Ra mắt công cụ trực tuyến thông báo về nạn buôn bán thịt chó, mèo
(Dân trí) - Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) vừa ra mắt trang công cụ trực tuyến thông báo về các hành vi, hoạt động liên quan đến nạn buôn bán thịt chó và mèo.
Những năm gần đây, Four Paws và các tổ chức đối tác tại Việt Nam nhận nhiều thông tin từ cộng đồng về các hoạt động liên quan đến buôn bán thịt chó, mèo như bắt trộm, giam giữ, vận chuyển và buôn bán động vật vào các lò mổ,…
Vì vậy, một trang công cụ để giúp mọi người thông báo các hành vi, hoạt động liên quan đến nạn buôn bán thịt chó và mèo được thiết lập.
Thông tin nhận được từ các báo cáo sẽ được sử dụng để thiết kế các chiến lược, đo lường và đề ra hướng giải quyết đối với các tác hại của nạn buôn bán, bao gồm các rủi ro to lớn đối với sức khỏe con người, cũng như các rủi ro xã hội và các tác động đến tâm lý con người.
Theo đại diện Four Paws, sau hơn 2 tuần (từ ngày 4 đến 21/11), trang công cụ đã nhận gần 80 báo cáo cho thấy mọi người quan tâm rất nhiều đến vấn đề này. Nhiều người bức xúc khi báo cáo các tin về bả, trộm, giết mổ, bạo hành chó mèo và mong đợi những thông tin này được cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
Công cụ này mới chỉ triển khai tại 2 tỉnh thành Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng đã nhận được thông tin từ khắp các tỉnh thành trong nước với mong muốn mô hình sẽ được mở rộng ra toàn quốc.
Bà Ninh Thị Phương Thảo - Điều phối viên chương trình Chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam của Four Paws, cho biết: "Người dân ngoài hai tỉnh thí điểm thường xuyên liên hệ chúng tôi yêu cầu triển khai mô hình tại các tỉnh khác. Four Paws sẵn sàng triển khai công cụ này trên toàn quốc để hỗ trợ cộng đồng quan tâm và muốn bảo vệ chó, mèo".
Mỗi năm, nhiều cá thể chó và mèo bị giết để lấy thịt ở Việt Nam, trong đó có liên quan đến nhiều hoạt động bất hợp pháp, bao gồm trộm cắp vật nuôi, không tuân thủ các quy định kiểm soát dịch bệnh, ngược đãi động vật và giết mổ không hợp vệ sinh.
Bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của Four Paws, cho biết: "Vấn nạn buôn bán và ăn thịt chó, mèo tiềm tàng nhiều nguy cơ xuất hiện các mầm bệnh mới, bên cạnh đó còn mang lại các hậu quả xã hội. Đã có một số trường hợp bạo lực giữa những kẻ trộm chó, mèo và chủ vật nuôi, thậm chí có trường hợp dẫn đến tử vong hoặc chấn thương nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có tình trạng người dân, bao gồm cả trẻ em bị tử vong khi ăn phải mồi độc do những người trộm chó bỏ lại. Hậu quả của việc buôn bán thịt chó, mèo không chỉ giới hạn ở người sở hữu vật nuôi mà còn gây rủi ro cho tất cả cộng đồng".
Cuối năm 2020, một lò mổ ở Thái Bình đã đóng cửa. Anh Phạm Văn Dương - chủ lò mổ, chia sẻ: "Khi được Four Paws vận động, tôi đã tự nguyện đóng cửa quán. Mặc dù việc kinh doanh của tôi đang khá thuận lợi, thu nhập trung bình một đến 2 triệu đồng/ngày. Nhưng tôi vẫn quyết định vì không muốn hai con gái nhỏ của mình phải chứng kiến cảnh chó, mèo bị bố mẹ giết thịt. Đóng cửa nhà hàng, cả gia đình tôi ai cũng thấy nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng".
Ngày 8/12, Four Paws sẽ tổ chức buổi đối thoại với các bên hữu quan để thảo luận về các giải pháp cho vấn nạn buôn bán thịt chó, mèo này.