Được tiêm vắc xin thời điểm này chính là món quà sức khỏe ý nghĩa
(Dân trí) - "Được tiêm vắc xin trong thời điểm này như được nhận món quà sức khỏe ý nghĩa, giúp tôi tự tin "sống chung với dịch" trong tình hình hiện nay của TPHCM", anh Lý Tấn Đạt chia sẻ.
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với hơn 800.000 liều đã chính thức được triển khai trên diện rộng tại TPHCM. Hơn 2 ngày qua, nhiều địa điểm tiêm ngừa được tổ chức trên địa bàn thành phố với đông đảo người dân tham gia.
Nôn nao, háo hức chờ được tiêm
Chiều 23/6, chị Nguyễn Thụy Mỹ Hạnh (26 tuổi), cùng các đồng nghiệp của mình đến tiêm vắc xin Covid-19 tại địa điểm trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (số 2 Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TPHCM).
Ngồi tại hàng ghế chờ được gọi tên, chị Mỹ Hạnh vui vẻ chia sẻ với PV Dân trí về sự hồi hộp và nôn nao của chị khi sắp được tiêm mũi vắc xin đầu tiên sau nhiều ngày mong ngóng.
Theo lời kể của chị Hạnh, chị từng có chút lo lắng khi nghe một số bạn bè kể về việc gặp phản ứng sau khi tiêm. Tuy nhiên, nhờ tìm hiểu kỹ thông tin, nắm rõ tình hình nguy hiểm của dịch bệnh hiện tại nên chị vẫn giữ được tâm lý bản thân thật bình tĩnh để lựa chọn tiêm vắc xin bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Sau khi được tiêm xong, chị Hạnh ngồi tại chỗ theo dõi thêm gần một tiếng đồng hồ. Hoàn tất hết các bước tiêm ngừa, chị vội chạy ra khoe với chúng tôi: "Mình không ngờ là tiêm nhanh vậy luôn! Điều dưỡng chỉ đưa kim vào vài giây là xong rồi, mình còn không cảm nhận được đau nhức hay tê buốt gì như nhiều người kể. Không biết tối nay về nhà có sao không, nhưng nãy giờ ngồi gần một tiếng mình vẫn thấy rất bình thường".
Tuy không cùng địa điểm tiêm ngừa, nhưng có cùng tâm trạng với chị Mỹ Hạnh, anh Nhâm Sỹ Thành (40 tuổi), ngụ tại quận Gò Vấp cũng vừa tiêm xong mũi vắc xin đầu tiên trong ngày hôm nay.
Sau khi tiêm được nửa ngày, anh Thành vẫn chưa thấy cơ thể có phản ứng gì ngoài hơi đau nhẹ ngay chỗ tiêm. Tuy vậy, anh vẫn chuẩn bị sẵn sàng các phương án cần thiết như thuốc hạ sốt, uống nhiều nước… cho trường hợp xảy ra phản ứng. Anh Thành còn chuẩn bị tâm lý nếu cảm thấy sức khỏe có dấu hiệu không ổn, sẽ lập tức nhờ đến sự can thiệp của cơ sở y tế.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Sỹ Thành nói: "Khi tiêm, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng hiện nay con virus này biến chủng rất nhiều và biện pháp duy nhất để ngăn chặn nó chỉ có thể là vắc xin thôi. Ít nhất nếu chúng ta có lỡ gặp phải một số ca nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn".
Ngoài ra, anh Thành còn cho rằng mũi vắc xin này chưa thể đảm bảo được an toàn tuyệt đối nên anh không cho phép bản thân chủ quan mà vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn do Bộ Y tế khuyến cáo.
Tiêm vắc xin là điều cần thiết và chẳng hề đáng sợ
Bên cạnh những niềm vui khi việc tiêm vắc xin được triển khai trên diện rộng tại TPHCM, đâu đó vẫn có những tin tức về các tác dụng phụ của vắc xin khiến không ít người cảm thấy lo lắng và chần chừ chưa quyết định tiêm.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Dân trí với nhiều người đã tiêm vắc xin, hầu hết mọi người, dù xảy ra phản ứng ít hay nhiều đều có cùng quan điểm rằng việc tiêm vắc xin là cần thiết và chẳng có gì đáng sợ.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (29 tuổi), ngụ tại quận Phú Nhuận, tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vì muốn phòng bệnh cho bản thân và giữ an toàn cho gia đình, xã hội.
"Mình tin tưởng vào việc tiêm vắc xin. Theo mình, để có được số vắc xin này, chắc chắn phải trải qua rất nhiều đợt thử nghiệm nên chẳng có lý do gì mà chúng ta phải đặt ra quá nhiều nghi ngờ. Chỉ cần chuẩn bị tâm lý thật thoải mái trước khi tiêm là được", anh Tuấn Anh bày tỏ ý kiến.
Chị Huỳnh Như Nguyễn (27 tuổi), một người đã tiêm xong mũi vắc xin thứ nhất được hơn 2 tuần cho rằng, thay vì lo sợ tác dụng phụ của vắc xin, mọi người nên sợ việc không được tiêm hơn. Vì khi tiêm vắc xin, tỉ lệ cơ thể được bảo vệ tốt hơn, khả năng bị tác động bởi virus thấp hơn.
Riêng chị Như Nguyễn, chị cảm thấy an tâm hơn khi được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, chị không để bản thân chủ quan vì sau 14 ngày cơ thể mới tạo ra kháng thể. Hơn nữa, phải chờ tiêm đủ mũi 2, khả năng bảo vệ mới cao hơn. Vậy nên chị vẫn luôn cẩn thận và tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K.
"Mình mong càng nhiều người dân Việt Nam được tiêm vắc xin càng tốt, không chỉ an tâm về sức khỏe của lực lượng tuyến đầu, mà cả nước sẽ có miễn dịch cộng đồng để khôi phục kinh tế và cuộc sống của mọi người trở lại nhịp sống bình thường", chị Như Nguyễn chia sẻ thêm.
Việc được tiêm vắc xin đáng quý như một món quà ý nghĩa
Anh Lý Tấn Đạt (26 tuổi), ngụ tại quận 5, chia sẻ với PV Dân trí, dù bản thân có chút lo lắng khi nghe kể về các tác dụng phụ có thể xuất hiện sau tiêm vắc xin nhưng anh vẫn quyết định đi tiêm theo khuyến khích của cơ quan và chủ trương của nhà nước.
"Các bác sĩ, y tá sàng lọc kỹ, tư vấn tận tình giúp tôi được trấn an; ngay khi huyết áp ổn định, tôi đã tiêm vắc xin. Việc tiêm chủng khá nhanh, tôi cảm thấy mọi việc suôn sẻ hơn tưởng tượng của mình", anh Tấn Đạt cho biết.
Mặc dù sau khi tiêm, anh có gặp một số những phản ứng như sốt, đau nhức cơ thể, nhưng nhờ được đội ngũ y tế tư vấn tận tình, hơn nữa bản thân anh có tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng nên các phản ứng khó chịu được khống chế rất nhanh chóng.
Khi nói về việc một số người vì lo sợ mà chần chừ trong việc tiêm phòng Covid-19, anh Đạt nhắn nhủ: "Thực tế, các phản ứng sau tiêm đều được các nhà sản xuất và cơ quan y tế khuyến cáo rõ ràng, công khai và minh bạch. Tùy cơ địa mỗi người sẽ có tác dụng phụ ở các mức độ khác nhau. Rủi ro là có, tuy nhiên không nên quá nao núng, lo sợ vì những trường hợp đáng tiếc chiếm thiểu số trong cộng đồng. Chỉ có vắc xin mới đưa mọi người trở về cuộc sống thường nhật".
Với anh Tấn Đạt, việc tiêm vắc xin như một món quà sức khỏe ý nghĩa giúp anh an toàn và an tâm hơn trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều chuyển biến phức tạp.
"Sau tiêm chủng, tôi phần nào an tâm hơn khi làm việc và "sống chung với dịch" trong tình hình mới. Tôi sẽ giữ gìn sức khỏe, chuẩn bị thể trạng tốt nhất cho mũi tiêm tiếp theo", anh Đạt chia sẻ.