Sài Gòn "đau bệnh" nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ

Thư Quỳnh

(Dân trí) - Cảnh đường phố vắng lặng không một bóng người hay chân dung những người "căng mình" chống dịch được thể hiện thật sống động pha lẫn nét "bi tráng"... qua loạt tác phẩm của họa sĩ Lê Sa Long.

0h ngày 31/5, khi TPHCM chính thức giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng là "mốc thời gian" họa sĩ Lê Sa Long bắt đầu dựng giá vẽ, dùng chiếc cọ của mình lưu lại những hình ảnh của Sài Gòn những ngày "bị bệnh".

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 1

TPHCM trong những ngày "bị bệnh" qua những bức tranh vẫn đẹp hút hồn bởi sự nhân văn và nhân ái.

Những bức tranh tái hiện lại cảnh lặng yên của những đợt giãn cách xã hội, mô tả những sinh hoạt của tuy đời thường nhưng rất nhân văn, nhân ái của người dân và khắc họa chân dung những nhân vật hết mình vì cộng đồng trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 2

Cảnh thành phố năng động, nhộn nhịp nay phải "băng bó" khắp mình khiến người xem không khỏi xót xa.

Loạt tranh này được họa sĩ Lê Sa Long đăng tải trên trang facebook cá nhân với tên gọi "Sài Gòn những ngày giãn cách". Loạt tranh này cũng nhận được nhiều bình luận khen ngợi cũng như nhiều lượt chia sẻ của cộng đồng mạng.

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 3

Bức tranh "Thiên thần nhỏ đi cách ly" phác họa lại hình ảnh bé gái F0 5 tuổi ngoan ngoãn lên xe đi điều trị Covid-19 khiến nhiều người xúc động.

Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Sa Long, trước dịch bệnh, công việc của anh là lên lớp giảng dạy cho sinh viên, vẽ tranh do khách đặt hàng và vẽ tranh sáng tác. Trong những ngày phải giãn cách vì Covid, anh chỉ có thể duy trì công việc giảng dạy qua hình thức online.

Mặc dù công việc bị hạn chế vì khó khăn trong việc ra ngoài vẽ tranh phong cảnh nhưng anh vẫn cảm thấy ổn và luôn thực hiện nghiêm túc theo những chỉ thị của Chính phủ để vượt qua đại dịch Covid-19

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 4

Bức tranh ghi lại ATM lướt ống độc đáo ở nhà thờ Tân Sa (quận Tân Bình) bằng chất liệu Pastel và than trên giấy Canson KT 50x40cm 26-6-2021.

"Tôi rất đau lòng khi chứng kiến Sài Gòn thân thương bị bệnh, nhưng Sài Gòn trong "cơn hoạn nạn" đã có những vẻ đẹp về tình người giúp nhau vượt qua khó khăn... mà tranh tôi chỉ thể hiện được một phần rất nhỏ" -  họa sĩ Lê Sa Long tâm sự.

Hiện anh đang hoàn thiện gần 40 bức tranh phong cảnh và chân dung về chủ đề Sài Gòn trong mùa dịch được vẽ bằng Acrylic - pastel và màu nước. Ngoài cái tên "Sài Gòn những ngày giãn cách", họa sĩ Lê Sa Long còn gọi những bức tranh này là "cuốn sổ ghi chép" sự kiện đại dịch kinh hoàng, khó quên trong cuộc đời. 

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 5

Nụ cười rạng rỡ của bác sĩ trẻ khi vừa cạo đầu để vào tâm dịch được tái hiện đầy cảm xúc qua nét vẽ của họa sĩ Lê Sa Long. Ngoài ra, anh còn vẽ thêm chân dung những nhân vật khác cũng hết mình vì cộng đồng phòng chống dịch Covid-19 như ca sĩ Hà Anh Tuấn, bác sĩ Thanh Thúy (BV Trưng Vương TPHCM)…

Trong đó, những bức tranh phong cảnh là kỳ công và tốn nhiều thời gian nhất vì phải đi thực tế nhiều lần, ký họa vẽ thành tranh rồi chỉnh sửa. Các bức tranh như bức "Đường Ngô Đức Kế - Quận 1 cơn mưa đêm những ngày đầu giãn cách" hay bức "Tiếng rao bánh mì đêm khuya Đường Vũ Huy Tấn, quận Bình Thạnh" đều là những bức tranh có hồn và có giá trị mỹ thuật khá cao qua sự đánh giá của một số nhà sưu tập hội họa, minh chứng bởi việc những tác phẩm này đã được nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước liên hệ hỏi mua. 

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 6

Bức tranh "Tiếng rao bánh mì đêm khuya" trên đường Vũ Huy Tấn, quận Bình Thạnh vẽ lại cảnh người bán bánh mì lẻ loi giữa đường cất tiếng rao "Sài Gòn thơm bơ hai ngàn một ổ".

Theo chia sẻ của họa sĩ, bức tranh mang đến cho anh nhiều cảm xúc nhất là bức "Dòng sữa ngọt ngào" và "Thiên thần bé nhỏ đi cách ly" vì đằng sau nó có một câu chuyện cảm động lay động tình người.

Bên cạnh đó, nhờ bút pháp hiện thực chuyển tải nội dung được thể hiện tốt, câu chuyện nhân văn được hiện lên rõ ràng qua từng nét vẽ, đây cũng là hai bức tranh được bạn bè đồng nghiệp của chính họa sĩ và công chúng yêu thích nhất.

Sài Gòn đau bệnh nhưng vẫn đẹp hút hồn qua từng nét vẽ - 7

Bức tranh "Dòng sữa ngọt ngào" dựa trên câu chuyện có thật về cảnh tượng cảm động khi nữ bác sĩ vắt sữa vào bình rồi bế cháu bé mắc Covid-19 trên tay và cho bú.

Chia sẻ với PV Dân trí, họa sĩ Lê Sa Long nói giọng đầy tin tưởng, rằng: Rồi đây, Sài Gòn sẽ sớm vượt qua cơn "cúm" mang tên Covid-19!

Họa sĩ này cũng dự kiến, sau dịch sẽ thực hiện triển lãm tranh và ra mắt bộ sách ảnh đánh dấu một khoảng thời gian Sài Gòn đã yêu thương, hỗ trợ nhau vượt qua đại dịch như thế nào.

Và, như một việc làm tất yếu, họa sĩ tài năng này sẽ trích một khoản trong tiền bán tranh để đóng góp quỹ giúp người dân khó khăn đang sinh sống ở vùng đất này vượt qua cơn "bĩ cực" ra sao, như một sự tri ân với mảnh đất và con người Sài Gòn.

Họa sĩ Lê Sa Long sinh ra ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), lớn lên ở Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), học tập và lập nghiệp tại TPHCM. Đến nay, anh đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn được gần 30 năm.

Năm 2020, anh gây chú ý với loạt tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những "Người tình âm nhạc".

Tháng 10/2020, họa sĩ Lê Sa Long ra mắt bộ tranh "KHẨU TRANG VÀ NGƯỜI NỔI TIẾNG", đồng thời ra mắt với tập sách ảnh cùng tên tại Đường sách TPHCM.

Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh. Số tiền bán tranh được anh trích ra 80 triệu đồng để đóng góp cho quỹ người nghèo, quỹ phòng chống Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm