Rợn người trào lưu nuôi nhện khổng lồ của những dân chơi phố
(Dân trí) - Trước đây loài vật nhiều chân, đáng sợ này thường là nỗi khiếp sợ đối với nhiều người. Tuy nhiên vài năm nay, nhện khổng lồ Tarantula được nhiều dân chơi sinh vật cảnh “chuộng” mua làm thú cưng trong nhà.
Tarantula là loại nhện lớn, thân hình đầy lông, có xuất xứ từ Châu Mỹ với khoảng 800 loài. Một con nhện Tarantula trưởng thành, lớn nhất trong tự nhiên từng ghi nhận nặng tới 120 gam (bằng con chuột con) với chân dài 30cm.
Trước đây, chúng sống trong những khu rừng tự nhiên, vài năm trở lại đây loại nhện “khổng lồ” này được nhiều người ưa chuộng, săn lùng làm thú cưng trong nhà. Tại Việt Nam, trào lưu nuôi nhện Tarantula nở rộ cách đây khoảng 5 năm và nhanh chóng trở thành phong trào được giới trẻ ở các thành phố lớn yêu thích.
Anh Việt Anh (sinh năm 1986), chủ một shop bán thú cưng trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết, sở dĩ nhện Tarantul được ưa chuộng là bởi chúng có màu sắc bắt mắt, rực rỡ, dễ nuôi và không tốn công chăm sóc. Hầu hết các loại nhện cảnh Tarantul ở Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài, không có độc tố.
Một người chơi có thể nuôi 30-40 con cùng lúc với diện tích chỉ cần 6m2. Thức ăn của nhện Tarantul là sâu, dế… Một tuần, loài nhện khổng lồ này chỉ ăn một lần. Tarantula hầu như không gây hại cho người và còn được sử dụng làm kiểng hay món ăn ở một số nước trên thế giới.
Hiện tại cửa hàng anh Việt Anh, giá của nhện Tarantul được chào bán dao động từ vài trăm ngàn (size con mới nở) đến vài triệu đồng đối với những con trưởng thành. “Vài năm trở lại đây, phong trào nuôi nhện cảnh nở rộ nên cửa hàng tôi cũng bán chạy và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Có thời gian cao điểm, nhện cảnh khan hiếm, muốn mua khách phải đặt trước vài tuần để đợi hàng về”, anh Việt Anh nói.
Chủ shop cảnh này cũng cho biết, thường những con nhện “khổng lồ” nuôi làm cảnh ở Việt Nam là những con không có độc tố, không làm hại đến con người. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều tay chơi mạo hiểm “săn tìm” các loại nhện độc làm cảnh.
“Với kinh nghiệm chơi và nuôi loại nhện này khoảng 5 năm, tôi khuyên các bạn trẻ không nên cố thử nuôi các loại nhện độc vì có thể sẽ phải đối mặt với những rủi ro cho bản thân và những người xung quanh”, anh Việt Anh nói.
Trong khi đó, anh An – một người chơi nhện cảnh ở TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, chơi nhện Tarantul khá thú vị. Bản thân An đã có kinh nghiệm nuôi nhện cảnh được gần 2 năm. Loại vật này tuổi thọ cao, dễ chăm sóc, nên phù hợp với những người không có nhiều thời gian. Tuy nhiên theo An, do Tarantul có những đặc trưng nhất định nên không phải ai cũng có thể nuôi được.
“Đặc trưng điển hình của Tarantula là sở hữu lớp lông mềm mịn bảo phủ bên ngoài toàn bộ cơ thể vừa để giữ ấm vừa giúp tự vệ. Khi cảm thấy có nguy hiểm chúng sẽ dùng chân quẹt lông ngứa để tung về phía kẻ thù. Nếu người chơi không có kinh nghiệm chăm sóc, xử lý để dính chiếc lông này vào người sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu dính vào da sẽ gây ngứa, không may hít phải có thể gây khó thở, dị ứng đường hô hấp”, An nói.
Một người bán nhện Tarantul Minh ở Tp. Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, chơi nhện “khổng lồ” này điều đầu tiên phải làm chuồng nuôi kín, có nắp đậy, đảm bảo nhện không thoát ra ngoài được. Ngoài ra, người chơi nên chọn các loại nhện không có độc tố.
“Nhện Tarantul có nhiều loài, một số loài trong tự nhiên được ghi nhận có nọc độc như rắn hổ mang, có thể gây chết người. Ngoài ra, nếu tiếp xúc với nhện thì cần đeo bao tay để tránh những rủi ro có thể xảy ra”, anh Minh nói.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để vật nuôi cũng như người nuôi được an toàn, trước khi nuôi phải tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, tiến hành khám bệnh tổng quát, chuồng nuôi phải bảo đảm vững chắc, sạch sẽ. Đặc biệt, cần chú ý không nuôi nhốt những loài thú đã bị nhà nước cấm vận chuyển, buôn bán.
Hiệp Nguyễn