Sinh viên hào hứng làm mũ chắn giọt bắn "chia lửa" cùng người dân vùng dịch

Hoài Trang

(Dân trí) - Những ngày này, hàng trăm sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Đông (Hà Nội) đang nỗ lực kêu gọi nhau làm mũ chắn giọt bắn, "chia lửa" cùng y bác sĩ và người dân vùng dịch.

Trong ngôi nhà nhỏ, Trang Nhung (quê Sơn La) đang cặm cụi cắt từng lớp bông dán vào tấm kính kèm dòng chữ "Đồng lòng chống dịch". Từ ngày tham gia vào hoạt động này, Trang Nhung trở nên bận rộn hơn, ngoài thời gian học online, em luôn dành thời gian làm tấm chắn giọt bắn với hy vọng sẽ góp chút sức nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch ở địa phương và những nơi dịch bệnh đang bùng phát.

Sinh viên hào hứng làm mũ chắn giọt bắn chia lửa cùng người dân vùng dịch - 1
Tranh thủ mọi thời gian rảnh, Trang Nhung tự tay làm mũ chắn giọt bắn.

Đây là lần đầu tiên Trang Nhung được tự tay làm những chiếc mũ chắn giọt bắn, nên cô sinh viên năm hai này có phần bỡ ngỡ, chưa quen việc. Tuy nhiên, sau một vài lần rút kinh nghiệm công việc này đối với Nhung trở nên thuần thục và nhanh hơn. Công việc đơn giản nhưng phải ngồi liên tục, nhiều khi cả cơ thể Nhung mỏi nhừ nhưng cô vẫn không nản chí, quyết tâm hoàn thành xong chỉ tiêu đặt ra trong ngày mới chịu ngưng.

Đôi tay thoăn thoắt đưa từng đường kéo, Trang Nhung chia sẻ: "Hiện nay dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành. Vì vậy, em muốn được chung tay cùng mọi người để làm những tấm chắn gửi tới những khu vực tuyến đầu đang chống dịch. Qua hoạt động này, em hy vọng sẽ lan tỏa được tinh thần đồng lòng, quyết tâm chống dịch của tất cả mọi người".

Cùng tham gia vào hoạt động làm tấm chắn gửi tới bà con vùng dịch, hơn một tuần nay Mai Hà Anh (quê Tuyên Quang) dành toàn bộ thời gian để sản xuất tấm chắn. Từ khi nhà trường phát động phong trào, Hà Anh và nhiều sinh viên khác đều phấn khởi tham gia.

Sinh viên hào hứng làm mũ chắn giọt bắn chia lửa cùng người dân vùng dịch - 2
Cô sinh viên khoa Điều dưỡng đang miệt mài đóng góp chút công sức nhỏ cùng chung tay giúp đỡ các địa phương phòng, chống dịch bệnh.

Nhận thấy đây là hoạt động ý nghĩa và rất thiết thực cần được nhân rộng trong cộng đồng, vậy nên nhận được thông báo Hà Anh đã đồng ý tham gia. Chia sẻ với chúng tôi, Hà Anh nói, do là sinh viên, kinh phí còn eo hẹp nên đoàn trường đã hỗ trợ chi phí, nguyên vật liệu để Hà Anh và các bạn sinh viên có cơ hội góp sức mình vào hoạt động phòng, chống dịch.

"Mình vui lắm khi được tham gia vào công tác chống dịch, được tự tay làm những tấm chắn gửi tới khu vực tâm dịch, để san sẻ khó khăn cùng các y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch. Tuy nhiên, việc làm của chúng mình rất nhỏ, nhưng trong thời điểm hiện tại thì những chiếc mũ có kính chắn để cản giọt bắn như thế này là rất cần thiết.

Vì vậy, chúng mình rất vui, hy vọng với việc làm của chúng mình dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi và cuộc sống của người dân sẽ trở lại bình thường, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch covid-19 sớm thôi", Hà Anh tâm sự.

Trước tình hình dịch bệnh, sinh viên tạm thời nghỉ học tập trung, thay vào đó là học online tại nhà. Ngoài thời gian học online, Nguyễn Ngọc Thảo Sương (sinh viên năm 2- Khoa Dược) đã đăng ký làm hàng trăm chiếc mũ chống giọt bắn, gửi tặng y bác sĩ và người dân vùng dịch.

Để làm một chiếc mũ chống giọt bắn, Thảo Sương phải đi 16km để mua xốp lót mũ, chun vòng qua đầu, tấm bóng kính A4, dập ghim và keo nến. Những ngày đầu chưa mua được xốp dán, Sương phải mua xốp nguyên khối rồi về cắt thành từng dải bằng nhau.

Sinh viên hào hứng làm mũ chắn giọt bắn chia lửa cùng người dân vùng dịch - 3
Thảo Sương cùng mẹ đang cật lực cắt, dán các vật liệu để làm mũ chắn giọt bắn gửi đến người dân vùng dịch.

Thảo Sương cho hay, làm mũ chắn giọt bắn mất nhiều thời gian nhất ở khâu cắt, dán. Không ít lần Sương làm hỏng, phải làm đi làm lại nhiều lần mới quen tay. Để có được nhiều sản phẩm gửi tới vùng dịch, Sương vận động người thân trong gia đình cùng làm. Trung bình mỗi ngày cô sinh viên năm hai này làm được 150 chiếc.

Cứ thế, chỉ sau 1 tuần, gần 1.000 chiếc mũ chắn giọt bắn nhanh chóng được hoàn thiện. Đôi tay của những người trẻ miệt mài kết những tấm xốp, mica thành sản phẩm hoàn chỉnh để nhanh chóng được gửi tới vùng dịch.

"Nhận được những dòng nhắn gửi, lời cảm ơn từ các vùng dịch sau khi nhận được những sản phẩm của chúng em, nhiều người còn khen "chiếc mũ rất đẹp", em thấy rất vui và hạnh phúc vì bản thân làm được việc ý nghĩa. Hy vọng, thời gian tới em sẽ có nhiều cơ hội để sẻ chia khó khăn cùng mọi người hơn nữa", Thảo Sương bộc bạch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm