Quẳng đi gánh nặng thành tích với trẻ lớp 1

(Dân trí) - Tình huống con không muốn đến trường, không muốn học viết là rất bình thường. Hãy quẳng gánh nặng thành tích để trẻ lớp 1 không bị “sốc” do thay đổi môi trường.

 

Trước những lo lắng và tình huống khi con vào lớp 1 của của bạn đọc Nguyễn Kim Anh (Hà Nội) nhiều bậc phụ huynh đã chia sẻ kinh nghiệm từng trải qua khi trẻ chuyển từ giai đoạn mẫu giáo lên tiểu học.

Trẻ không cần thiết phải học quá nhiều

“ Lớp 1 tức là mới bắt đầu, con mới 6 tuổi, tay của trẻ vẫn còn non nớt nên cha mẹ và cô giáo không nên ngay lập tức yêu cầu trẻ phải viết chuẩn từng chữ như quy định. Ở các trường Quốc tế trẻ vẫn chơi là chủ yếu, chỉ cần trẻ hoàn thành đủ bài viết, viết đúng quy trình, độ cao độ rộng của chữ... đúng tương đối là chấp nhận được. Như vậy, trẻ sẽ không coi việc tập viết chữ như khổ sai. Vấn đề viết đẹp cũng thuộc về năng khiếu và sở thích cá nhân. Nếu trẻ thích thì sau này cha mẹ hướng dẫn trẻ cũng chưa muộn, còn không hãy chấp nhận khả năng của trẻ”- Bạn đọc Hoàng Đằng, TP. HCM chia sẻ. Đừng làm trẻ lớp 1 phải mang gánh nặng thành tích của người lớn.

Quẳng đi gánh nặng thành tích với trẻ lớp 1 - 1

Đừng làm trẻ lớp 1 phải mang gánh nặng thành tích của người lớn.

Bạn đọc Minh Giang, Đồng Hới, Quảng Bình cho rằng: Chị Kinh Anh nên bình tĩnh trước những tình huống này. Trên thực tế, con chị do được nuông chiều nên còn mới mẻ với môi trường có tính kỷ luật. Do ở mẫu giáo, trẻ “chơi hoàn toàn”, được cô giáo chăm sóc, bao bọc thì với tiểu học, trẻ bắt đầu phải “học nhiều hơn” và phải tự lập. Đáng lẽ bé được bố, mẹ chuẩn bị tinh thần và các kỹ năng thì bé sẽ không kịp “khớp” với môi trường mới. Với trường hợp của con chị Kim Anh, người lớn cần bỏ thêm thời gian huấn luyện và giúp đỡ con trẻ chứ không nên đổ lỗi cho nhau.

Đừng bắt trẻ lớp 1 mang gánh nặng thành tích

Theo chuyên gia tư vấn Vũ Thu Hà, Văn phòng tâm lý Tuổi hồng trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), trẻ bị sốc khi thay đổi môi trường từ mẫu giáo lên tiểu học là bình thường. Trên thực tế, tước khi con vào lớp 1, nhiều cha mẹ cho con học chữ, tập đọc trước, coi như đã “chuẩn bị tâm thế cho con” rồi. Thực ra quan niệm chỉ cần trẻ biết trước các bạn thì việc học tập về sau sẽ suôn sẻ là một sai lầm lớn. PGS.TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng: Nhiều phụ huynh thấy người khác cho con đi học trước nên vội vã cho con học theo mà không biết là đang làm hại trẻ, khiến trẻ càng mất hứng thú học tập hơn. Lẽ ra, khi vào lớp 1, trẻ sẽ được học các kiến thức mới thì nay, trẻ cảm thấy điều gì cũng biết rồi nên không tập trung nghe giảng mà quay sang nghịch, phá phách trong lớp.

Theo chuyên gia Vũ Thu Hà, để giúp trẻ, trước hết phụ huynh cần tự "cởi trói" đối với tư duy “con mình phải hơn con người”. Chỉ sau mấy ngày trẻ nhập học, phụ huynh thường có xu hướng “nghe ngóng” và so sánh con với các trẻ khác. Nếu thấy con có biểu hiện học chậm hơn, viết xấu hơn bạn thì vội vã gây áp lực lên trẻ khiến bé càng sợ hãi. Trong khi, việc học chữ, số ở giai đoạn đầu này không thể nói lên điều gì về năng lực và tương lai của trẻ sau này.

Chuyên gia tâm lý Mã Ngọc Thể - Giảng viên Khoa Tâm lí (ĐH Tân Trào), chuyên gia tham vấn giáo dục cho biết, ở bậc mầm non, trẻ đã được cô dạy một số thứ sinh hoạt như tự đi lấy nước uống, tự đi vệ sinh, phải ngủ vào buổi trưa, được giao lưu, chơi với các bạn... Giai đoạn này trẻ không được học chữ, đến trường chủ yếu vui chơi là chính. Sang giai đoạn học tiểu học, nếu bố mẹ bắt ép học, quên rằng con mới chuyển sang môi trường hoàn toàn mới sẽ chỉ khiến trẻ sợ đi học, mất hứng thú học tập, ảnh hưởng tới tâm lí.

Cũng theo chuyên gia Thể, giai đoạn trẻ 6 tuổi, trí não có phát triển hơn, nhưng bước vào lớp 1 nếu phụ huynh không quan tâm đến con, tạo áp lực học tập lên con dễ khiến trẻ bị căng thẳng, hoảng sợ, không muốn học tập. Thay vì bắt ép học tập, hãy cho bé làm quen dần với con số, mặt chữ. Trẻ vào lớp 1 là bước vào khuôn khổ, học tập các môn học. Chuyển từ chơi sang học, bố mẹ cần dành nhiều thời gian cho con hơn, cho con được chơi, có được tâm lí ổn định và thoải mái, dần dần con sẽ quen và đi vào nề nếp học tập.

P. Thanh (TH)