Quán nem “bà còng”, 20 năm không cần mái che, ngày bán vài trăm chiếc
(Dân trí) - Suốt 20 năm qua quán nem nhỏ của cụ Thanh được thực khách gọi bằng cái tên thân thương “quán nem bà còng”. Bán gần cổng trường, nem của “bà còng” gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ học sinh.
Nằm ngay gần cổng Trường THCS Thành Công (Hà Nội), quán nem bà còng nườm nượp đón khách mỗi ngày. Chủ quán là cụ bà với mái tóc bạc trắng, lưng còng tên Nguyễn Thị Thanh, năm nay gần 80 tuổi.
Tiết trời se lạnh đầu mùa càng khiến cho mùi vị nem rán hấp dẫn thực khách ghé lại quán nem của bà cụ. Gọi là quán nhưng nơi này chỉ có vài chiếc ghế nhỏ trên vỉa hè, không mái hiên, không có bàn.
Đôi tay gầy vừa thoăn thoắt rán nem bà Thanh vừa chia sẻ: “Trước kia tôi đã trải qua đủ thứ nghề từ bán cháo lòng, bún ngan, cơm bình dân,… Sau tuổi đã cao nên chọn ngồi bán nem vỉa hè cho đỡ vất vả. Trời thương nên cho lộc, nem rán lúc nào cũng rất đắt hàng”.
Bà kể, 20 năm kinh nghiệm mới làm ra được những chiếc nem ngon như bây giờ. Ngày mới làm nem bán bà thường xuyên bị bỏng vì dầu sôi bắn lên tay, những chiếc nem có cái cháy, có cái nát không được đẹp mắt. Làm nghề lâu năm, bà nghĩ ra cách cho bột tôm vào nem và dùng vỏ bánh pía để gói, nem sẽ ngon hơn, không bị dầu bắn lên nữa.
Nghĩ lại những ngày mới ngồi ở đây bán hàng, bà cho biết:“ Ngày xưa khách chưa quen cả ngày bà chỉ bán được 50 chiếc thôi. Hồi đó mỗi chiếc nem chỉ 1.000 đồng/ chiếc. Lời lãi tính ra chẳng được là bao”.
Hiện nay, mỗi ngày bà Thanh bán được khoảng 300 - 400 chiếc nem rán, ngày khách đông thì được gần 500 chiếc.
Nhờ sự vui tính, ấm áp của vị chủ quán lớn tuổi mà rất nhiều vị khách ăn nem ở quán từ 20 năm trước vẫn ghé lại quán bà còng để ủng hộ. Có khách đã lập gia đình còn mang theo con cái . Bà Thanh coi đó là niềm vui khi gắn bó với nghề này mà lại chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ khách đến ăn.
Anh Minh (Thành Công, Hà Nội) là một vị khách quen của quán nem bà còng, anh chia sẻ: “ Bà cụ năm nay đã hơn 80 tuổi rồi mà lúc nào cũng nhanh nhẹn, trí nhớ rất tốt. Ai đến trước ai đến sau bà đều nhớ rõ và phục vụ rất chu đáo nhiệt tình. Tôi ăn nem ở đây đã vài năm bà đều coi mỗi vị khách như người thân, chỉ cần đến ăn nem của bà một hai lần là bà nhớ mặt liền”.
Bà Thanh tâm sự, bà vẫn nhớ từng gương mặt học sinh đến quán, dù bà không biết tên. Mỗi ngày bà ngồi đây không chỉ để mưu sinh kiếm sống bà còn được nghe rất nhiều câu chuyện của các cô cậu học trò. Cứ thế, gánh hàng của bà đã cùng họ lớn lên và trưởng thành. Vì lý do đó, bà coi mỗi thực khách như người trong gia đình.
Hình ảnh bà cụ lung còng, tóc trắng bạc ngồi bán nem trước cổng trường đã trở thành ký ức của rất nhiều thế hệ học sinh trường THCS Thành Công. Bà Thanh gọi khách đến ăn là “em” bà giải thích rằng vì quán ở cạnh trường học, nên gọi "em" cho gần gũi.
Tấm lưng còng, thân hình nhỏ bé nhưng cụ Thanh lại có sức khỏe tốt và sự nhanh nhẹn khi đã ở tuổi 80. Cụ nói:“ Tôi còn khỏe là còn lao động. Cũng có khi nhờ chịu khó bán hàng rồi được trò chuyện hàng ngày với các cháu mà tôi lại càng minh mẫn. Tôi sẽ bán đến khi nào không còn sức thì mới thôi”.