Sau cơn "thập tử nhất sinh" vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Sau khi cả 9 thành viên trong gia đình điều trị khỏi Covid-19, anh Trần Hữu Tài (TP. Hồ Chí Minh) đã tình nguyện lái xe ô tô đi phát cơm miễn phí cho các y bác sỹ tuyến đầu chống dịch.

Hơn một tháng nay cứ sáng sáng anh Trần Hữu Tài (36 tuổi, Q. 10 TP. HCM) lại lấy xe hơi của mình đến các điểm tiếp nhận rau củ, quả, gạo… ở TPHCM rồi chở về các bếp ăn từ thiện.

Đợi các đầu bếp chế biến xong, anh cùng khoảng 10 tài xế tình nguyện khác lại phân chia nhau chở hàng nghìn suất ăn đến các khu cách ly, bệnh viện tuyến đầu.

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 1

Hơn một tháng nay, anh Tài lấy xe riêng của gia đình đi vận chuyển các suất ăn miễn phí đến các cơ sở y tế, cách ly ở Sài Gòn. (Ảnh: NVCC).

Ít ai biết chỉ cách đây ít hôm, anh Tài cùng 9 thành viên trong gia đình mình vừa trải qua những ngày tháng "thập tử nhất sinh" điều trị Covid-19. Bố mẹ anh Tài ngoài 60 tuổi, đều có bệnh nền là tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Vợ chồng anh Tài có 4 người con, bé đầu 9 tuổi, bé út mới 8 tháng tuổi cũng đều nhiễm bệnh.

"Ngày nhận kết quả âm tính cả gia đình tôi vỡ òa hạnh phúc, sung sướng. Bản thân tôi muốn trả ơn đời, tri ân các bác sỹ nên rất muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình để cùng mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn của bệnh tật", anh Tài xúc động tâm sự.

Khủng hoảng, sốc khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2

Trước đó, ngày 26/7, bố mẹ anh Tài bất ngờ thấy mệt mỏi, người lừ đừ, đau nhức khắp cơ thể nhưng chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường vì suốt những ngày đó các thành viên trong gia đình đều tự cách ly tại nhà, không tiếp xúc với ai.

Tuy nhiên, các biểu hiện của Covid-19 càng ngày càng rõ, hai ông bà bắt đầu sốt, ho và tức ngực. Hai ngày sau 28/7, vợ chồng anh Tài cũng có biểu hiện sốt nhẹ. Sau khi mua test nhanh về kiểm tra, cả gia đình bàng hoàng và sốc nặng khi cả 4 người đều có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 2

Trong thời gian điều trị Covid-19, có những giai đoạn bị mất khứu giác, người mệt mỏi nhưng cả nhà vẫn cố gắng đảm bảo các bữa ăn, giữ tinh thần lạc quan nhất có thể. (Ảnh: NVCC).

Liên tiếp những ngày sau đó, 4 người con của anh Tài và cô giúp việc trong gia đình cũng lần lượt nhiễm bệnh.

"Cảm giác lúc đó là lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng. Cả gia đình chán nản, mất tinh thần và không muốn làm gì. Tuy nhiên, tôi là người khá lạc quan nên ngay lập tức "sốc" lại tinh thần cho cả nhà, bắt đầu tìm hiểu thông tin về điều trị bệnh. Tôi cũng làm công tác tư tưởng cho ba mẹ, để mọi người suy nghĩ tích cực", anh Tài kể.

Thời điểm đó các bệnh viện ở TPHCM hầu hết đã quá tải. Khi phát hiện bệnh, anh Tài được các y bác sỹ hướng dẫn cách điều trị tại nhà.

"Hai vợ chồng mình tách nhau ra, vợ vẫn cho con bú, phụ trách bạn nhỏ nhất, mình với 2 đứa nhỏ còn lại ở 1 phòng. Còn ông bà cũng ở một phòng riêng để tiện theo dõi triệu chứng, điều trị bệnh", anh Tài nói.

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 3

Trong thời gian điều trị Covid-19 tài nhà, cả gia đình anh Tài đều giữ tinh thần lạc quan. (Ảnh: NVCC).

Hàng ngày, gia đình chỉ uống thuốc khi sốt, tích cực bổ sung thêm nước trái cây đặc biệt là nước ổi và ăn táo. Chế độ dinh dưỡng cũng được điều chỉnh với các món bồi bổ, có lợi cho sức khỏe. Cứ người có triệu chứng nhẹ thì chăm sóc người nặng hơn.

Anh Tài kể, mệt nhất là khoảng 5 ngày đầu mắc bệnh. Giai đoạn này virus hành hạ khiến ai nấy đều sốt cao có lúc trên 39 độ C, người lừ đừ, đau nhức khắp người. Bản thân anh Tài cũng có lúc nằm li bì, cơ thể rất yếu, mất vị giác và khứu giác.

Dù vậy, anh vẫn cố gắng gượng dậy chăm sóc những người yếu hơn mình. Anh Tài cũng hướng dẫn các thành viên rửa mũi, súc họng, thường xuyên đo chỉ số Sp02, chỉ số oxy trong máu để kịp phát hiện các bất thường.

"Ban đầu bố mẹ tôi stress, lo lắng, chán nản thậm chí không buồn ăn uống nhưng sau khi lấy lại tinh thần thì đều tích cực hẳn lên. Hàng ngày hai ông bà tập thở, đạp xe quanh vườn hoặc luyện tập các bài Yoga nhẹ nhàng và ngủ đủ giấc", anh Tài kể.

Ba bé nhỏ con anh Tài phục hồi nhanh nhất nhà, các con cắt sốt sau 1-2 ngày, khuấy động không khí, lan tỏa năng lượng tích cực cho cả nhà.

Sau 5 ngày, hai vợ chồng anh Tài cũng bắt đầu cắt sốt, các biểu hiện của bệnh giảm dần chỉ còn ho, mệt mỏi. Bố mẹ anh bình phục chậm hơn do tuổi cao và có bệnh lý nền nhưng sức khỏe cũng cải thiện mỗi ngày.

Đến ngày 11/8, sau 14 ngày điều trị, cả gia đình anh Tài vỡ òa hạnh phúc khi test nhanh cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

"Tinh thần rất quan trọng và quyết định đến 70% - 80% thành công của quá trình điều trị bệnh, nếu mình lạc quan suy nghĩ tích cực thì sẽ phục hồi nhanh. Biết rằng 98% những người nhiễm Covid rồi sẽ hết vậy thì tại sao phải quá tiêu cực. Tôi mừng và hạnh phúc nhất là bố mẹ dù cao tuổi với nhiều bệnh lý nền vẫn chữa trị thành công", anh Tài hạnh phúc nói.

Giám đốc lái xe đi giao cơm miễn phí

Sau khi có kết quả âm tính, ngay ngày hôm sau anh Tài đã tình nguyện xung phong vào nhóm bếp ăn thiện nguyện, nhận giao cơm miễn phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 4

Ngay sau khi điều trị khỏi Covid-19, anh Tài đã lái xe đi làm công việc thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng. (Ảnh: NVCC).

Cứ 6 giờ sáng, anh Tài lấy xe ô tô của gia đình đi nhận nguyên liệu, thực phẩm chở đến các bếp ăn, sau đó lại đưa từng hộp cơm đến các bệnh viện.

Thời gian trống, vị giám đốc này lại nhận thêm vận chuyển thiết bị y tế như khẩu trang 3M, máy sp02, quần áo bảo hộ… ủng hộ của các hội nhóm từ thiện phân phối đến các nơi cần. Nhiều công việc không tên khiến anh Tài luôn bận bịu từ sáng đến tối mịt.

Ban đầu, bố mẹ anh Tài phản đối vì "xót con". "Mình vừa mới hồi phục bệnh, ông bà lo sức khỏe không đảm bảo, thêm nữa, sợ mình lại tái nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, được một thời gian, gia đình cũng hiểu hơn, thấy con làm được nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng thì cũng ngầm quay sang ủng hộ. Mỗi khi mình về, cả nhà đều chuẩn bị nồi nước để xông người, hay cốc nước cam pha sẵn để bồi bổ", anh Tài cười kể.

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 5

Những suất ăn nhẹ được đội bếp tình nguyện của anh Tài chuẩn bị cho các đơn vị chống dịch. (Ảnh: NVCC).

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 6

Bố mẹ anh Tài cùng các con tham gia đóng gói xuyên tâm liên, ủng hộ các gia đình cần khi điều trị Covid-19. (Ảnh: NVCC).

Anh Trần Hữu Tài hiện là giám đốc, nhà sáng lập một hệ thống về spa và dịch vụ y tế. Các tài xế trong đội tình nguyện của anh hầu hết cũng đều là chủ tịch, giám đốc các công ty lớn.

Tuy nhiên, khi tham gia chống dịch, mặc những bộ đồ bảo hộ ai cũng như ai, mọi người đều không nề hà bất cứ công việc gì. Mỗi người một chân, một tay, có người chưa bao giờ vào bếp nay cũng xốc vác cả những công việc nội trợ.

Điều khiến anh Tài hạnh phúc nhất là nụ cười, sự rạng rỡ trên khuôn mặt của các y bác sỹ khi đón nhận những suất ăn giàu dinh dưỡng và giàu tình cảm. "Dù bịt khẩu trang, mặc bảo hộ nhưng nhiều người đưa tay lên ngực, làm tay biểu tượng trái tim để cảm ơn mình.

Có y bác sỹ còn "nhảy cẫng" vui sướng khi mình thông báo hôm nay thực đơn có món tủ của họ. Những điều giản đơn ấy làm mình thấy ý nghĩa lắm. Không gì hạnh phúc hơn là được đóng góp công sức chung tay cùng cộng đồng trong giai đoạn khó khăn này", anh Tài chia sẻ.

Sau cơn thập tử nhất sinh vì Covid-19, giám đốc đi đưa cơm trả ơn bác sỹ - 7

Anh Tài (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh cùng các tình nguyện viên trong nhóm của mình. (Ảnh: NVCC).

Nhóm bếp ăn của anh Trần Hữu Tài được thành lập từ đầu tháng 7/2021. Đến hiện tại bếp đã phục vụ được 190.000 suất ăn cho 55 địa điểm, trong đó có 23 bệnh viện, 11 khu phong tỏa và khu vực cách ly, 15 đơn vị tuyến đầu, 2 ký túc xá đại học và nhiều khu vực có người vô gia cư.