tuy vậy, họ không có bất cứ bằng chứng nào để chứng minh lời nói của mình là đúng. Vì vậy, lực lượng cảnh sát địa phương chưa thể xác minh danh tính chủ nhân số tiền. Thời gian để tìm chủ nhân số tiền theo quy định là 3 tháng đang trôi dần đến phút cuối song người sở hữu thực sự vẫn "bặt vô âm tín".
Đây không phải là lần đầu tiên có người tìm thấy số tiền lớn tại bãi rác ở Nhật Bản. Hồi năm 2017, một người đàn ông 63 tuổi là công nhân nhà máy xử lý rác thải đã tìm thấy số tiền hơn 42 triệu yên (6,9 tỷ đồng) lẫn trong rác.
Sau khi nhặt được số tiền, người này đã thông báo với cảnh sát. Cảnh sát thông báo rộng rãi để chủ nhân của số tiền tìm đến nhà chức trách nhằm chứng minh bản thân sở hữu số tiền được tìm thấy.
Nhằm đảm bảo sự khách quan, cảnh sát không nêu chi tiết cụ thể về vật dụng đựng tiền khi được tìm thấy. Đây là cách để chủ nhân nói ra sự thật khi nhận dạng, tránh những người khác mạo danh đến nhận.