"Rùng mình" xem trẻ em nông thôn tập bơi
(Dân trí) - Một chiếc can nhựa, một tấm xốp mỏng, thậm chí là chẳng có lấy bất kỳ một dụng cụ bảo vệ nào trong khi phao bơi chỉ để đùa nghịch, hàng trăm trẻ em nông thôn thi nhau vùng vẫy dưới dòng nước đục ngầu để tập bơi. Sự thờ ơ với chính tính mạng của các em khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Tại sao cháu lại ra mương này tắm? – Cháu tập bơi ạ.
Bố mẹ có biết cháu ra đây tắm không? – Biết ạ.
Sao cháu không mặc áo phao vào? – Cháu không thích!.
Cháu có biết như thế là nguy hiểm với tính mạng mình không? – Có ạ.
Biết nguy hiểm sao còn ra đây tắm? - Cháu ra tắm cho mát thôi.
Đó là một đoạn hội thoại ngắn giữa PV Dân trí và một cậu bé khoảng chừng trên dưới 10 tuổi. Sau câu trả lời, cậu bé nhảy ùm xuống mương nước đục ngầu chảy qua cánh đồng xã Liên Thành (Yên Thành, Nghệ An) đùa giỡn với các bạn. Nhóm trẻ 6 người, có 2 chiếc áo phao nhưng không một ai trong số đó khoác áo phao vào người. Chiếc áo phao được ném qua, ném lại, thành một thứ đồ chơi dưới nước của đám trẻ.
Mương dẫn nước chạy giữa cánh đồng của xã Bắc Thành (Yên Thành) bỗng trở nên náo nhiệt vào giữa buổi chiều đến xẩm tối. Đoạn mương dài khoảng 100m ken đặc những đứa trẻ từ 5-12 tuổi thỏa thuê vẫy vùng. Số em nhỏ được trang bị áo phao và có người lớn đi kèm chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Anh Cao Đình Sỹ (xóm 5, xã Trung Thành, Yên Thành) ngồi trên xe máy, quan sát 3 cậu bé đang bơi lội, đùa giỡn dưới nước, không ai mặc áo phao. Hai đứa là con trai anh, một lên 8, một lên 9 tuổi, đứa còn lại là con của em trai. “Mấy đứa nhỏ thích đi tắm mương để bơi nên mỗi chiều tôi dành 1 tiếng chớ các cháu ra đây. Tắm mương 2 năm rồi nên cơ bản đứa nào cũng đã biết bơi nhưng mình đứng đây quan sát cho yên tâm”.
Trong khi các bạn chơi trò nhảy ùm từ bờ xuống nước thì bé Tài (xóm Bắc Sơn, xã Nam Thành) cùng 1 bạn khác bơi dọc mương nước dưới sự giám sát của mẹ Tài. Người phụ nữ ngồi trên xe máy, chốc chốc lại lên tiếng động viên con tiếp bơi quãng dài hơn. Tài là con út của chị, đây là mùa hè thứ 2 Tài ra mương dẫn nước của xã để bơi.
“Thấy cháu nó đòi đi bơi với các bạn thì mẹ đưa đi thôi. Cháu bơi cũng thạo rồi nên chị không bắt cháu mặc áo phao nữa. Có mình giám sát trên bờ là yên tâm rồi. Không hiểu bố mẹ các cháu nghĩ gì mà cho con ra kênh tự bơi thế này? Như thế là vô trách nhiệm với tính mạng của con”, người mẹ tâm sự. Mặc dù “giám sát” để bảo vệ con nhưng chính người mẹ này cũng không biết bơi. Khi tôi hỏi ngộ nhỡ có tình huống xấu xảy ra thì chị xử lý thế nào? Chị chỉ cười, bảo con mình bơi thạo rồi.
Nếu như Tài hay các con anh Sỹ có người lớn đi theo để quản lý thì nhiều em nhỏ khác đi tập bơi 1 mình. Một số em mặc áo phao, một số em khác dùng can nhựa (loại 5 lít) làm phao tập bơi. Thậm chí có em còn “sáng tạo” bẻ tấm xốp ra thành từng mẩu rồi… nhét vào quần làm phao.
Cô bé Hoàng Thị Cẩm (8 tuổi) theo các bạn ra mương dẫn nước thủy nông của xã để tắm. Bố mẹ đã mua cho Cẩm 1 chiếc áo phao, cô bé này cũng cầm theo nhưng không mặc mà để nghịch. Cẩm chưa biết bơi nên chỉ dám lội từng đoạn nhưng khi hỏi vì sao không mặc áo phao vào, cô bé chỉ lắc đầu, trả lời “không thích”.
Cách đó không xa, 6-7 thiếu niên khoảng từ 10-12 tuổi chơi trò cảm giác mạnh ngay chỗ máng nước giữa hai đoạn mương. Dòng nước từ mương phía trên chảy xuống xối xả, đám trẻ chẳng có một tấm phao nào, chui vào thác nước đang chảy để nước tống ra xa và cười một cách đầy sảng khoái. Khi được hỏi, đám trẻ đều khẳng định đã biết bơi và không hề tỏ ra lo lắng về những nguy hiểm mà mình đang phải đối mặt.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu mùa hè tới nay, tại Nghệ An đã có gần 20 trẻ bị tử vong vì đuối nước. Ngay chiều ngày 11/7, cũng ngay tại huyện Yên Thành, 3 nữ sinh từ 10 đến 13 tuổi trú tại xã Viên Thành tử vong trong quá trình tập bơi ở đập Choạc. Thế nhưng dường như những cái chết tức tưởi này không khiến những đứa trẻ nông thôn biết sợ. Bên cạnh đó, sự thiếu quản lý của các bậc phụ huynh khiến các em đứng trước nhiều nguy cơ về tai nạn đuối nước, nhất là trong những ngày hè này.
Một số hình ảnh được PV Dân trí ghi lại tại huyện Yên Thành (Nghệ An):
Hoàng Lam